Nằm ở cực nam đảo Hải Nam, Trung Quốc, cảng cá Tam Á, thành phố Tam Á là nơi xuất phát của hàng chục nghìn tàu đánh cá Trung Quốc với những thiết bị hiện đại, coi khu vực Biển Đông - trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép và một số bãi đá ngầm, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa cũng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - như ao nhà!
Phần lớn ngư dân trên những con tàu đánh cá ấy đều ngộ nhận Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) là “lãnh thổ của họ” nên chả trách họ ra khơi với thái độ... nhơn nhơn (!)
BÀI I: ĐỘI QUÂN TÀU SẮT
Đường đến Tam Á
Xuống sân bay Bạch Vân (Baiyun), thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc lúc 10 giờ 20 phút, tôi lập tức đến chỗ làm thủ tục nhập cảnh cũng như thủ tục chuyển tiếp chuyến bay đi thành phố Hải Khẩu (Haikou), đảo Hải Nam mà trong đó, chỉ riêng cái việc xếp hàng chờ đóng dấu vào hộ chiếu đã mất gần 30 phút.
Trên tấm vé của tôi, cửa ra máy bay chỉ ghi vỏn vẹn một chữ B nhưng lúc sang đến khu B, tôi hoa mắt trước hàng trăm chữ B được đánh số từ B1 đến B… 220. Có B rẽ trái và cũng chẳng thiếu B rẽ phải! Đã vậy, cả khu vực dành cho khách đi rộng mênh mông, nhan nhản những cửa hàng miễn thuế nhưng không nơi nào bán simcard điện thoại để tôi có thể liên lạc với Liu, người hướng dẫn tôi trong chuyến đi này.
Theo như đã hẹn, Liu sẽ chờ tôi ở khu vực cửa ra máy bay nhưng vốn tiếng Hoa chỉ vỏn vẹn mấy chữ “nỉ hào - khỏe không” và “xie xe - cảm ơn” nên tôi chẳng biết phải hỏi ai. May sao, thấy một thanh niên đang chăm chú đọc tờ báo tiếng Anh China Daily, tôi bước đến nói với anh ta rằng tôi có hẹn với một người bạn đi Hải Khẩu nhưng lại không biết cửa khởi hành ở nơi nào thì anh ta cười: “Cứ đi theo đường này, đến ngã ba rẽ trái rồi đi thẳng tiếp. Sau đó anh chú ý nhìn vào số cửa. Nó là cửa B 213”.
Tưởng là gần lắm, ai dè phải cuốc bộ khoảng 1km mới đến cửa 213 nhưng trước khi đến nơi, tôi lại phải đặt ba lô vào máy soi, tháo thắt lưng, bỏ ví, điện thoại, kính… vào cái khay nhựa rồi đứng dang rộng chân tay để kiểm tra an ninh thêm một lần nữa, mất 20 phút. Lúc nhìn thấy tôi, Liu chạy bổ ra, nói bằng tiếng Việt: “Em cứ lo anh trễ. Sao không gọi em?”. Tôi trả lời là tôi không tìm ra chỗ bán simcard. Liu ngạc nhiên: “Điện thoại anh không roaming (chuyển vùng quốc tế) à?”. Tôi lắc đầu, cố che đi nỗi ngượng ngùng vì túi tiền eo hẹp bằng cách nói dối: “Vội quá nên mình chưa kịp…”.
Ngư trường của tàu đánh cá 09045 là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. |
Liu là đối tác làm ăn với Trần, bạn tôi, chuyên về xuất nhập khẩu nông sản, có trụ sở công ty ở quận 11 TP HCM. Trước khi tôi bay sang Quảng Châu, Trần đã điện thoại cho Liu, nhờ giúp đỡ tôi trong suốt chuyến đi. Theo lời Trần thì Liu sinh ra, lớn lên ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Cuối năm 1978, lúc 9 tuổi Liu cùng gia đình về thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Sau đó, Liu sang Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông làm ăn. Qua người bạn, Liu quen Trần rồi hợp tác với Trần trong việc mua bán hạt điều, hạt tiêu, sắn khô, ớt khô... nên Liu nói tiếng Việt khá sõi.
Cuối cùng thì cũng lên được máy bay. Sau 1 tiếng 10 phút, chiếc Airbus 320 của Hãng Hàng không Phương Nam, Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay quốc tế Mỹ Lan (Meilan), thành phố Hải Khẩu. Chẳng hiểu Liu liên hệ từ lúc nào mà vừa ra tới cửa, đã thấy một anh bạn Liu, tên Sơn (Shan) tay bắt mặt mừng. Liu nói với tôi bằng tiếng Anh vì không muốn Sơn biết tôi là người Việt: “Nó sẽ cho mình mượn chiếc xe hơi của nó để đi Tam Á (Sanya) nhưng đêm nay, nó mời mình ở lại. Nó đã đặt phòng khách sạn Huangma Holiday”.
Bữa cơm tối diễn ra vui vẻ với đặc sản Hải Nam là gà Văn Xương, dê núi Ngũ Chỉ Sơn cùng rượu Trúc Diệp Thanh. Dê thì bình thường nhưng con gà Văn Xương ngoài lớp da rất dày và giòn thì đến một lớp mỡ béo rồi mới tới thịt. Ăn xong, Sơn lái xe đưa chúng tôi đi một vòng thành phố Hải Khẩu. Rộng gấp đôi Sài Gòn với hệ thống đường sá thênh thang, phẳng lì và sạch sẽ. Ngoại trừ ô tô, chính quyền Hải Khẩu không cho phép người dân sử dụng xe gắn máy. Tất cả chỉ là xe máy điện để tránh ô nhiễm nên không hề nghe thấy những tiếng còi inh ỏi hoặc cảnh chen lấn, khói xăng nồng nặc cùng những cú đánh võng, lạng lách, bốc đầu.
Nhà cửa ở đây phần lớn là nhà cao tầng, đặc biệt là các chung cư cao 20, 30 tầng nhưng khá nhiều chung cư lại không có người ở, đèn đóm tối thui. Thấy tôi ngạc nhiên, Sơn giải thích thông qua Liu phiên dịch: “Chủ của nó là các đại gia nhà đất ở Quảng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải..., đi trước đón đầu trong chiến lược xây dựng các “đại đô thị” của Chính phủ Trung Quốc”.
Hải sản Việt Nam – Đặc sản Hải Nam
6 giờ sáng hôm sau, trời còn mờ sương, tôi và Liu đã lên đường đi Tam Á trên chiếc ô tô 4 chỗ hiệu Subaru của Sơn cho mượn. Từ Hải Khẩu đi Tam Á có 3 đường, một là cao tốc 223 dài 323 km chạy dọc theo bờ biển phía đông, hai là cao tốc 224 dài 309 km xuyên qua trung tâm đảo và ba là cao tốc 225 dài 429 km chạy dọc theo bờ biển phía tây. Cả ba con đường này đều cho phép xe cộ lưu thông tối đa 120km/g. Mặc dù chỉ cách Trung Quốc đại lục bằng eo biển Lôi Châu nhưng nhiệt độ ngoài trời ở đảo Hải Nam là 17 độ trong lúc Quảng Châu lạnh 8 độ.
Liu nói: “Em sẽ ghé thành phố Bác Ngao (Boao) trước để anh xem cảng cá Bác Ngao. Nó cũng là một trong những điểm xuất phát đi Hoàng Sa, Trường Sa của đội tàu đánh cá Trung Quốc. Nếu cần hỏi gì, anh cứ nói với em bằng tiếng Anh rồi em hỏi họ bằng tiếng Trung vì nếu biết anh là “Duê Nản” - (nghĩa là người Việt), có thể họ sẽ không nói…”.
Bác Ngao là một thành phố nhỏ, cách Hải Khẩu 105km. Đây cũng là nơi tổ chức Diễn đàn kinh tế châu Á năm 2009. Cảng cá Bác Ngao nằm trên sông Vạn Tuyền, đối diện với một dãy phố vừa là chỗ cung cấp hậu cần nghề cá, vừa bán hàng lưu niệm. Khi tôi đến, có hơn chục chiếc tàu đánh cá vỏ sắt, chiếc nào chiếc nấy dài khoảng 20m, ngang 5m với từng tốp thủy thủ đang tất bật vận chuyển nước đá, lương thực để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.
Những con ghẹ lớn đánh bắt ở vùng biển Việt Nam được bán với giá 328 Nhân dân tệ/600gam). |
Trên lề đường, sát nơi tàu neo đậu là hàng chục chiếc sạp nhỏ, bán nhiều loại tôm cá đựng trong thùng xốp ướp đá nhưng hầu hết đều rất bé: Những con ghẹ chỉ bằng 2 ngón tay, tôm tích cỡ 1 ngón tay. Tôi nhờ Liu hỏi một chị chủ sạp rằng có loại ghẹ nào lớn hơn không? Chị ta đưa tay chỉ sang bên kia đường: “Dà chi chu xiè Duê Nản (ghẹ lớn Việt Nam) bán bên đó”.
Lát sau, lúc sang xem, tôi thấy trong cái bồn bằng kính có mấy con ghẹ to gần bằng bàn tay, bên ngoài đề giá mỗi cân (600gam) là 328 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng tiền Việt). Ông chủ tiệm giải thích: “Loại này phải đi xuống Việt Nam đánh bắt mới có chứ ở đây (ý nói vùng biển quanh đảo Hải Nam) nước lạnh, ghẹ không lớn đâu” trong lúc tại Phan Thiết, ghẹ cỡ đó chỉ chừng 300.000 đồng/kg.
Chả thế mà đến tối ăn cơm, Liu gọi một tô canh nghêu nấu bí đao rồi giới thiệu đây là “đặc sản” Hải Nam vì nó đắt: Một tô canh cho khoảng 4 người ăn giá 220.000 đồng tiền Việt. Nhìn vào tôi thấy lõng bõng nước, chỉ có vài miếng bí đao cắt mỏng dính và khoảng chục con nghêu “nhi đồng” mà khi gỡ thịt ra khỏi vỏ, nó bằng đúng đầu ngón tay út, nhai không bõ dính răng. Tôi nói với Liu: “Nếu có dịp sang Việt Nam, tao dẫn mày về Mũi Né quê vợ tao. Ở đó chỉ cần ăn 2 con ghẹ và 10 con ghêu là mày sẽ bội thực”.
Do khí hậu ở đảo Hải Nam không lạnh lắm, mùa đông ít khi nào xuống dưới 15 độ nên nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch là ba thành phần kinh tế mũi nhọn. Cùng với cây lúa, còn có dừa, cọ, hạt tiêu, cà phê, cao su, ớt, và đặc biệt là dứa (trái thơm), dẫn đầu Trung Quốc. Về ngư nghiệp, cá mú, cá thu và cá ngừ chiếm phần lớn sản lượng đánh bắt xa bờ của ngư dân Hải Nam. Bên cạnh đó, họ còn nuôi tôm, sò điệp và trai để lấy ngọc.
Theo tìm hiểu, toàn đảo Hải Nam hiện có hơn 700 trại nuôi tôm diện tích mặt nước từ 5 hecta trở lên và khoảng 100.000 hộ nuôi cá rô phi, cung cấp cho các tỉnh, thành ở đại lục. Liu nói chính quyền Hải Nam chia đảo thành 8 vùng du lịch gồm Hải Khẩu và các khu vực lân cận, nơi có những khu phố cổ từ hàng trăm năm được bảo tồn rất cẩn thận, khu Văn Xương nổi tiếng với món gà, khu Quỳnh Hải, Định An có thành phố Bác Ngao, năm 2009 đã diễn ra Hội nghị Kinh tế châu Á và bây giờ, các tòa nhà dùng làm nơi hội nghị, nơi ăn ở của các đại biểu biến thành điểm tham quan.
Khu Tam Á, nơi Công ty du lịch Hải Nam tổ chức những chuyến tàu đưa khách du lịch trái phép đến quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), khu cao nguyên trung tâm Bạch Sa, Quỳnh Trung và khu Ngũ Chỉ Sơn, nổi tiếng với món thịt dê núi...
Ra khỏi cửa hàng bán “Dà chi chu xiè Duê Nản”, chúng tôi quay lại chỗ những con tàu đánh cá đang neo đậu. Thấy một người đàn ông chỉ tay sai thủy thủ đưa những chiếc thùng đựng lương thực từ ghe nhỏ lên con tàu số hiệu 09045, tôi bảo Liu hỏi ông ta về chuyện đánh bắt. Ông nói ông chỉ là người làm công, và ngư trường chính của tàu là vùng biển quanh quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam), có khi xuống đến gần giàn khoan dầu khí ở biển Vũng Tàu.
Ông nói: “Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 1 tháng. Hết lương thực, nước đá thì có tàu hậu cần cung cấp. Hải sản đánh bắt được sau khi cân đo số lượng, chủng loại, cũng nhờ tàu hậu cần chuyển về đất liền cho gia đình bán hoặc bán luôn cho tàu”.
Tôi hỏi thông qua Liu: “Nếu tàu hư hỏng hoặc xảy ra đau ốm, tai nạn thì sao?”. Ông chủ tàu không giấu vẻ tự đắc: “Chúng tôi vào đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép rồi biến nó thành thành phố Tam Sa). Ở đó bây giờ có sân bóng đá, có nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt, có tiệm ăn, quán trà…”.
Vẫn theo lời ông này, thủy thủ lên đảo Vĩnh Hưng có thể vào quán cà phê, quán bia bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Trên con đường chính của đảo là “Bắc Kinh đại lộ”, có cây ATM để rút tiền, có siêu thị mini, bưu điện, bệnh viện, có sóng wifi, 3G, có trường học cho trẻ em và có cả đài truyền hình!
Vẫn thông qua Liu, tôi hỏi tiếp: “Gặp tàu đánh cá Việt Nam thì sao?”. Ông trả lời: “Nếu gặp trên đường thì mình ra hiệu xua đuổi họ. Còn nếu gặp trong ngư trường “của mình” thì mình ủi cho họ chạy. Cần thiết thì đâm vào tàu họ. Mình tàu sắt, lớn. Họ tàu gỗ, nhỏ, sao chống lại được mình”. Tôi hỏi đã có lần nào tàu ông ủi tàu đánh cá Việt Nam chưa? Ông cười, nói với Liu: “Sao cái thằng Malaysia này hỏi nhiều thế!”.
Ngủ lại Bác Ngao một đêm, hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường đi Tam Á. Ngang qua thành phố Quỳnh Hải (Qionghai), Liu cho xe rẽ vào cảng cá Đàm Môn cũng nằm trên con sông Vạn Tuyền. Tại nơi này, tôi chỉ thấy vài chiếc ghe nhỏ vì những con tàu sắt đã ra khơi từ hàng tuần lễ trước.
Hỏi một công nhân đang sửa chữa chiếc máy xay nước đá, anh ta cho biết tất cả đều cùng tiến về vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để cào, quét tận thu mọi loại tôm cá trước khi lệnh cấm đánh bắt hải sản trên biển Đông của chính quyền Trung Quốc có hiệu lực từ giữa tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 7 hằng năm…
Theo Vũ Cao - ANTG