VỌNG RA BIỂN
Đánh bắt ở Biển Đông, ngư dân sợ tàu Trung Quốc hơn hải tặc
15:42 | 05/04/2016

Ngày nay, khi đánh bắt trên Biển Đông, các ngư dân Đông Nam Á không lo hải tặc mà lại lo sợ tàu cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc.

Đánh bắt ở Biển Đông, ngư dân sợ tàu Trung Quốc hơn hải tặc
Ông Jamali Basri, người đứng đầu hội nghề cá ở thành phố Miri (bang Sarawak, Malaysia), cho biết khoảng 1.000 ngư dân bang Sarawak sống trong nỗi lo sợ trước những tàu tuần duyên và hải cảnh bảo vệ tàu cá Trung Quốc, bởi vì tàu cá Trung Quốc bành trướng vào ngư trường truyền thống của Malaysia ở Cụm bãi cạn Luconia, cách bờ biển của Miri khoảng 100k.
“Chúng tôi nghe thông tin về tàu tuần duyên Trung Quốc đâm húc tàu cá Philippines và Việt Nam. Chúng tôi lo sợ và hải quân của chúng tôi thì chẳng làm gì”, ông Basri nói.
“Nếu hải quân cắm cờ ở Cụm bãi cạn Luconia và duy trì sự hiện diện tại đó thì ngư dân chúng tôi mới có đủ can đảm ra đánh bắt”, ông Basri cho biết thêm.
Nhưng cắm cờ khẳng định chủ quyền không đủ để ngăn chặn Trung Quốc, bởi vì nhu cầu về cá ngày càng gia tăng và các quốc gia trong khu vực ngày càng kiên quết bảo vệ quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Do dân số ở Trung Quốc và Đông Nam Á liên tục tăng, nhu cầu tiêu thụ hải sản ngày càng cao. Trước áp lực này, nhiều ngư dân trong khu vực phải mở rộng phạm vi đánh bắt và thậm chí đánh bắt trái phép, dẫn đến các ngư trường ngày càng khan hiếm cá.
Kể từ cuối năm 2014, Indonesia đã bắt 153 tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này, bao gồm 50 tàu cá Việt Nam, 43 tàu cá Philippines và một tàu cá Trung Quốc, và Jakarta thường đánh chìm tàu cá đánh bắt trái phép bị bắt.
Gần đây, vào ngày 19.3, các tàu tuần duyên Indonesia đã truy đuổi và bắt giữ một tàu cá Trung Quốc được cho đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia. Trong lúc lực lượng tuần duyên Indonesia áp giải tàu cá Trung Quốc đi, một tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận và định đâm vào tàu Indonesia để giải cứu tàu cá. Jakarta đã phải thả tàu cá sau khi một tàu hải cảnh khác có kích thước lớn hơn của Trung Quốc xuất hiện và can thiệp.
Bộ Ngoại giao Malaysia hồi tuần rồi cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia sau khi 100 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện trong vùng biển ngoài khơi Sarawak.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc ước tính thương mại nghề cá toàn cầu hồi năm 2015 đạt đến 130 tỉ USD.
“Hải sản tươi sống đánh bắt ngoài biển sẽ ngày càng trở nên hiếm ở Đông Nam Á trong tương lai và ngày càng có nhiều cá nuôi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”, chuyên gia nghề cá Simon Funge-Smith của FAO nhận xét.
Theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada) năm 2015, sản lượng cá đánh bắt ở Biển Đông mỗi năm ít nhất 10 triệu tấn, tương đương 12% sản lượng cá toàn cầu, nhưng con số thật có thể cao hơn do số liệu này không tính đến đánh bắt trái phép.
Nhu cầu người tiêu dùng càng cao, cùng với nạn đánh bắt trái phép như dùng thuốc nổ đánh bắt cá đang đe dọa ngư trường cá ở Biển Đông. Và cuộc chiến tranh giành ngư trường ngày trở nên gay gắt trên Biển Đông, theo The Straits Times.
“Cá ngày càng trở nên khó đánh bắt. Chúng tôi giờ phải đi xa hơn”, ngư dân Trung Quốc Li Zhongming từ tỉnh Hải Nam cho hay. Ở Philippines, 10 trong số 13 ngư trường truyền thống đã bị đánh bắt quá mức.
Sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012, ngư dân Philippines liên tục bị tàu tuần duyên và hải cảnh rung Quốc chĩa súng đe dọa, dùng vòi ròng xua đuổi khỏi ngư trường này. Nay có trên 300 tàu cá Trung Quốc hoạt động tại ngư trường quanh bãi cạn Scarborough.

Theo TNO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng