Đoàn xuất phát từ cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) đến các đảo, điểm đảo và Nhà giàn DK1/15 do tàu Trường Sa 571 thực hiện. Hải trình đến với Trường Sa đã đem lại cho mỗi thành viên trong Đoàn nhiều cảm xúc thiêng liêng, tự hào, những ấn tượng không thể nào quên!

Thiêng liêng Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển, đảo của Tổ quốc

Trong không khí thiêng liêng, trang trọng, tại khu vực đảo Cô lin thuộc quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác đã tổ chức Lễ tưởng niệm, dâng hương, thả hoa trên biển tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Diễn văn tại Lễ tưởng niệm nhấn mạnh những cống hiến lớn lao của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Trong cuộc chiến không cân sức tháng 3 năm 1988, các cán bộ, chiến sĩ của quân đội ta đã kiên cường đến phút cuối cùng, 64 chiến sĩ đã ngã xuống khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma. Các anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại cho thế hệ sau những tấm gương sáng ngời tinh thần quả cảm oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Các con tàu đưa các đoàn đại biểu đến thăm quần đảo Trường Sa luôn dừng lại, thả những vòng hoa xuống biển và dành thời gian mặc niệm, tưởng nhớ các anh.

Không chỉ vững vàng, xuất sắc khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong cuộc chiến khói lửa đối mặt với hòn tên mũi đạn mà các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam cũng rất anh dũng, kiên cường khi đối mặt với những cơn cuồng phong, sóng lớn của biển cả.

 Tại Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, một lần nữa chúng tôi được nhắc nhớ về sự kiện tháng 12 năm 1998, khi một cơn bão gây gió giật mạnh và sóng biển giữ dội tràn qua vùng biển nhà giàn DK1, nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên nằm trong tâm điểm của bão, 9 cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở chỉ huy, kiên quyết bảo vệ Nhà giàn đến cùng. Cơn bão mạnh ấy đã cướp đi sinh mạng của 3 đồng chí. Các anh đã mãi mãi ở lại với biển khơi, nhưng tinh thần quả cảm, tấm gương anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc thì mãi tỏa sáng. Hôm nay, trên vùng biển các anh đã ngã xuống, Nhà giàn mới DK1/15 (Phúc Nguyên 2) đã mọc lên sừng sững, hiện đại, hiên ngang giữa biển khơi.

Chúng tôi đã được chứng kiến và cảm nhận được biết bao mồ hôi, xương máu của cán bộ, chiến sĩ, người con của dân tộc ta đã đổ xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa hôm nay đã, đang và tiếp tục khẳng định sức sống mới nơi tiền tiêu của Tổ quốc bằng sự vững vàng, kiên trì, luôn rèn luyện, huấn luyện, gương mẫu trong đời sống, sáng tạo trong lao động sản xuất và mưu trí, quả cảm trong thường trực sẵn sàng chiến đấu…

Tự hào Trường Sa hôm nay!

Tại các điểm đảo mà Đoàn đặt chân đến, các thành viên đã thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Đoàn công tác đã trực tiếp nghe lãnh đạo, chỉ huy các đảo, điểm đảo, Nhà giàn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và bày tỏ quyết tâm, niềm tin, tình cảm trước sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp… đối với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Tại xã đảo Sinh Tồn, Đoàn công tác đã nghe đồng chí Trung tá Lương Quốc Anh - Chỉ huy trưởng của đảo khái quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ trên đảo, về kết quả công tác huấn luyện tác chiến, công tác chính trị, cứu hộ cứu nạn (năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 đã cứu hộ 170 lượt, trong đó một lần cứu hộ công dân Philipin gặp nạn trên biển), kịp thời tổ chức chăm sóc sức khỏe nhân dân trên đảo. Sinh Tồn không có nước ngọt, đất trên đảo là cát san hô hầu như không trồng được cây ăn quả, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như: Mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng vuông, cây bão táp, cỏ dại,.. nhưng đất qua cải tạo có thể trồng được rau xanh. Hệ thống quạt lấy năng lượng gió và công trình lấy năng lượng mặt trời được xây dựng hiện đại, bảo đảm cung cấp năng lượng cho các hoạt động công tác và sinh sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. 

Gặp chiến sĩ hải quân trẻ tuổi nhất trên đảo Sinh Tồn – đồng chí Vũ Văn Doanh sinh năm 1997, với nước da nâu tươi màu của nắng và gió biển, nụ cười dễ thương tỏa sáng và rắn rỏi, anh cho biết  bản thân cảm thấy rất vinh dự và tự hào được làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc.  

Một điều cũng hết sức ý nghĩa, hành trình của Đoàn đúng vào dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Đoàn đã tổ chức tặng quà, trao học bổng cho các cháu được sinh ra, lớn lên, các cháu học giỏi trên đảo. Chị Nguyễn Kim Loan, mẹ của cháu Nguyễn Gia Khanh mới 5 tháng tuổi (công dân nhỏ tuổi nhất trên đảo) không giấu được niềm vui khi bế con cùng chuyện trò với chúng tôi. Chị chia sẻ, rất yên tâm và tin tưởng khi được sinh sống, xây dựng gia đình trên xã đảo này. Chị cho biết, bên cạnh việc cháu bé được bác sĩ của đảo thăm khám chu đáo, còn có các bác sĩ từ đất liền tình nguyện thăm Trường Sa để thăm khám cho các cháu sinh sống trên các thị trấn, xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

Tại mỗi điểm dừng chân của Đoàn ở các đảo, điểm đảo đều đem lại cho chúng tôi những dấu ấn đầy cảm xúc tự hào xen lẫn ngạc nhiên trước đời sống sinh hoạt, tinh thần hết sức phong phú của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo. 

Tại Đảo Đá Tây B, chúng tôi thực sự ấn tượng với một cán bộ hải quân bình dị có hàng chục sáng tác thơ, văn – đó là Trung tá Chu Văn Khuê. Những sáng tác của anh cũng hết sức bình dị khi nói về tình cảm đồng đội, về sự sẻ chia vượt qua khó khăn trong cuộc sống nơi đảo xa, về tình yêu Tổ quốc và Bác Hồ. Trong đó, hiển hiện sự lạc quan về sức sống, niềm tin, tình yêu của người lính biển: Anh là lính đảo Trường Sa/Sống cùng bão táp, phong ba/Anh yêu mỗi sớm mỗi chiều/Bình minh bừng sáng, mỗi chiều hoàng hôn/Yêu hơn những hạt mưa tuôn/Cái nắng cái gió luyện tôi con người/Gian truân vất vả vậy thôi/Cuộc đời lính đảo giòn tươi nụ cười/Yêu trời, yêu biển, yêu đời/Luôn chắc tay súng không rời đảo xa…

Đến thị trấn Trường Sa – Đảo Trường Sa – một hòn đảo được mệnh danh là thủ đô của huyện đảo Trường Sa nổi lên như một pháo đài sững sững kiên trung giữa Biển Đông. Báo cáo kết quả với Đoàn công tác, Trung tá Đỗ Thế Tuyến - Chỉ huy trưởng của đảo cho biết, cán bộ, chiến sĩ của đảo thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng nền nếp chính quy đơn vị cả về chế độ làm việc, tác phong chỉ huy, thời gian công tác và xây dựng doanh trại chính quy; phát huy nội lực xây dựng được 04 công trình kỷ niệm như: Vườn Câu lạc bộ quân nhân, vườn hoa, sân bóng chuyền, cổng đảo, củng cố hệ thống cây cảnh, chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp... Các anh đã luôn giữ vững mối quan hệ quân - dân, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt hải sản trong khu vực đảo quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố mối đoàn kết máu thịt quân - dân, tạo chỗ dựa, niềm tin vững chắc cho ngư dân, xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc. Ngoài ra, lực lượng hải quân trên đảo tổ chức tốt việc tăng gia sản xuất, tích cực tăng gia trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết quả mỗi năm có 12.050 kg rau, 2550 kg cá, 2832 kg thịt các loại, 2250 kg đậu phụ, tăng cường các bữa ăn để thực sự nâng cao đời sống cho quân dân trên đảo.

 

Đại tá Phạm Văn Vững - Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân cho Bệnh xá Đảo Trường Sa
 
Đặc biệt, cũng nhân dịp đến thăm Đảo Trường Sa, Đại tá Phạm Văn Vững - Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân đã trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân cho Bệnh xá Đảo Trường Sa do bác sĩ Trương Đức Cường làm Trưởng trạm vì đã có thành tích xuất sắc trong khám chữa bệnh cho các lực lượng, thực hiện tốt công tác phòng dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường: Đã tiến hành khám, điều trị, cấp cứu tổng số 2.332 ca, trong đó quân nhân 882 ca, dân 323 ca, ngư dân 1127 ca, cấp cứu 646 ca, đại phẫu 2 ca, trung phẫu 10 ca, tiểu phẫu 408 ca, bảo đảm tốt sức khỏe cho quân dân trên đảo và ngư dân ra đánh bắt hải sản.

Tiếp xúc với các hộ dân trên đảo, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Thành Hưng và chị Lê Thị Trúc Hà. Anh chị có hai con gái là cháu Nguyễn Hoàng Liên Quân (sinh năm 2011) và Nguyễn Lê Thục Quân (sinh năm 2012). Anh chị cho biết, đời sống của người dân trên đảo có nhiều thuận lợi, môi trường trong lành. Ngôi nhà của anh chị trông bề ngoài cũng như bao ngôi nhà khác ở đất liền, nhưng được xây dựng kiên cố và đặc biệt là ấm cúng về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, điện nước được khai thác từ thiên nhiên qua các công trình hấp thụ năng lượng gió, mặt trời. Trên đảo có nước giếng, nước mưa. Anh chị còn tăng gia trồng rau, nuôi gà vịt… Nhìn nụ cười hạnh phúc của anh chị và sự tươi vui hồn nhiên của hai cháu nhỏ, chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

Điểm dừng chân gần cuối hải trình của Đoàn công tác số 14 – Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên 2 mới được xây dựng năm 2010 và đưa vào sử dụng từ tháng 9 năm 2011. Tại buổi tiếp xúc, trao đổi về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Nhà giàn, đồng chí Trung tá Đinh Đắc Bình - Chỉ huy trưởng cho biết, tập thể cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn đã thực hiện tốt các chế độ đọc báo, nghe đài, thông báo thời sự, ngày chính trị văn hóa tinh thần, phát huy dân chủ. Nhà giàn là đơn vị đã tổ chức tốt các hoạt động dân vận, trong 5 tháng đầu năm 2016, Nhà giàn đã ký xác nhận 726 lượt/chiếc tàu cá của ngư dân ta ra đánh bắt hải sản tại khu vực, cấp nước ngọt cho 09 ghe cá, hỗ trợ 120 kg gạo, khám và cấp thuốc cho hơn 68 lần ngư dân của Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định. Công tác hậu cần bảo đảm quân số Nhà giàn khỏe 100%, kết quả tăng gia trong 5 tháng đầu năm đạt 646 kg rau xanh, 594 kg cá tươi, 25 lít nước mắm, 27 kg đậu phụ, 35 kg giá đỗ, 150 kg thịt heo, 120 kg gà, vịt… 

Phát biểu cảm ơn Đoàn, Đại úy Phạm Văn Hoàng khẳng định: Các đồng chí hãy tin ở chúng tôi, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn cũng luôn vững vàng, bản lĩnh, nêu cao ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng rèn luyện, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Nhà giàn, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước

Có thể nói, chuyến đi thực tế đã cho chúng tôi cảm nhận sâu sắc, tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo, điểm đảo, Nhà giàn; khâm phục, tự hào trước sự phấn đấu, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, khẳng định sự tin tưởng vào ý chí của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyển chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Nụ cười rạng rỡ của người dân trên xã đảo Sinh Tồn.

Phóng viên các cơ quan báo chí, truyền hình đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp thời tiết nắng nóng, cơ động trên nhiều đảo, điểm đảo, Nhà giàn… tích cực, miệt mài tác nghiệp. Nhiều anh chị em cán bộ, phóng viên báo chí phát biểu bày tỏ sự vinh dự được đi cùng Đoàn công tác ra thăm Trường Sa. Chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa này thực sự là chuyến đi tràn đầy cảm xúc thiêng liêng tự hào, thực sự nâng cao ý thức chính trị trong việc thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân theo tinh thần “Cả nước vì Trường Sa – Trường Sa vì Tổ quốc”.
 

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Hải quân, Vùng 4, Vùng 2, cán bộ, chiến sỹ tàu Trường Sa và Tổ phục vụ của Lữ đoàn 146/Vùng 4 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, không quản ngày, đêm, thời tiết nắng, nóng, tích cực hướng dẫn, thăm hỏi các thành viên Đoàn công tác, thể hiện sự chu đáo, trọng thị, nghĩa tình quân dân, đặc biệt là tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức phối hợp bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt, góp phần nâng cao ý nghĩa thành công của chuyến công tác.

Mỗi chúng tôi là những đại biểu đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp… đã lên tàu và cùng một hướng. Những ngày hải trình đến với Trường Sa đã giúp chúng tôi cùng hiểu thêm về thực tiễn cuộc sống khó khăn, gian khổ, vất vả của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo, Nhà giàn. Chúng tôi đã chứng kiến sự vững vàng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nơi tiền tiêu. Các anh thật xứng đáng với lời thề “Trung với Đảng, hiếu với dân, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”. Chúng tôi chỉ có thể nói: Cảm phục các anh!

Kết thúc hải trình, tạm biệt Trường Sa thân yêu, trong chúng tôi còn ghi mãi hình ảnh những hòn đảo xinh đẹp, nụ cười của người lính. Với tâm nguyện đưa hơi ấm đất liền, mang tình cảm để động viên các anh, để thăm hỏi nhân dân trên đảo, nhưng chính các anh đã tiếp thêm cho chúng tôi nguồn động lực to lớn. Qua chuyến đi, mỗi chúng tôi thấy mình suy nghĩ lớn hơn, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, góp phần "Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc" theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.

Theo Nguyễn Thị Ánh - ĐCSVN