“Khi cảm biến hoạt động sẽ bất lợi cho tất cả các nước xung quanh cũng như các nước có nhu cầu tự do hàng hải, tự do hàng không”.
Các nước bị theo dõi
Mới đây Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, nước này có kế hoạch đưa tổng cộng 20 cảm biến xuống Biển Đông.
Trong những hệ thống cảm biến này, gồm 8 cảm biến đã đưa đến Biển Đông trong tháng 9/2016 đều nằm trong một dự án quan sát toàn cầu, với sự tham gia của hơn 30 nước. Tổng cộng cả hệ thống có 3.800 cảm biến rải rác trên khắp thế giới.
Theo thiết kế, cứ sau 5 ngày cảm biến của Trung Quốc sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Bắc Đẩu. Để duy trì hoạt động liên tục của cảm biến này, Trung Quốc sẽ đưa 10 cảm biến mới xuống Biển Đông mỗi năm để thay thế cho những cảm biến cũ hết năng lượng.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội cho rằng đây là một bước mới của Trung Quốc, đe dọa trực tiếp đến hoạt động tự do hàng hải và tự do hàng không trên biển.
Theo ông Trường, trước đây việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp cũ thì các nước dễ dàng phát hiện. Còn hiện nay với vỏ bọc công nghệ ngụy trang, Bắc Kinh đang toan tính kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông và gây bất lợi cho các nước xung quanh.
“Khi cảm biến này hoạt động sẽ bất lợi cho tất cả các nước xung quanh cũng như các nước có nhu cầu tự do hàng hải, tự do hàng không. Khi đi qua khu vực này họ sẽ trở thành đối tượng bị theo dõi”, ông Trường nói.
Ông Trường khẳng định, các nhà khoa học cần phải xem xét kỹ tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống cảm biến này để đưa ra những cảnh báo với các nước bị ảnh hưởng.
“Nhìn chung chức năng của nó là để phát hiện sớm các mục tiêu, giống như máy bay cảnh báo phát hiện sớm của Mỹ và 1 số có nền công nghệ tiên tiến. Khi đó bất cứ một hoạt động quân sự chuẩn bị hoặc trận địa tên lửa của một nước nào đó khởi động thì ngay tiếng nổ đầu tiên là hệ thống cảm biến của Trung Quốc đã phát hiện và đưa ra cảnh báo rồi.
Về mặt quân sự thì rõ ràng bất lợi rồi. Khi Trung Quốc đọc được hết nhất cử nhất động của đối phương thì rõ ràng họ sẽ có biện pháp để đối phó”, ông Trường phân tích.
Cùng đưa ra ý kiến, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, nguyên Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đánh giá, Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông nên phải dùng nhiều cách, trong đó có việc đưa ra các cảm biến.
Họ tăng cường kiểm soát tàu thuyền và các phương tiện thủy, trong đó có cả kiểm soát tàu ngầm. Nhất là những vùng Trung Quốc đang bảo thuộc chủ quyền của họ.
“Việc này rất nguy hiểm vì nó gây bất ổn cho an ninh hàng hải. Tôi nghĩ mục tiêu của thiết bị này là các phương tiện thủy hoạt động trên Biển Đông. Trung Quốc muốn kiểm soát tàu thuyền và các phương tiện thủy, trong đó có cả kiểm soát tàu ngầm, chứ không đơn thuần mục đích kinh tế. Các hệ thống cảm biến sẽ tìm cách theo dõi và phát hiện hoạt động của các phương tiện thủy trên các vùng biển”, ông Hùng nhấn mạnh.
Không được phép quân sự hóa Biển Đông
Từ những phân tích trên, ông Hùng cho rằng, bản thân Việt Nam hay bất cứ các nước nào có quyền lợi liên quan đến Biển Đông cần phải hết sức thận trọng, theo dõi kỹ lưỡng và đưa ra các cảnh báo khi vùng đặc quyền kinh tế bị xâm phạm.
“Tất nhiên những hoạt động thuộc đặc quyền kinh tế đặc quyền của Việt Nam và các nước, Trung Quốc muốn thả cái gì, hoạt động thăm dò gì thì phải được sự đồng ý. Nếu thiết bị cảm biến nằm trong vùng danh giới giữa thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì chúng ta phải lên tiếng phản đối. Luật tự do hàng hải đã có những quy định chung rõ ràng rồi. Chúng ta cần phải hết sức chủ động”, ông Hùng khẳng định.
Trong khi đó, ông Trường nhấn mạnh, Việt Nam cũng như các nước có quyền lợi liên quan phải đấu tranh không được để Trung Quốc tiến hành quân sự hóa khu vực Biển Đông.
“Chưa biết mức độ khoa học kỹ thuật đến đâu nhưng về tổng thể nếu Trung Quốc tiến hành được thì phần ưu thế thuộc về họ. Các nước có quyền lợi liên quan đến Biển Đông sẽ bị theo dõi.
Biển Đông là biển chung có đường hàng hải quốc tế, vì vậy không nên quân sự hóa và phải để nó tiến hành các hoạt động giao thương. Trung Quốc không được phép làm như vậy”, ông Trường nêu quan điểm.
Theo Hoàng Hà - Đất Việt