VỌNG RA BIỂN
Phim tài liệu khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam
10:43 | 23/12/2016

Đoàn làm phim "Biển đảo Việt Nam - nguồn cội tự bao đời" đến nhiều thư viện trên thế giới tìm kiếm bằng chứng khách quan về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Phim tài liệu khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam
Đoàn làm phim ghi hình cuộn tranh về châu ấn thuyền dài 11 m đề cập quá trình giao thương của Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: Phạm Xuân Nghị.

Bộ phim năm tập mang tên Biển đảo Việt Nam - nguồn cội tự bao đời được phát sóng trên HTV9, Đài Truyền hình TP HCM vào 21h từ ngày 20 đến 23/6. 

"Chúng tôi mong muốn năm tập phim tài liệu này giúp khán giả trong và ngoài nước hiểu hơn quá trình khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ các triều đại phong kiến cho đến nay. Đó là một quá trình khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa luôn là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ Quốc Việt Nam", ông Nguyễn Quý Hòa - Tổng giám đốc Đài truyền hình TP HCM - chia sẻ.

Bộ phim tài liệu năm tập này do Nghệ sĩ Ưu Tú Lâm Thành Quý biên kịch và đạo diễn. Cả đoàn mất ba năm để đi qua chín quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm những bằng chứng khách quan để đưa vào công trình tập thể này.

Trong ba năm, đoàn làm phim gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thư tịch cổ. Tuy vậy, điều động viên, khích lệ đoàn nhất là tình cảm của bạn bè thế giới dành cho Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình đó, đoàn tiếp cận được tài liệu ở Thư viện Quốc hội Mỹ, Đông Dương văn khố của Nhật Bản, Văn khố quốc gia của Bồ Đào Nha, Bảo tàng của công ty Đông Ấn Hà Lan, Văn khố quốc gia Bỉ, Thư viện Vatican cho đến Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, các kho tư liệu tại Australia, Singapore...

Có lần đoàn nhận được thông tin tu viện nhỏ Santa Maria al Monte ở thành phố Torino, Italy lưu giữ cuốn sách Compendio de geografia universal (Tóm lược địa lý thế giới) xuất bản năm 1824 của nhà địa lý học nổi tiếng người Italy Andriano Balbi. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc gia này, đoàn tiếp cận được cuốn sách. "Mỗi nơi hé lộ cho chúng tôi khá nhiều tài liệu quan trọng về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa (còn được gọi là Paracels - Bãi Cát Vàng) và các vùng biển đảo trên Biển Đông", ông Lâm Thành Quý nói.

Trong năm tập phim, khán giả được biết đến những tài liệu sớm nhất của Việt Nam ghi nhận quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các thư tịch cổ này gồm: Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (do Đỗ Bá, tự Công Đạo biên soạn vào khoảng năm 1686 thời Hậu Lê), hayPhủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (năm 1776), các bộ chính sử của nhà Lê cho đến nhà Nguyễn, và nhất là tấm bản đồ hành chính của vương triều Nguyễn -  Đại Nam nhất thống toàn đồ (năm 1838). Tất cả đều cho thấy hành xử chủ quyền hợp pháp của nhà nước phong kiến Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Bộ phim tài liệu này còn được các nhà sử học, nhà nghiên cứu Biển Đông Việt Nam cố vấn, như: ông Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội sử học Việt Nam, Giáo sư sử học Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Việt Nam, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nhà cổ sử Trung Quốc Phạm Hoàng Quân. Bộ phim cũng nhận được sự góp ý của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam tại nước ngoài. 

Sau khi phát sóng năm tập phim trên Đài truyền hình TP HCM, ban tổ chức đưa bộ phim lên Internet, nhằm giúp nhiều đối tượng khán giả trong và ngoài, nhất là giới trẻ có thể xem phim. Ban tổ chức cũng vừa thực hiện xong phần phụ đề tiếng Anh và sắp tới còn tiếp tục thực hiện thêm phụ đề nhiều thứ tiếng để bạn bè thế giới có thể tiếp cận.

Đoàn làm phim còn bỏ ngỏ khả năng, Biển đảo Việt Nam - nguồn cội tự bao đời có thể không chỉ dừng lại ở năm tập mà tiếp tục được triển khai những tập tiếp theo.

Theo Thất Sơn - vnexpress

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng