VỌNG RA BIỂN
Đôi mắt Lý Sơn
08:35 | 09/06/2011
NGUYỄN VĂN DŨNG                        Bút kýMùa hè năm 1965, tôi nhận sứ vụ lệnh về dạy học ở trường Trần Quốc Tuấn - Quảng Ngãi. Biết tôi thích ngao du sơn thuỷ, đám đệ tử thân thiết khao thầy một chầu du ngoạn Lý Sơn.
Đôi mắt Lý Sơn
Đảo Lý Sơn - Ảnh: skydoor.net

Hồi ấy, qua các em tôi chỉ biết Lý Sơn là “Vương quốc của tỏi”, là nơi biển trời lung linh quyến rũ. Không may hôm lên đường gió to, biển động. Chiếc tàu hải quân chạy lòng vòng bên ngoài không sao vào được bờ. Thế rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, thầy trò ly tán, Lý Sơn cũng theo gió bụi mà nhạt nhoà dần trong tâm tưởng tôi.

Gần đây, có dịp tìm hiểu thêm mới hay Lý Sơn không chỉ là “Vương quốc của tỏi”, không chỉ là “Đảo ngọc” lung linh mời gọi, mà còn gắn liền với hơn 400 năm lịch sử oai hùng, là điểm tựa tiền tiêu - nơi xuất phát những binh đội Bắc Hải vượt biển ra Hoàng Sa - Trường Sa khẳng định chủ quyền và bảo vệ biên cương tổ quốc. Thế là tôi quyết định theo đoàn cứu trợ ra Lý Sơn.

Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 24 km, diện tích 10 km2, gồm 03 xã, khoảng hơn 20 ngàn dân. Lý Sơn có 2 đảo. Xã An Vĩnh và An Hải thuộc Đảo Lớn, xã An Bình thuộc Đảo Bé. Trận bão số 9/2009, Lý Sơn là tâm điểm bị tàn phá nặng nề nhất, trong đó xã An Bình của Đảo Bé gần như tan hoang. Chúng tôi chọn cứu trợ Đảo Bé. Người ta nói Đảo Bé là vùng đất của “tám không”: không điện, không nước (mùa đông dùng nước mưa, mùa hè phải mua nước ngọt từ Đảo Lớn), không đường, không quán ăn, không nhà trọ, không thông tin liên lạc, trường học lèo tèo, trạm xá thoi thóp… Duy chỉ một cái có, đó là tấm lòng. Quà cứu trợ cho các gia đình nạn nhân xê xích nhau từ 20 triệu đến 500 ngàn đồng, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy cảnh kiện cáo, phân bì nhau như nhiều vùng khốn khó khác chúng tôi từng đi qua. Cái đảo nhỏ chỉ bằng bàn tay, loanh quanh một vòng là hết; đi tới đâu chúng tôi cũng nhận được sự chào mời rộng mở, và những đôi mắt biết cười. Vậy đó - tấm lòng. Có phải nhờ thế mà họ trụ được giữa sóng gió trùng khơi!

Buổi chiều, chúng tôi trở lại Đảo Lớn bắt đầu cuộc khám phá Đảo Ngọc. Lý Sơn là dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước. Năm ngọn núi lớn chiếm hơn nửa diện tích đảo như nâng Lý Sơn lên từ biển xanh, trông xa xa, Lý Sơn như con đại bàng vỗ cánh giữa trời nước mênh mông.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là Lý Sơn quá đẹp. Không mênh mông như Phú Quốc, không huyền bí như Côn Đảo; Lý Sơn nhỏ nhắn và sinh động, hoang dã và cao sang, mịt mù và gần gũi. Phía đông Lý Sơn là những ghềnh đá dựng đứng với vô số hang động, trong đó có Chùa Hang vào loại danh thắng độc đáo; phía tây Lý Sơn là những bãi cát mênh mang, mời gọi. Biển Lý Sơn có màu xanh chi lạ - nó xanh màu ngọc bích. Tôi chỉ gặp loại màu xanh này hai lần trong đời, một lần ở vùng biển Seattle phía Tây - Bắc nước Mỹ, và một lần ở Địa Trung Hải hồi tôi đến thăm quê hương Napoléon… Một vị bô lão cho biết, thuở xưa Lý Sơn xanh thẳm rừng nguyên sinh. Hèn chi người ta gọi Lý Sơn là “Đảo Thần Tiên”, chắc không phải chỉ vì trên núi còn dấu vết bàn cờ tiên, mà vì trú xứ của quí chư tiên thì hẳn là nơi non bồng nước nhược.

Buổi chiều tha thẩn ngắm hoàng hôn, buổi tối nhâm nhi cốc “rượu dú” chờ trăng mọc, lòng lâng lâng khinh khoái… là niềm hạnh phúc dễ gì có được giữa cái cõi thế quá nhọc nhằn này. Còn với những “tâm hồn ăn uống”, hãy tin tôi đi, Lý Sơn có đủ các loại hải sản quí hiếm chẳng nơi nào có được: đồn đột, vích, đồi mồi, cá thu, cá mú, cá dìa, mực nang, mực ống, ốc xà, ốc lờ, ốc bàn tay, ốc tai tượng… cùng với các loại gỏi tỏi, gỏi cá đặc sản, ai có dịp thưởng thức sẽ hương vị để đời.

Đứng trên ghềnh đá bờ Đông vác mặt nhìn ra biển khơi, tưởng như nghe được hơi thở của Hoàng Sa - Trường Sa. Biển mênh mông, sâu thẳm, sóng tung bọt trắng bờ. Rõ ràng đây là loại bãi biển chỉ dành cho cánh nam nhi đại trượng phu: chí khí, niềm tin, khát khao, và những chuyến đi hùng tráng.

Ngày 28/4/2007, tỉnh Quảng Ngãi khai trương tuyến “Du lịch biển đảo Lý Sơn”. Vậy là đã hơn hai năm, nhìn quanh vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của du lịch Lý Sơn: vẫn con “đường liên xã” lở lói, chật hẹp, nhộn nhạo đủ thứ thập loại chúng sinh; vẫn những ngôi nhà lụp xụp, chen chúc; vẫn những bãi tắm lổn ngổn rác; vẫn chẳng có công trình nghỉ dưỡng nào ra trò… Xây dựng đảo ngọc Lý Sơn thành điểm du lịch là xu thế tất yếu. Nhưng phải làm sao vượt khỏi trình độ làm du lịch kiểu chỉ đón được khách một lần. Và phải thấy cho được những hiểm họa do ngành kinh doanh không khói này gây ra. Đó là môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại, truyền thống văn hóa dần biến mất; do không có qui hoạch tổng thể, mạnh ai nấy làm, nên không lâu sau “Đảo Ngọc” biến thành như mâm đồ chơi của con trẻ; và phải định hướng cho được du lịch Lý Sơn sẽ là loại hình du lịch gì: sòng bạc, ăn chơi, rập rờn, du hí…hay là du lịch lịch sử, lễ hội, tâm linh và nghỉ dưỡng; đặc biệt (đây mới là điều đáng quan tâm nhất) không thể để cho những di tích lịch sử vốn là phần hồn của Lý Sơn bị xâm hại.

Mà trên đất Lý Sơn, những di tích lịch sử thì nhiều lắm; ấy là những cứ liệu xác thực và sinh động nhất về chủ quyền của dân tộc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là Âm Linh Tự với bia “Chiến sĩ trận vong” - nơi thờ phụng vong linh những chiến sĩ Hoàng Sa, là đình làng An Vĩnh - nơi làm lễ xuất quân bảo vệ biển đảo, là những ngôi mộ gió - nơi chôn vọng các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa chết mất xác trên biển; là những miếu thờ, lễ hội, tế lễ, những câu chuyện kể, những bài tráng ca nao lòng…              

Rõ ràng, Lý Sơn gắn liền với giai đoạn lịch sử mở mang bờ cõi và khẳng định chủ quyền của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn. Nhiều tài liệu lịch sử ghi rõ, vào nửa đầu thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa”, tuyển dân binh từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra khai phá quần đảo Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo”… Tài liệu còn ghi rõ: “Nếu đi từ xã An Vĩnh (Lý Sơn) bằng thuyền về phía Đông Bắc thì sau ba ngày ba đêm sẽ tới Hoàng Sa. Vùng đảo này các núi linh tinh có hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày hoặc vài ba canh thì đến; trên núi có chỗ có suối nước ngọt, có đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn. Các sản vật tự nhiên ở quần đảo này gồm có yến sào, đồi mồi, hải cẩu… có thứ ốc vân tai to như chiếc chiếu và chim có hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì vây quanh, không tránh…”. (Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn - 1776).

Đến Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đời nào cũng đều nỗ lực quản lý vùng biển đảo rộng lớn trên Biển Đông, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt từ thời Minh Mạng, triều đình thành lập hẳn một đội thủy quân quy mô, ra đảo làm nhiệm vụ đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ và dựng bia chủ quyền: “Tháng giêng năm Ất Hợi (1815) sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình, cắm mốc chủ quyền và canh giữ biển đảo…” (Đại Nam Thực Lục chính biên).

Gần đây người ta còn tìm thấy một sắc chỉ của vua Minh Mạng được dòng họ Đặng ở Lý Sơn cất giữ suốt 175 năm, qua 6 đời, tại nhà thờ Đặng tộc. Đó là tờ lệnh, phái một đội thuyền gồm ba chiếc, với 24 lính thuỷ, ra canh giữ Hoàng Sa, ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Ất Mùi - 1835: “Giao cho Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khoẻ mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao cho Đặng Văn Siểm lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao cho Võ Văn Công phụ trách hậu cần”.

Thế đấy, một thời gian dài lịch sử, năm nào trên đất Lý Sơn cũng đều có con em ưu tú của các dòng họ Phạm, Võ, Nguyễn, Đặng, Lê, Dương, Trần, Trương “lãnh chiếu vua ban” ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.

Do biển khơi sóng gió khó dò, lại chỉ bằng phương tiện ghe thuyền thô sơ, nên thường đó là những cuộc ra đi không có ngày trở lại.

Hoàng Sa trời nước mênh mông,
Người đi thì có mà không thấy về.

Bởi thế trước khi đội quân Hoàng Sa giong buồm ra khơi, người dân Lý Sơn đắng lòng làm lễ tế sống những chiến binh là con em mình. Người ta gọi đó là “lễ khao lề tế lính Hoàng Sa”. Lễ tế được tổ chức dịp tiết thanh minh, tại Âm Linh Tự - nơi ngày nay trở thành di tích lịch sử vô giá. Đồ tế lễ gồm chiếc thuyền mã bằng bè chuối, hình nhân thế mạng, gạo, muối, củi lửa, và các vật dụng khác y như hành trang của người chiến binh Hoàng Sa. Lễ tế được tiến hành uy nghiêm và thành kính. Sau cùng, người ta thả hết đồ tế lễ xuống biển, để người chiến sĩ yên tâm lên đường vì tin rằng đã có người thế mạng mình. Đã 300 năm qua, người dân Lý Sơn vẫn duy trì “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” mỗi đầu xuân như một truyền thống hào hùng, là niềm tự hào và biết ơn của con dân đảo đối với tổ tiên.

(Hàng ngàn ngôi mộ không xác trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Internet)

Khắp trên đảo Lý Sơn ngày nay còn cả hàng ngàn ngôi “Mộ gió” - nơi chôn vọng các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa chết mất xác trên biển. Thuở ấy, hành trang của mỗi chiến binh Hoàng Sa, ngoài lương thực cho sáu tháng hành quân, còn có một đôi chiếu, bảy đòn tre, bảy sợi dây mây, và một thẻ bài có khắc tên họ, bản quán, phiên hiệu, để khi phải hy sinh thì đồng đội bó xác vào chiếu rồi thả xuống biển. Nếu may mắn, người trong bờ khi vớt xác sẽ biết tung tích của người hy sinh.

Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn,
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây.

Nhưng thường là không may. Đó là trường hợp sau sáu tháng đội quân Bắc Hải không trở về, cũng không ai tìm thấy xác. Ở nhà, người thân cho người lên Giếng Tiền, lấy đất sét, nhào nhuyễn, rồi nặn thành tượng người chết với đầy đủ các bộ phận y như người thật. Xong, vị chủ lễ lập đàn cúng chiêu hồn, gọi linh hồn người chết nhập vào tượng đất. Sau cùng, người ta tiến hành nghi thức an táng như một đám tang bình thường - cũng khâm liệm với quần dài, áo the, khăn xếp, cùng quan quách đầy đủ; cũng hạ huyệt, cũng đắp mộ. Với sự hỗ trợ của hương khói và lễ nghi thiêng liêng huyền bí, gia đình, người thân tin rằng dưới phần mộ ấy là xác thân của con em họ. Ngày giỗ, người thân cũng ra mộ thắp hương, cầu nguyện; dịp thanh minh cũng đi tảo mộ như bao ngôi mộ khác. Theo các vị bô lão thì mộ gió đầu tiên ở Lý Sơn cách nay 200 năm là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 24 chiến binh của hải đội Hoàng Sa. Với tốc độ và kiểu cách phát triển như hiện nay, không biết rồi đây số phận của những ngôi mộ gió ấy sẽ như thế nào? Có còn ai xem đó là di tích văn hoá, lịch sử, bởi vì sâu trong lòng nó cũng là xác thân của bao anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc?

Sẽ thiếu sót nếu như viết về Lý Sơn mà không nhắc chi đến con người Lý Sơn. Về “Người Lý Sơn”, chỉ cần nói một câu: Người Lý Sơn sinh ra giữa biển, lớn lên trong biển, trưởng thành sống và chiến đấu trên biển, già thao thức cùng biển, chết quay đầu về biển. Cũng có thể nói ngắn gọn hơn: Người Lý Sơn đậm vị biển, mạnh như bão biển, tâm hồn lộng gió biển. Bởi thế, không lạ gì khi ta gặp trong đời thường, người Lý Sơn cao lớn và rắn rỏi, phóng khoáng và tốt bụng, can trường và thuỷ chung. Hôm đi thăm đình làng An Hải, chiếc honda của chúng tôi trở chứng giữa đường - chắc là hết xăng. Bỗng từ sau xẹc tới một quí ông Lý Sơn vạm vỡ, sôi nổi: “Qua đây. Đây thôi mà”. Tôi nghĩ chắc nhà ông ta có bán xăng lẻ nên dắt xe theo, vừa vào sân quí ông Lý Sơn bèn phán tiếp: “Để xe đó, cứ lấy xe tui mà đi. Không sao”. Hoá ra là thế…

Người Lý Sơn vốn là hậu duệ của những trang hảo hán vượt biển khai phá Lý Sơn từ hàng trăm năm truớc. Cũng từ hàng trăm năm trước, dưới thời các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, họ là những chiến binh ra Hoàng Sa - Trường Sa xác lập chủ quyền và bảo vệ biên cương tổ quốc. Họ đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, rồi bây giờ khoanh vùng lưỡi bò tuyên bố nọ kia. Ngày nay, mỗi lần ra biển, Người Lý Sơn không chỉ đối mặt với sóng gió ba đào mà còn cả với tàu “lạ” cướp phá. Nhưng Người Lý Sơn vẫn bền gan bám biển. Không phải chỉ vì miếng cơm manh áo, cũng không phải vì không biết sợ, mà trên hết là vì niềm kiêu hãnh và tự trọng của con dân một nước Việt anh hùng. Suốt 400 năm lịch sử, con dân Lý Sơn vẫn luôn là những chiến sĩ kiên cường vì chủ quyền và độc lập dân tộc như thế. Điều ấy chưa đủ cho chúng ta nghiêng mình kính phục Người Lý Sơn hay sao?

A, còn thêm một đặc điểm nữa của Người Lý Sơn, đó là biết ước mơ. Buổi chiều đến thăm một trong những danh nhân của Lý Sơn - anh Nguyễn Văn Tùy. Anh nổi tiếng thế giới về khả năng “ăn tươi nuốt sống”; từ giun, dế, rắn, rít, cả cá độc, cóc độc, rắn độc, nhện độc… nói chung bất cứ con gì anh cũng đều ăn tươi nuốt sống được cả. Rất nhiều phóng sự đầy đủ về anh, kể cả chi tiết nhờ ăn tươi nuốt sống mà anh có thêm khả năng linh giác tuyệt vời; duy điều này tuy cũng vào hàng quan trọng không kém thì các nhà báo đã chẳng quan tâm, rằng anh còn là một nghệ sĩ đàn cò, và là tay mandoline số dách. Sau gần hai giờ đàm đạo đủ thứ chuyện trên đời, tôi xin anh một câu hỏi cuối cùng: “Nếu được quyền ước, thì anh mơ ước điều gì?”. Một thoáng trầm tư, anh nói: “Tôi mơ có một chiếc cầu nối liền Lý Sơn với đất liền, và ước mơ đất nước mình giữ vững chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa”. Tôi lạnh người... Thế đấy, như bao thứ quí giá khác lỡ đánh mất, nếu chí ta vẫn còn nghĩ đến, lòng ta vẫn còn mơ về, thì thế tất sẽ còn ngày tìm lại được.

Đã gần nửa thế kỷ từ lần đầu tôi lỡ chuyến thăm Lý Sơn. Bởi thế tôi định đặt tên cho bài viết này là “45 năm giấc mơ Lý Sơn”. Nhưng rồi vì một sự cố bất ngờ khiến tôi đổi ý: Buổi sáng cuối cùng trên bến cảng đợi tàu cá về lại đất liền, tôi gặp một cô gái Lý Sơn. Nàng - dong dỏng cao, đôi mắt sâu thẳm, xa vắng, và buồn vời vợi. Đó là đôi mắt tôi từng gặp trong suốt bốn ngày lăn lộn trên đất Lý Sơn. Nhưng tôi không hiểu nổi cái gì trong những đôi mắt ấy làm mình xao xuyến đến vậy. Nay tình cờ gặp nàng, tôi bỗng ngộ ra... Lý Sơn là ốc đảo biệt lập, là điểm tựa tiền tiêu, là nơi đầu sóng ngọn gió, là nơi xuất phát những đoàn hùng binh bảo vệ biên cương tổ quốc. Lịch sử của Lý Sơn là lịch sử của những chuyến ra khơi, là lịch sử của những tháng năm mỏi mòn chờ đợi, trông ngóng: tin tức từ đất liền, chồng con từ đoàn tàu đánh cá, những chiến binh hải đội Hoàng Sa… Nếu chọn một địa điểm thích hợp trên đất nước mình để đặt tượng đài Hòn Vọng Phu, tôi cho rằng đó phải là Lý Sơn. Nhưng trên núi Thới Lới hiện nay không có Hòn Vọng Phu nào cả. Phải chăng vì Lý Sơn đã có một hình tượng khác sinh động hơn, biểu cảm hơn, đó là ĐÔI MẮT.

Mãn mùa tu hú kêu thanh,
Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về
.

Chờ đợi và chờ đợi - từ ngày này sang ngày khác, từ đêm này sang đêm khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.... không bao giờ thôi chờ đợi. Chờ đợi - được kết tinh thành máu, thành ý, thành khí, thành thần, thành gien... di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này sang đời khác, làm nên nét đặc trưng của Người Lý Sơn: đôi mắt sâu thẳm và đau đáu chờ mong. Vâng. Đó là lý do vì sao tôi quyết định đổi tên bài viết này thành ĐÔI MẮT LÝ SƠN.

N.V.D
(252/02-2010)





Các bài mới
Các bài đã đăng