Trung Quốc mập mờ
Bộ Ngoại giao Singapore ngày 20/6 cho rằng, sự mập mờ của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông đang gây quan ngại nghiêm trọng cho cộng đồng hàng hải quốc tế. Thông cáo được đưa ra sau khi tàu Hải Tuần 31 của Trung Quốc đi qua Biển Đông cập cảng Singapore.
Thông cáo viết: "Singapore không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông... Tuy nhiên, là quốc gia thương mại lớn, Singapore có lợi ích quan trọng trong mọi vấn đề làm ảnh hưởng tới tự do hàng hải trên mọi tuyến đường biển quốc tế, trong đó có các tuyến hàng hải trên Biển Đông".
Cùng ngày, tờ Bangkok Post của Thái Lan nhận định, những hành động gần đây của Trung Quốc cho thấy, tuyên bố của nước này rằng sẽ không dùng vũ lực hay đe dọa vũ lực trong tranh chấp chẳng có ý nghĩa gì.
Báo New York Post thì dẫn lời nhà bình luận Mỹ Arthur Herman nhận định: “Trung Quốc đang làm giảm hình ảnh một siêu cường đang nổi và có xu hướng trở thành kẻ bắt nạt vượt tầm kiểm soát”.
Cũng trong ngày hôm qua, hội thảo về an ninh hàng hải ở Biển Đông đã khai mạc tại Washington với sự tham dự của 80 quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và giới báo chí. Hội thảo kéo dài trong hai ngày 20 và 21/6.
Trong phiên 20/6, tiến sỹ Amer Latif của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của Mỹ (CSIS), cho rằng hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông làm ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại của Ấn Độ và cơ hội hợp tác của Ấn Độ với Đông Nam Á.
Đại diện của Trung Quốc, giáo sư Tô Hạo của Đại học Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lên tiếng về đường lưỡi bò 9 đoạn. Tuy nhiên, sau bài phát biểu, ông này đã nhận được hàng loạt phản hồi, phần lớn chỉ trích quan điểm và chính sách của Trung Quốc.
Trong các phiên tiếp theo ngày 21/6, các đại biểu sẽ nghe tham luận và trao đổi về “Những diễn biến gần đây tại Biển Đông”, “Đánh giá hiệu quả các cơ chế và cơ cấu tổ chức hàng hải ở Biển Đông” và “Các đề xuất chính sách nhằm nâng cao an ninh hàng hải trong khu vực”.
Phát ngôn ấn tượng
“Trung Quốc đang làm giảm hình ảnh một siêu cường đang nổi và có xu hướng trở thành kẻ bắt nạt vượt tầm kiểm soát”, tờ New York Post thì dẫn lời nhà bình luận Mỹ Arthur Herman nhận định.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị các nhân sĩ quốc tế gọi là "kẻ bắt nạt". Trước đó, phát biểu trên tờ Inquirer của Philippines, nghị sĩ Roilo Golez cũng gọi Trung Quốc là "một kẻ chuyên bắt nạt quốc tế và cư xử không đứng đắn".
Theo Thanh Vân – Vietnamnet
|