VỌNG RA BIỂN
Lợi dụng bất đồng, Trung Quốc gây hấn
09:55 | 22/06/2011
 “Trung Quốc tìm cách lợi dụng sự bất đồng giữa các thành viên ASEAN để họ quay lưng lại với nhau nhằm tăng cường chiến lược của mình ở biển Đông”, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói.   
Lợi dụng bất đồng, Trung Quốc gây hấn
Ông McCain đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo của hội thảo về an ninh hàng hải ở biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức trong hai ngày 20 và 21.6 tại thủ đô Washington.

Ông McCain nói ông hoan nghênh quan hệ hợp tác với Trung Quốc và không muốn có xung đột, nhưng thẳng thắn phê bình “thái độ hung hăng” của Trung Quốc và “các tuyên bố đòi chủ quyền không có căn cứ”. Đây là 2 nguyên nhân gây ra căng thẳng trên biển Đông thời gian gần đây, ông nói.

Ngày 20.6, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố, việc Trung Quốc mập mờ về tuyên bố chủ quyền ở biển Đông khiến cộng động quốc tế đặc biệt lo ngại.
Sau khi tàu Hải tuần (Haixun) 31, tàu hải giám hiện đại nhất của Trung Quốc, cập cảng của Singapore sau khi đi ngang biển Đông, Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố, trong đó có đoạn viết: “Lợi ích của chính Trung Quốc là làm rõ tuyên bố chủ quyền của họ ở biển Đông với độ chính xác cao hơn vì sự mập mờ hiện nay của họ đã gây ra mối lo ngại sâu sắc trong cộng đồng hàng hải quốc tế”.

“Singapore không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, không đứng về bên nào nhưng với tư cách là quốc gia có ngành thương mại phát triển, Singapore quan tâm đặc biệt đối với bất kỳ vấn đề gì ảnh hưởng tự do hàng hải trên tất cả các tuyến đường biển quốc tế, bao gồm các tuyến đường ở biển Đông”, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tàu Hải tuần 3 cập cảng ở quốc đảo sư tử. Cuối tuần trước, Philippines tuyên bố sẽ đưa soái hạm của mình ra biển Đông.
 
Ông McCain nói rằng, Trung Quốc đưa ra bản đồ “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở. Theo bản đồ vô căn cứ này, Trung Quốc đòi chủ quyền với tất cả hòn đảo tại biển Đông, coi đó là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc và tất cả vùng biển của các nước trong khu vực là khu vực kinh tế đặc quyền của Trung Quốc.

Ông McCain nói rằng Mỹ quan tâm ngăn cản bất kỳ nước nào sử dụng “sự bắt nạt dai dẳng” để áp đặt lên biển Đông. “Điều đó (sự bắt nạt dai dẳng) thật đáng lo ngại vì nó có thể khuyến khích những siêu cường mới nổi sử dụng vũ lực”, ông nói.

Ngày 21.6, ông McCain cũng kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự và chính trị cho các quốc gia Đông Nam Á để chống lại Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Ông McCain, thành viên lão làng của đảng Cộng hòa, nói rằng, Mỹ nên giúp các thành viên ASEAN phát triển, triển khai một hệ thống cảnh báo sớm và các tàu ven biển ở vùng biển tranh chấp.

Cựu hạm trưởng Mỹ cũng nói rằng, Mỹ nên dùng ngoại giao để giúp các quốc gia ASEAN phân loại những tranh chấp của riêng họ và “thành lập một mặt trận thống nhất hơn”.

Ông đánh giá cao thỏa thuận gần đây giữa Malaysia và Brunei về vấn đề này.

McCain, người thua ông Barack Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, hoan nghênh chích sách của Mỹ về tự do hàng hải ở biển Đông, nhưng nói rằng, chính sách này nên đi xa hơn thế.

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới cũng phản đối bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. GS Carlyle Thayer công tác tại Học viện Quốc phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền của nước này.

GS Peter Dutton công tác tại Trường Đại học Hải quân Mỹ, không đồng tình với cách giải thích của Trung Quốc về ý nghĩa của “đường lưỡi bò” liên quan lịch sử. Ông Dutton nói: “Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Trước đó, Ngày 13.6, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, và Thượng nghị sĩ James Inhofe giới thiệu dự thảo nghị quyết lên án các hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc tại biển Đông vào các ngày 26.5 và 9.6, gây thiệt hại cho các tàu thăm dò của Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Hai nghị sĩ này thúc giục Thượng viện Mỹ lên án việc sử dụng vũ lực của tàu thuyền hải quân và an ninh biển của Trung Quốc, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển tại biển Đông.
 

Theo Đông Phong - ENEWS.





































Các bài mới
Các bài đã đăng
Hòa Bình? (16/06/2011)