VỌNG RA BIỂN
Sống mãi với Trường Sa
08:49 | 23/06/2011
Trong cuộc tập kích của Trung Quốc tại vùng biển Cô Lin, Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa) năm 1988, 74 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh, mất tích, trong đó có hàng chục người con quê hương Đà Nẵng, Quảng Nam. Tên tuổi của các anh đã sống mãi với Trường Sa.
Sống mãi với Trường Sa
Con số đau thương

Vào ngày 14.3.1988, tàu chiến và lính thủy Trung Quốc bất ngờ tấn công các tàu vận tải của ta đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Cô Lin, Gạc Ma. Lúc này đồng chí Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng tàu HQ 604 cho phát loa nói với lực lượng vũ trang Trung Quốc đang tràn lên bãi cạn: "Đây là đảo chủ quyền của VN, yêu cầu các đồng chí thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc phải rời đảo! Các đồng chí đang xâm phạm lãnh thổ VN!”.
                                                Mẹ Ngò thắp nén nhang cho con.

Nhưng, lính thủy Trung Quốc vẫn bắn chìm tàu vận tải của ta, dùng pháo hạng nặng và các loại vũ khí bộ binh khác bắn lên bãi cạn Gạc Ma, làm thương vong nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân VN đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và xây dựng đảo.

Theo con số chính thức mà Nhà nước ta công bố, ngày 14.3.1988 đã có 74 cán bộ, chiến sĩ hải quân ta hy sinh và bị mất tích. Sau thời điểm này, Trung Quốc trao trả cho ta 9 cán bộ, chiến sĩ bị chúng bắt giữ. Tháng 8.2008, ngư dân đưa lên được 4 bộ hài cốt liệt sĩ từ xác tàu HQ 604. Việc tìm kiếm các anh vẫn đang được tiếp tục. Như vậy, tới nay, vẫn còn hơn 60 hài cốt bộ đội ta đang nằm sâu dưới lòng biển Cô Lin, Gạc Ma.

Các chiến sĩ trên tàu 604 Hải quân đã kiên cường anh dũng chiến đấu. Tàu 604 bị địch bắn cháy, tàu HQ 505 đến cứu nạn cũng bị địch bắn trúng. Thuyền trưởng tàu HQ 505 quyết định cho tàu lao thẳng vào đảo để lá cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu tung bay, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở đó. Dù hy sinh nhưng các anh vẫn sống mãi trong lòng những người lính Hải quân, để mỗi khi đi qua vùng biển này, họ lại một lần thả hoa tưởng nhớ đồng đội...

Đầu tháng 6.2011, lần theo danh sách được đăng tải trên Báo Nhân Dân năm 1988, chúng tôi tìm về nhà liệt sĩ (LS) Nguyễn Bá Cường (quê Thanh Quýt, Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam). Trong căn nhà tình nghĩa, mẹ Nguyễn Thị Ngò (80 tuổi, mẹ LS Cường) sống đơn độc một mình với những kỷ vật mà con trai để lại.

Trên tay mẹ là chứng minh thư nhân dân mà ngày ra đi anh Cường để lại, mẫu giấy viết tay của anh Cường xin đi học nước ngoài... Tất cả đều được mẹ cẩn thận giữ gìn. Mẹ Ngò có 3 con, trong đó LS Nguyễn Bá Cường là con út. Năm 1988, Cường một - hai nằng nặc đòi đi nghĩa vụ quân sự, mẹ thấy con đã quyết tâm, có lo lắng cũng không dám thổ lộ ra. Lúc đó mẹ đã có những linh cảm...

Các anh chưa về

“Vào một buổi chiều tháng 3.1988, tôi cùng cả nhà sững sờ khi nghe cô phát thanh viên Đài Tiếng nói VN đọc tên những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân VN hy sinh và mất tích trong khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin, Gạc Ma. Những cảm giác lúc đó đến bây giờ vẫn còn nguyên trong chúng tôi: Uất ức, bức bối, đau đến buốt lòng, như thể có tảng đá đang đè trên ngực” - ông Trần Huỷnh (90 tuổi, ở Hòa Cường, Đà Nẵng), ba của LS Trần Tài nghẹn ngào kể.

Ông Huỷnh cũng có 2 cậu con trai tham gia cách mạng, nay đang công tác tại Đà Nẵng. Con út của ông, LS Tài, tham gia Bộ đội Hải quân được một năm, rồi xung phong vận chuyển vật liệu đi xây dựng Trường Sa. Ông Huỷnh tự hào lắm, vì cả nhà theo cách mạng, nay cậu Út biết nghĩ đến đất nước.

“Sau cái Tết năm 1988, nhà tui vui vẻ tiễn con lên đường nhập ngũ, rồi từ đó, không ai còn nhìn thấy mặt con nữa. Mẹ nó nghe tin con hy sinh, đâm bệnh rồi mất ngay sau đó”- ông Tài xót xa.

Nhiều LS khác hy sinh trong ngày 14.3, như các anh Trương Quốc Hùng, Nguyễn Phú Đoàn, Phạm Văn Sửu, Lê Văn Xanh, Lê Thế (đều quê Đà Nẵng), khi chúng tôi đến nhà mới biết các anh hy sinh lúc còn rất trẻ, 18-19 tuổi, và hầu hết đều chưa thấy hài cốt.

Trong căn nhà 166 Núi Thành, ông Huỷnh cùng các con đã ghi lại đầy đủ những sự kiện diễn ra trong chiến dịch CQ-88 (bảo vệ chủ quyền năm 1988) và mãi mãi ghi nhớ tên tuổi 74 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và mất tích khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin, Gạc Ma. Theo ông Huỷnh, thông tin danh sách trên cũng như diễn biến vụ việc ông lấy từ nguồn Hải quân Việt Nam lúc bấy giờ, rồi từ đó, ông lưu giữ như một kỷ vật, để sau này con cháu còn biết đến.

Anh Nguyễn Bá Thảo, cháu LS Cường, cũng sưu tầm toàn bộ tư liệu về cuộc tập kích, lưu giữ thư từ ở khắp nơi viết cho mẹ Ngò, hay những bài báo viết về các anh… Anh Thảo tâm sự: Đất nước hòa bình thống nhất, nhưng vẫn còn đó hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chưa được bình yên, vẹn toàn.

Riêng với Trường Sa, những người con trung kiên của Tổ quốc vẫn đang ngày đêm canh giữ quần đảo thân yêu này với tinh thần: "Trường Sa vì cả nước - Cả nước vì Trường Sa". Vì vậy, chúng ta cần tưởng nhớ những người đã khuất, đã đổ máu xương nhằm giữ chủ quyền biên cương Tổ quốc”.

Theo Vũ Vân Anh - Baomoi



























Các bài mới
Các bài đã đăng