VỌNG RA BIỂN
Trường Sa trong ký ức các nhà báo
10:08 | 29/06/2011
Dù ở đảo chìm, đảo nổi hay nhà giàn, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đều vượt lên gian khổ, sống trong hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền đất nước. Trường Sa là nơi nhiều nhà báo đặt chân đến đã nhòe lệ vì xúc động.
Trường Sa trong ký ức các nhà báo
nhà báo Phạm Hồng Kỳ trên nóc nhà giàn DK1.

22 năm đời lính, trong đó 12 năm công tác ở báo Hải quân, thiếu tá, nhà báo Nguyễn Trọng Thiết đã 7 lần ra đảo. Mỗi chuyến đi của anh chỉ kéo dài 10 ngày, nhiều thì hơn một tháng, nhưng sau đó anh đều gầy xọp. Theo anh, tổ quốc bây giờ phải nhìn từ Trường Sa, chủ quyền khẳng định từ Trường Sa bởi chúng ta đang có 21 đảo, 33 điểm đóng quân, 21 hộ dân sinh sống. Tại đây cũng đã có hệ thống năng lượng mặt trời, có hạ tầng cơ sở, có nhà khách, có nhà tưởng niệm Bác Hồ…

"Chính sự kiên cường, hy sinh gian khổ của những người lính, cánh phóng viên chúng tôi không cho phép mình được nghỉ ngơi mà phải tận dụng thời gian, tiếp cận, lấy tin để có thể truyền tải đến bạn đọc cả nước", anh Thiết chia sẻ.

Lần đầu tiên ra đảo, anh đã phát hiện ra cuộc sống éo le nơi quê nhà của đại úy Vũ Văn Nghiệp, Cụm phó Cụm chính trị ở đảo Trường Sa lớn. Qua những lần trò chuyện, anh biết vợ Nghiệp bị liệt nửa người, con gái tên Nga học rất giỏi. Anh đã làm phim về cuộc đời và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ và được huy chương bạc. Sau bộ phim ấy, anh Nghiệp được mọi người biết, chia sẻ và giúp đỡ.

Từ nhà khách Hải quân trên đảo, anh Thiết đã ghi lại rất nhiều câu chuyện cảm động. Anh nhớ, vào những buổi chiều có một cô gái thường đi ngắm cảnh, chơi đùa cùng lính công vụ, nhưng gương mặt thì phảng phất nổi buồn. Qua tìm hiểu, anh được biết cô quê Quảng Ninh, vừa cưới chồng được một tuần thì chồng bảo phải vào vùng 3 hải quân một tuần. Mòn mỏi đợi, một tháng không thấy anh về cô đã vào thăm. Nhưng đáp lại là sự trông ngóng, chồng cô vì nhiệm vụ vẫn phải miệt mài ngoài biển khơi.

Một câu chuyện khác cũng khiến nhà báo Thiết trăn trở. Đó là trường hợp vợ một chiến sĩ ở Đà Nẵng vào thăm chồng, nhưng đã bỏ đi khiến người chồng là lính hải quân hốt hoảng đi tìm. Anh Thiết hỏi và biết cô gái vào thăm chồng nhưng anh lại bận việc từ sáng đến tối không về, bỏ cô một mình ở nhà khách. "Đó là sự thiệt thòi mà không phải người phụ nữ nào cũng chấp nhận được. Thế nên, sự hy sinh của người chiến sĩ hải quân là lớn thì sự hy sinh của hậu phương họ còn lớn hơn nhiều", anh Thiết trầm tư.

Trở về từ chuyến đi Trường Sa đầu tiên vào tháng 4, nhà báo Phạm Hồng Kỳ
 (báo Người Lao động) vẫn còn nguyên cảm giác phấn khởi, tự hào, xúc động. Anh cho biết, suốt chuyến đi cùng đoàn 54 dân tộc anh em là những cái bắt tay, những cái ôm hôn và những giọt nước mắt. Đồng bào, ca sĩ và cả nhà báo đều khóc ngay khi đang tác nghiệp, khi tận mắt chứng kiến cuộc sống gian khổ, nguy hiểm và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ hải quân.

Anh Kỳ cho biết, cuộc sống của nhân dân trên đảo nổi tương đối ổn định, cái thiếu thốn của họ là tình cảm tinh thần, mối quan hệ, tình làng xóm, là những buổi chợ búa, đi chơi, xem phim, cà phê... Còn cuộc sống ở đảo chìm, bốn bề mênh mông nước, thiếu tất cả. Vào mùa khô, ở đây thiếu nước và rau xanh trầm trọng. Mỗi lần bão đến thì người dân, chiến sĩ lo nhất là vườn rau.

May mắn đi vào đợt biển lặng sóng nên đoàn 54 dân tộc anh em được đến thăm nhà giàn DK1. Nhưng việc lên được nhà giàn vô cùng khó khăn. Những con sóng dữ tợn, dập dềnh có thể cắt đứt chân nếu vô tình chạm xuống, mỗi phóng viên phải leo dây, được sự giúp sức của đồng nghiệp phía dưới và hai chiến sĩ ở trên. "Những con sóng ở đây khi lặng cũng cao quá người", anh Kỳ nói.

Qua nhiều nơi nhưng nhà giàn là nơi anh Kỳ nhớ nhất. Câu chuyện của người chiến sĩ tên Hùng khiến anh nhiều đêm trằn trọc. Khi được cử ra nhà giàn nhận nhiệm vụ gấp, anh Hùng đã một mình đi thuyền đến. Nhưng hôm đó sóng mạnh cấp 8-9 khiến tàu không thể neo được. Nhận thức được nhiệm vụ khẩn cấp nên anh Hùng đã nhảy xuống bơi vào. Khi ôm được chân cột nhà giàn, leo được một đoạn thì một cơn sóng cao chừng 7-8 m ập đến như nhồi anh xuống đáy. Lấy hết sức bình sinh, Hùng ôm vào cây cột nhưng sự va đập khiến người anh tứa máu.

Trong suốt hành trình ngược hướng Trường Sa, phóng viên Hồng Kỳ đã tập hợp tư liệu thu được, liên kết và hình thành mạch viết: Trường Sa là một phần máu thịt Việt Nam. Chuỗi 7 bài này vừa được nhận giải nhất giải báo chí TP HCM nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chuỗi bài là một mạch ngầm, bắt đầu từ hình ảnh những người lính Dê Ka, về ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, về những người lính già tắm chậu như trẻ thơ để tiết kiệm từng giọt nước cho đến những đóa hoa của biển. Mỗi bông hoa tượng trưng cho một kỹ sư miệt mài làm việc ở các nhà giàn, điều khiển những tấm pin mặt trời đảm bảo đủ điện cho quân và dân trên đảo Trường Sa.

Thông qua bài viết, nhà báo Hồng Kỳ nhắn nhủ với người đọc rằng, điều kiện cơ sở vật chất ở Trường Sa giờ không kém đất liền, cuộc sống đang phát triển và bắt đầu sinh sôi. Ở đảo chùm Đá Tây, nơi thờ Lý Thường Kiệt và khắc bài thơ thần của ông, người dân đã nuôi cá thí nghiệm trên biển, bắt đầu phát triển kinh tế.

Anh tâm sự: "Sự hy sinh của các chiến sĩ vô cùng to lớn, đó là hy sinh máu thịt của những con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể. Hy sinh ngay cả khi không phải xung đột quân sự. Từ đó ta có thể thấy rằng bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền là một việc vô cùng gian nan".

Cùng đi với nhà báo Hồng Kỳ, chị Nguyễn Thanh Tâm, phóng viên Hệ phát thanh Dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam
 chia sẻ, chuyến đi đã giúp chị hiểu ra nhiều điều, thấy mình "lớn" lên rất nhiều. Mỗi lần nhớ lại những ngày ở đảo, mỗi lần đặt bút viết về Trường Sa, chị lại nức nở khóc bởi hình ảnh những người lính gian khổ, chịu đựng, hy sinh và nụ cười tươi rói của họ ám ảnh chị.

Chị Tâm cho biết, 10 ngày trên tàu, nhiều lúc cảm thấy choáng váng bởi sóng cấp 5-6 ngoài mạn tàu, nhưng chị luôn cố gắng tranh thủ mọi thời gian để tác nghiệp. Trừ Trường Sa Lớn, thời gian vào thăm các đảo và nhà giàn DK rất ngắn nên khi quay trở lại tàu là chị lại ôm chiếc laptop để viết bài, kịp gửi về phát sóng.

Xuyên suốt chuyến đi, chị cảm nhận được rõ ràng hình ảnh, chí khí của cán bộ, chiến sĩ hải quân ở quần đảo Trường Sa. Nhìn các anh làm việc, chị mới hiểu trọn vẹn nghĩa câu nói
 "người lính hải quân như cây phong ba trước sóng gió biển khơi".

Ở đảo nổi, đảo đá chìm hay nhà giàn, cuộc sống của người lính hải quân vẫn còn nhiều thiếu thốn. "Cọng rau xanh, ca nước ngọt - những thứ rất đỗi bình thường ấy, lại là đặc sản ở đảo, các anh vẫn sẻ chia cho nhau từng ngày. Khi tâm sự với cán bộ, chiến sĩ, chị được biết, nghe tin có đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam ra thăm, nhiều chiến sĩ đã mất ngủ vì mong ngóng. Buổi sáng hôm chuẩn bị đón đoàn, đảo báo thức từ 4h sáng. Thế nhưng nhiều người trằn trọc, thấp thỏm không ngủ, hướng ra cầu cảng, nhìn về các hướng để mong được thấy tàu.

Thanh Tâm nhớ vòng hoa kết hình cờ tổ quốc và bàn thờ với bát hương nghi ngút khói được từ từ thả xuống mặt biển khi làm lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã hy sinh vì sự trọn vẹn của chủ quyền biển đảo. Mỗi người một bông hoa, nghiêng mình thả thật nhẹ xuống biển khơi. Nhiều bờ vai đã rung lên, nhiều tiếng nấc nghẹn ngào, mắt ai cũng nhòe nước mắt.

Chị nhớ, buổi chia tay, ai cũng quyến luyến, bịn rịn. Phải một lúc lâu các đại biểu mới lên được tàu, nhưng trên cầu cảng, hàng trăm cán bộ chiến sĩ và người dân ở đảo ken vai nhau, hát và vẫy tay chào. Các thành viên của đoàn dồn hết về mạn trái của con tàu để cùng hoà lời ca, cùng vẫy tay chào tạm biệt.

Là nhà báo duy nhất truyền tải tác phẩm bằng âm thanh nên suốt hành trình, nhà báo Thanh Tâm liên tục phải hoàn thành tin, bài mang tính thời sự để chuyển về phát sóng. Không chỉ phát ở Hệ Thời sự - chính trị - tổng hợp, tin bài của chị còn được dịch ra 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số để phát sóng. Đồng bào nghe và thông tin cho nhau về chuyến đi Trường Sa.

"Không mong muốn gì nhiều, tôi chỉ cố gắng chuyển tải để thính giả cả nước, đặc biệt là thính giả người dân tộc thiểu số hiểu hơn về quần đảo Trường Sa, luôn hướng về Trường Sa thân yêu bằng cả trái tim của mình. Khi đã hiểu thì đồng bào sẽ cùng sát cánh bên nhau trong sự nghiệp gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc", chị tâm sự.

Theo Hoàng Thùy- VnExpress




































 

Các bài mới
Các bài đã đăng