VỌNG RA BIỂN
Phan Vinh- tên anh thắm sắc đảo xanh
14:38 | 07/07/2011
Ghi chép Trong hàng nghìn hòn đảo của Việt Nam, chắc chỉ duy nhất hòn đảo nhỏ “nửa nổi nửa chìm” trong quần đảo Trường Sa mang tên người- Phan Vinh, thuyền trưởng tàu C325 huyền thoại.  
Phan Vinh- tên anh thắm sắc đảo xanh
Đảo Phan Vinh hôm nay

Huyền thoại đảo thiêng

“Đảo Phan Vinh nửa nổi nữa chìm, chuyện kể rằng từ một ổ trứng chim, con cháu bà Âu Cơ đặt chân lên, biết đây là một phần Tổ quốc. Và từ đó chim bay về đây, và từ đó xanh xanh hàng cây. Sự sống sinh sôi khi chúng ta bước chân lên đảo...”- những lời ca của bài “Tôi hát- đảo Phan Vinh” do nhạc sỹ Lê Mây sáng tác vang lên khiến nhiều người tò mò, thích thú.

Trên mặt nước phẳng lì giữa tiết hè, tàu HQ 956 đưa chúng tôi hướng đến đảo Phan Vinh. Giữa biển cả mênh mông, một phần Tổ quốc hiện ra, dâng lên trong lòng người những cảm xúc mừng vui, tự hào khó tả.

Trong hành trình thăm các điểm đảo, Phan Vinh là nơi đoàn công tác chúng tôi lưu lại lâu nhất. Đoàn tách làm đôi thăm hai điểm đảo, một nổi một chìm như lời bài hát của nhạc sĩ Lê Mây trên giai điệu nghe như huyền thoại. Mà đúng là huyền thoại, vì trong hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ của Việt Nam, trong hàng chục hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Phan Vinh- tên hòn đảo thiêng cũng là tên người anh hùng của lực lượng Hải quân với những chiến công lẫy lừng trên đoàn tàu không số huyền thoại.

Trong hội trường có diện tích không lớn của đảo, hình ảnh người anh hùng Phan Vinh cùng những ghi chép về ông được treo ở vị trí trang trọng. Huyền thoại về ông gắn mãi với đảo xanh…

Trong cuộc tiến công chiến lược Tết Mậu Thân năm 1968, Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tế vũ khí cho quân dân miền Nam. Đơn vị nhận nhiệm vụ này là Đoàn 125- “đoàn tàu không số” của đường Hồ chí Minh trên biển.

Trước tình hình nóng bỏng của chiến trường, lãnh đạo Đoàn khi đó đã táo bạo cho 4 tàu cùng xuất phát vào một thời điểm tới 4 vùng biển khác nhau để đánh lạc hướng địch. Tàu C235 do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng hướng vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa) mang theo 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho Khánh Hòa. Quân số trên tàu gồm 20 người.

18h ngày 29/2/1968, tàu C235 cách Nha Trang khoảng 10 hải lý, phát hiện một máy bay trinh sát lượn vòng quanh tàu rồi bay về đất liền. Xác định tàu đã bị lộ nên các thành viên tranh thủ thời cơ đưa nhanh tàu vào bến vì cự ly không xa, nếu lùi thì không còn cơ hội. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu nhằm thẳng hướng Hòn Hèo, cả tàu chuẩn bị thả hàng sẵn sàng chiến đấu.

23h cùng ngày, tàu cách Hòn Hèo khoảng 6 hải lý thì gặp 5 tàu tuần tiễu của hải quân Ngụy dàn hàng ngang cùng 3 chiếc tàu lớn của Hạm đội Hải quân Ngụy (tàu tuần dương và tàu khu trục HQ12, HQ617, Ngọc Hồi), tất cả triển khai đội hình bao vây. Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí thả khói mù, cho tàu đến đúng vị trí bến quy định là một địa điểm thuộc xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa, ông cho tàu thả hàng xuống biển và nhanh chóng cho tàu sang vùng biển xã Ninh Vân nhằm không để lộ vị trí thả hàng để sau này anh em ra vớt.

Tàu địch khép chặt vòng vây lại có máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Máy chính của tàu bị bỏng, tàu không thể cơ động được. Thuyền trưởng Nguyễn Phan vinh hội ý với anh em trên tàu, quyết định hủy tàu để không lọt vào tay địch. anh cho các đồng chí bơi vào bờ trước, còn bản thân mình và kỹ thuật điện Ngô Văn Thứ ở lại trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ rồi mới rời tàu.

Một tiếng nổ kinh hoàng cắt vụn tàu C235, một nửa thân tàu hất văng lên triền núi Bà Nam gần đấy. Cuộc chiến đấu tiếp diễn và sáng hôm sau, hai anh Vinh và Thứ sau khi chiến đấu hết đạn đã dành quả lựu đạn cuối cùng cho mình, không để sa vào tay địch. 14 cán bộ, chiến sỹ của tàu C235 đã vĩnh viễn nằm lại trên biển Hòn Hèo.

Trận chiến đấu của tàu C235 trở thành một điểm son trong lịch sử non trẻ của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ngày 25/8/1970, Nguyễn Phan Vinh được Chủ tịch nước Việt Nam DCCH truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVTND”. Trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, tên ông đã được đặt cho một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa- đảo Phan Vinh.

Tiếng hát trên đảo xanh                        

Thời gian lưu lại trên đảo không nhiều nên đoàn văn công khẩn trương vận chuyển những thiết bị tăng âm, hệ thống hoa công suất lớn lên đảo để phục vụ cho buổi giao lưu văn nghệ.

Sau khi thăm quan đảo, tất cả lại mọi người quây quần dưới tán bàng vuông xanh ngắt, những bài hát lại tiếp nối nhau, tiếng cười sảng khoái xua tan những mệt nhọc trên một hành trình dài lênh đênh trên biển. Chỉ mấy giờ đồng hồ nhưng chúng tôi thật sự đã có những giây phút tuyệt vời bên những người lính trên đảo tiền tiêu.

Đảo trưởng, Trung tá Trần Văn Nhật cho biết, điều kiện trên đảo còn nhiều khó khăn, song đời sống anh em đang ngày càng được cải thiện. Hệ thống phong điện, năng lượng mặt trời đã được lắp đặt giúp điều kiện sống trên đảo nhỏ tốt hơn. Các trạm thu tín hiệu vệ tinh, sóng điện thoại được phủ góp phần nâng cao đời sống tinh thần lính đảo.

“Cán bộ chiến sĩ tích cực tăng gia chăn nuôi, gieo trồng, đánh bắt hải sản. Hàng nghìn kilogam rau củ quả các loại, thịt góp phần cải thiện đời sống chiến sĩ”, Đảo trưởng Trần Văn Nhật cho biết.

Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh, niềm vinh dự, tự hào nhất là được công tác trên hòn đảo mang tên người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh- người đã anh dũng hy sinh trên con đường huyền thoại- đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân thắm sắc biển xanh.

Với niềm tự hào đó, trong quá trình xây dựng chiến đấu trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Đảo đã 8 lần được công nhận “Đơn vị quyết thắng”, nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại. Trong các đợt kiểm tra của Quân chủng và Bộ Quốc phòng, đảo đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và được tặng nhiều bằng, giấy khen.

“Tự hào với những thành tích đã đạt được, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống”, Trung tá Nguyễn Đăng Khiệt, Chính trị viên đảo Phan Vinh khẳng định. Và chúng tôi, những người con đất liền lần đầu đặt chân lên đảo cũng tin vào điều đó khi tận mắt thấy nhịp sống và chiến đấu nơi đây.

Những cột thu sóng, quạt gió vươn cao, những tấm pin mặt trời trải rộng, những mái nhà đỏ tươi xen lẫn màu xanh cây lá… Tất cả, dù nhỏ nhoi trong không gian biển lớn, giữa sóng gió đại dương vẫn toát lên sự hiên ngang, vững chãi và kiêu hùng, vì đảo nhỏ vẫn nằm trong lòng Tổ quốc- Việt Nam./.



Theo Ngọc Thành -  VOVNEW






























Các bài mới
Các bài đã đăng