VỌNG RA BIỂN
Thực thi tuyên bố DOC: Trung Quốc trở lại chủ nghĩa song phương
10:38 | 18/07/2011
Tầm quan trọng của biển Đông đã được thừa nhận rộng rãi đối với ngành hàng hải quốc tế, an toàn biển, khai thác nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, và hiệu lực pháp lý của luật pháp quốc tế. Các tranh chấp trên biển Đông liên quan đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng nước xung quanh các quần đảo này vẫn là một trong những điểm nóng tiềm ẩn, có thể gây bất ổn khu vực.
Thực thi tuyên bố DOC: Trung Quốc trở lại chủ nghĩa song phương
Ảnh: Internet
Từ những năm 1990, các nước trong khu vực đã nỗ lực ổn định tình hình và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong khu vực biển Đông. Một trong các kết quả đạt được là Tuyên bố của ASEAN về biển Đông năm 1992, Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc năm 2002 về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), theo đó tất cả các bên tham gia đều cam kết tìm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và tiến hành hợp tác trên biển nhằm duy trì ổn định khu vực tại biển Đông. Tuy nhiên, sau khi ký DOC, các bên đã không ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình. Đôi khi nảy sinh căng thẳng và các bên liên quan tiếp tục phản đối các động thái của bên kia trên biển Đông.

Môi trường an ninh biển Đông và các nỗ lực giải quyết tranh chấp

Trước khi ký kết DOC giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, thì Hiệp ước Thân thiện và đối tác ở Đông Nam Á (TAC) và Hiệp định về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (được ký lần lượt trong các năm 1976 và 1995) là những văn kiện pháp lý điều chỉnh các hành vi của các bên liên quan trên biển Đông. Các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn các bên tham gia ký kết trong TAC bao gồm giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan.

Trước tiên, các thành viên ASEAN đã thông qua quan điểm chung về tranh chấp trên biển Đông trong Tuyên bố của ASEAN về biển Đông, ký tại Manila năm 1992. Tuyên bố này thể hiện các mối lo ngại của ASEAN về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi tập đoàn năng lượng Creston của Mỹ được phép khai thác dầu ở Bãi Tứ Chính (Vanguard Bank) thuộc thềm lục địa của Việt Nam, và việc Trung Quốc thông qua "Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp" ngày 25/2/1992 tuyên bố chủ quyền hoàn toàn của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Các Ngoại trưởng ASEAN đã thừa nhận rằng "vấn đề biển Đông gồm những câu hỏi nhạy cảm về chủ quyền và quyền tài phán của các bên liên quan trực tiếp" và thực tế là "bất cứ diễn biến thù địch nào trên biển Đông cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và ổn định trong khu vực".

Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thể hiện sự kiềm chế và hợp tác trong việc thực thi các nguyên tắc ghi trong TAC, coi đây là căn cứ để xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử quốc tế tại biển Đông. Tuyên bố kêu gọi khai thác khả năng hợp tác tại biển Đông. Bên cạnh đó, tất cả các bên liên quan được mời tham gia Tuyên bố Manila. Việt Nam, khi đó chưa phải là thành viên ASEAN, đã ủng hộ tuyên bố này. Tuy nhiên Trung QTheo uốc nhắc lại quan điểm của mình là phản đối việc thảo luận đa phương vấn đề này và khẳng định quan điểm của họ là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không liên quan đến ASEAN. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó Tiền Kỳ Tham nói rằng Trung Quốc ủng hộ các "nguyên tắc" của tuyên bố này.
Biến cố Mischief Reef (Đá Vành khăn) năm 1995 giữa Trung Quốc và Philippines đã tạo ra một thay đổi trong chính sách của Trung Quốc với biển Đông. Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên một bãi đá nổi nằm trong quần đảo Trường Sa và thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines đã dẫn tới sự đối đầu thù địch lần đầu tiên giữa Trung Quốc và Philippines. Trước đó, Trung Quốc chỉ gây hấn với Việt nam, khi chưa phải là thành viên ASEAN, trong những năm 1974 và 1988. Sau biến cố Đá Vành khăn, ASEAN đã đưa ra các sáng kiến có thể ngăn chặn các tranh chấp hiện nay leo thang thành xung đột.

Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông

Ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) cho khu vực đã được đưa ra trong Tuyên bố ASEAN năm 1992 và được thảo luận sâu hơn trong hàng loạt buổi làm việc được Indonesia tổ chức nhằm giải quyết các xung đột tiềm ẩn trên biển Đông từ năm 1991. Ý tưởng COC đã chính thức nhận được sự ủng hộ tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 29 (tại Jakarta, ngày 21-27/7/1996) với hy vọng văn bản này có thể tạo nền tảng cho hợp tác lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước liên quan. Các Ngoại trưởng ASEAN đã bày tỏ lo ngại về tình hình biển Đông trong tuyên bố chung và nhấn mạnh rằng các bên liên quan nên áp dụng các nguyên tắc của TAC, coi đây là cơ sở cho một bộ quy tắc ứng xử khu vực tại biển Đông để xây dựng một môi trường khu vực an ninh và ổn định.

Dù một COC có ràng buộc pháp lý được coi là mục đích ban đầu, nhưng sau gần 5 năm thương lượng, ASEAN và Trung Quốc chỉ đạt được một thỏa thuận mang tính chính trị. Ngày 4/10/2002 tại Phnom-Penh, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố DOC. Đây được coi là một bước hướng tới việc thông qua một COC mang tính ràng buộc hơn, trong đó xác định các quyền và nghĩa vụ của ccs bên liên quan nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Việc Trung Quốc tham gia DOC đánh dấu một thay đổi lớn trong cách tiếp cận của nước này đối với tranh chấp biển Đông, từ song phương sang "bán đa phương". Trước kia, Trung Quốc chỉ ủng hộ các cuộc đàm phán song phương nhằm giành lợi thế về vị trí của một cường quốc khu vực và tránh mọi mặt trận ASEAN thống nhất chống lại các lợi ích của mình.

Dù Trung Quốc đã vẫn quả quyết duy trì các yêu sách của mình trong các khu vực tranh chấp, nhưng dường như họ chuẩn bị để gia nhập các cơ chế đa phương và tôn trọng các quy tắc và giá trị của trò chơi. Bằng việc chấp nhận các cuộc đàm phán đa phương với ASEAN về COC và DOC, Trung Quốc tìm cách khai thác sự chia rẽ giữa các nước thành viên ASEAN. Hơn nữa, với DOC, Trung Quốc có thể thắng về chính trị và kinh tế và xoa dịu lo ngại của ASEAN về Trung Quốc. Đáp lại thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" Trung Quốc đã ủng hộ học thuyết "sự nổi lên hòa bình" và các chính sách "phát triển hòa bình" như định hướng phát triển quốc gia để làm an lòng các nước láng giềng.

Đông Nam Á là một trọng tâm của chính sách thân thiện của Trung Quốc. việc ký kết DOC một phần giúp Trung Quốc giành được niềm tin và sự tín nhiệm của các thành viên ASEAN, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế và quan hệ thương mại. Hơn nữa, DOC, một tài liệu mang tính chính trị và không bị ràng buộc pháp lý, không ảnh hưởng chút nào đến các yêu sách của Trung Quốc, và vì vậy sẽ không gây ra phản ứng tiêu cực trong nước.

Tình hình an ninh khu vực sau sự kiện 11/9/2001 cũng góp phần dẫn tới việc ký kết DOC năm 2002. Sau sự kiện trên, Mỹ tuyên bố Đông Nam Á là mặt trận thứ hai của cuộc chiến chống khủng bố, việc này đã đánh thức mối lo ngại của Trung Quốc đối với vị trí địa chính trị của Mỹ trong khu vực. Các quan hệ giữa Mỹ với Philippines, Malaysia và Việt Nam đã được cải thiện và tăng cường. Ba nước này đều là thành viên ASEAN và liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. Các thành viên khác trong ASEAN như Thái Lan, Singapore và cả Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, đều đã ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Tháng 8/2002, Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN về Hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã được ký kết. Hợp tác tăng cường giữa Mỹ với các đồng minh ở Đông Nam Á đã gây ảnh hưởng đến các tính toán chiến lược của Trung Quốc. Dù Trung Quốc ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng Bắc Kinh cũng lo ngại rằng sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Mỹ tại khu vực có thể dẫn tới cam kết của Mỹ trong vấn đề biển Đông. Kết quả là Trung Quốc lo ngại rằng vấn đề biển Đông sẽ bị đa phương hóa và quốc tế hóa.

Theo Leszek Buszynski, lý do chính khiến Trung Quốc tham gia DOC là nước này nhận ră tầm quan trọng của bộ quy tắc ứng xử khu vực trong việc khuyến khích các nước thành viên ASEAN giảm quan hệ chính trị và quân sự với Mỹ, từ đó tránh sự can thiệp của Mỹ vào tranh chấp biển Đông cũng như tránh tạo lợi thế của Mỹ trong vấn đề Đài Loan.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được ASEAN xem là một cơ hội cho các nước thành viên của mình. Ngày 5/11/2002, tại Phnom Penh, Thỏa thuận khung Trung Quốc - ASEAN về Hợp tác kinh tế toàn diện đã được ký kết, mở đường cho một Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc - ASEAN năm 2010. Đây là một bước tiến quan trọng trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Lợi ích mà buôn bán hai chiều mang lại đã góp phần ký kết DOC. Về điểm này, Amitav Acharya viết "từ một góc độ chính trị, việc hiện thực hóa một thỏa thuận khu vực tự do Trung Quốc - ASEAN cho thấy các gian lận trong lịch sử và xung đột chính trị giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ không còn là nhân tố lớn nhất ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN nữa".

Tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc - ASEAN ngày 8/10/2003 ở Bali (Indonesia), hai bên đã ký Tuyên bố chung của các nguyên thủ quốc gia về Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng với mục đích thúc đẩy quan hệ bằng hữu, hợp tác đôi bên cùng có lợi, và quan hệ láng giềng tốt giữa ASEAN và Trung Quốc bằng việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác Trung Quốc - ASEAN một cách toàn diện trong thế kỷ 21. Cùng ngày, Trung Quốc chính thức trở thành nước ngoài ASEAN tham gia TAC, nhờ vậy khuyến khích Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tránh đe dọa hoặc sự dụng vũ lực.

Các nước ASEAN đánh giá cao các diễn biến này, góp phần chính cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Năm 2005, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thăm Indonesia, Brunei, và Philippines nhằm thúc đẩy tình bằng hữu và hợp tác, và xoa dịu những lo ngại về các ý định của Trung Quốc. Tất cả các diễn biến này, cộng với các hoạt động khác trong chính sách "thế công mê hoặc" của Trung Quốc đối với Đông Nam Á, trong đó có đề nghị thiết lập Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc - ASEAN (CAFTA) năm 2001, đã giúp giảm bớt suy nghĩ của khu vực coi Trung Quốc là một mối đe dọa.

Thực thi tuyên bố DOC: Trung Quốc trở lại chủ nghĩa song phương

Để đưa các điều khoản của DOC vào các hoạt động hợp tác cụ thể, trong Kế hoạch Hành động thực thi Tuyên bố chung 2003 về Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng, vốn được đưa ra nhằm phục vụ kế hoạch lớn hơn là mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ và hợp tác ASEAN-Trung Quốc, hai bên đã tuyên bố theo đuổi các hành động và biện pháp chung để thực thi DOC "một cách hiệu quả". Các hành động và biện pháp đó bao gồm: tổ chức định kỳ Hội nghị cấp cao (SOM) Trung Quốc - ASEAN về việc thực thi DOC; cung cấp các chỉ dẫn và đánh giá việc thực thi DOC; và thành lập một nhóm làm việc để soạn thảo các hướng dẫn của hai bên về thực thi DOC và cung cấp các khuyến cáo cho SOM Trung Quốc - ASEAN về các vấn đề chính sách và thực thi.

Tại hội nghị SOM Trung Quốc - ASEAN về thực thi DOC lần đầu tiên ở Kuala Lumpur ngày 7/9/2004, các bên liên quan đã quyết định thành lập một nhóm làm việc chung (JWG) để nghiên cứu và khuyến cáo các hoạt động nhằm xây dựng lòng tin. JWG Trung Quốc - ASEAN có nhiệm vụ hình thành các khuyến cáo về: a) các hướng dẫn và kế hoạch hành động để thực thi DOC; b) các hoạt động hợp tác rõ ràng tại biển Đông; c) một danh sách chuyên gia giỏi có thể cung cấp các dữ liệu kỹ thuật, quan điểm chuyên môn hoặc khuyến cáo chính sách cho JWG Trung Quốc - ASEAN; và d) việc triệu tập các hội thảo khi cần thiết.

Tại hội nghị đầu tiên của JWG Trung Quốc - ASEAN ở Manila ngày 4-5/8/2005, ASEAN đã đề xuất một dự thảo Hướng dẫn thực thi DOC để thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề chính là điểm 2 của dự thảo này. ASEAN muốn ứng xử với Trung Quốc trong vai trò một nhóm và "tự tham vấn nội bộ" trước khi gặp Trung Quốc, trong khi Trung Quốc muốn tiến hành các cuộc tham vấn với "các bên liên quan", không phải với cả khối ASEAN. Sau một số cuộc họp của JWG Trung Quốc - ASEAN, vẫn không đạt được đồng thuận về điểm 2 của hướng dẫn này, và 6 dự án hợp tác chung trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn vì vậy cũng vẫn chỉ nằm trên giấy.


 Theo TRẦN TRƯỜNG THỦY - VietNAmnet





















Các bài mới
Các bài đã đăng