Một khu vực "trật tự" hàm ý các hoạt động, sự việc xảy ra trong phạm vi này được quy định và kiểm soát. Thường thì bằng luật "cứng", được hiểu như điều khoản, quy định, pháp lệ. Như tại một ngã tư đèn đỏ là dừng, đèn xanh duy chuyển, còn đèn vàng là dấu hiệu chuẩn bị. Hay bằng luật "mềm", ví như cách hiểu giữa các thành viên cộng đồng; đồng thuận, giữ gìn và bày tỏ thái độ nếu có cá nhân nào vượt quá giới hạn cho phép. Như trong bệnh viện thì đi nhẹ nói khẽ, nơi công cộng nên có hành vi đúng mức, ưu tiên cho người thiểu năng, nhường nhịn phụ nữ có thai.
Điểm giao thoa của hai góc nhìn này là giúp cho quan hệ giữa thành viên có thể nhận diện bằng các tín hiệu được đoán trước. Nếu bệnh viện được phép hò la như sân đá banh, ai muốn ra vào lúc nào cũng được, hay không còn sự tương kính, nhường nhịn giữa người và người trong cộng đồng, thì tính "trật tự" sẽ không giá trị, và hành vi giữa mỗi người chuyển dịch theo một dấu hiệu khác.
Từ trật tự đến vô trật tự cách nhau một gang tay, là xuất hiện của một hành động ngược lại các quy chế, chuẩn tắc chung mà mọi người đang theo đuổi. Vô trật tự dẫn đến rối loạn vì thiếu vắng chỉ dấu dẫn dắt về hành vi.
Trên bình diện trong một quốc gia, Nhà nước và cộng đồng là hai tác nhân đảm bảo trật tự. Khi một cá nhân vi phạm, Nhà nước trừng phạt bằng luật lệ, xã hội răn đe bằng đạo đức. Trên bình diện quốc tế, sự việc phức tạp hơn, song hành nhiều góc nhìn nhận định.
Hình dung thứ nhất miêu tả thế giới là thực trạng vô chính phủ, khi một siêu nhà nước không tồn tại, và một siêu cộng đồng cũng không hiện hữu. Để đảm bao an ninh buộc các quốc gia giải quyết vấn đề bằng sức mạnh.
Cân bằng quyền lực là chính sách được tiến hành hàng thế kỷ qua từ Âu sang Á. Cân bằng nội lực thông qua tăng cường súng ống, khả năng quốc phòng. Ngoại lực bằng cách thiết lập liên minh, tham gia tổ chức liên kết quân sự. Điểm giữ cho hệ thống ổn định là mức độ cân bằng, tức là không có sức mạnh nào trở thành vượt trội.
Và đó là nguyên tắc phân định giữa góc nhìn thứ hai, xem sức mạnh là một phần của luật chơi, nhưng tính vượt trội của một siêu cường đóng vai trò then chốt. Thứ nhất, khoảng cách sức mạnh quá lớn để các nước khác có thể cân bằng. Thứ hai, siêu cường giữ vai trò lãnh đạo, "đứng mũi, chịu sào" bài toán "hàng hóa công", thứ rất cần cho việc thúc đẩy hợp tác, nhưng đắt, và ít cá nhân nào có khả năng chi trả, hay chấp nhận trả một mình. Có thể kể đến vai trò của Hoa Kỳ trong trong công cuộc tái thiết châu Âu với kế hoạch Marshall hay Đức quốc và Pháp trong kế hoạch thống nhất EU. Hay dàn binh bố trận của hải quân Mỹ để đảm bảo tự do lưu thông trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trật tự lúc này ổn định nhờ sự có mặt của "vương quyền".
Vượt qua bài toán sức mạnh, hình dung thứ ba được xây dựng trên cơ sở luật và chuẩn tắc. Luật pháp qui phạm những hành vi hợp pháp, và không hợp pháp. Chuẩn mực quy phạm những việc nên hay không nên. Liên Hiệp Quốc (Hiến chương, các bộ luật quốc, các cơ quan chấp pháp) và công luận quốc tế là phiên bản gần nhất cho hình dung về một công lý tối thượng, và một giá trị bao trùm. Bên cạnh đó là quá trình định chế hóa các mối quan hệ quốc tế với lập luận: luật là điều kiện cần, chuẩn tắc đằng sau luật là điền kiện đủ đề điều khiển tất cả hành vi.
Có sức mạnh của sự cân bằng, có siêu cường nắm vai trò ổn định và tồn tại luôn những cơ chế pháp lý chính thức cũng như bán chính thức đề quy định hành vi, Biển Đông và tranh chấp tại đây vẽ lên bức tranh hỗn hợp. Bức tranh này tuy vậy đang dần dần ngược lịch sử về quá khứ, khi xu hướng sức mạnh và tự diễn dịch (thay vì giải quyết bằng luật pháp và tìm đồng thuận) đang dần dần nắm thế thượng phong.
Thứ nhất, xuất phát từ sự khác biệt về quan niệm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc, tự do hàng hải tại khu vực đang được định nghĩa lại dưới một lăng kính khác.
Theo UNCLOS, các nước ven biển có chủ quyền tuyệt đối tại vùng biển nội thủy và lãnh hải (không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở), và hưởng thụ quyền lợi kinh tế bao gồm khai thác, thăm dò, đánh bắt v.v... tại EEZ (rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở). Trong khi các hoạt động quân sự, do thám, nghiên cứu của tàu thuyền nước ngoài hoàn toàn không được cho phép trong vùng lãnh hải, hoạt động này được xem là không vi phạm quy chế trong khu vực EEZ.
Ngược lại, Trung Quốc cho rằng các quốc gia ven biển không những có thẩm quyền kinh tế đối tại EEZ mà còn thẩm quyền về tất cả hình thức hoạt động khoa học khác. Điều này có nghĩa là mọi công tác nghiên cứu, đo đạc, khảo sát thủy văn đều phải được sự cho phép quốc gia ven biển.
Việc tàu do thám Impeccable năm 2009 là một thí dụ cho thấy các diễn dịch và hành xử mới của chính phủ Bắc Kinh về luật Biển. Làm nhiệm vụ thăm dò cách đảo Hải Nam 75 dặm phía Nam, bên ngoài lãnh hải, nhưng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, Impeccable đã bị nhiều tàu Trung Quốc bao vây.
Phía Mỹ lập luận, Trung Quốc vi phạm luật và thông lệ quốc tế, vì Impeccable chỉ thực công việc khảo sát, và không có dấu hiệu gì cho thấy đã gây tổn thương đến quyền lợi kinh tế theo quy chế EEZ. Đáp trả, Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ lợi dụng quyền tự do giao thông chuyển hướng tiến hành hoạt động thu thập tình báo, gây phương hại đến an ninh quốc gia.
Qua sự kiện trên có thế thấy rằng, thỏa hiệp giữa quyền kinh tế của quốc gia ven biển và quyền vận chuyển quá cảnh của các nước theo tập quán quốc tế - dưới góc nhìn của Bắc Kinh - nên được thay thế bằng nâng cấp mức độ EEZ tương đương với quy chế lãnh hải, nơi nước ven biển được hành xử chủ quyền một cách không giới hạn.
Bằng cách hợp thức hóa thông qua pháp lý (đạo luật đặc quyền kinh tế trong Bộ Luật Khảo sát và Bản Đồ năm 2002, mở rộng từ điều số 9 của luật Biển 1998 quy định cấm tàu các nước khác khảo sát, đo đạc trong EEZ), cùng áp lực ngoại giao (Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Mỹ giảm dần, tiến tới chấm dứt các chiến dịch tuần tra khảo sát vùng biển để tránh "va chạm về hàng hải"), Trung Quốc dần dần định chế hóa khu vực EEZ của mình thành khu đặc quyền quân sự.
Một mặt đây có thể xem như một cố gắng giảm dần ảnh hưởng của Mỹ trong vùng biển Đông. Mặt khác, mâu thuẫn với điểm đầu tiên, chính phủ Bắc Kinh lại cho phép mình "tự do hàng hải" trên khu vực EEZ của các nước tranh chấp khác.
Và khác với các quốc gia ven biển có lập luận tương tự, nhiều chỉ dấu thể hiện rằng việc thụ hưởng quyền này đang hình thành dựa trên nền tảng sức mạnh chiến hạm thay vì định chế giữ tiếng nói cuối cùng. Bài viết mới đây của tác giả Dana Dillon trên tạp chí Policy Review ví von biển Đông là đụng độ giữa hai thế giới quan, một là của cộng động thế giới qua lăng kính "chủ quyền quốc gia" như trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS quy định, một là "trung tâm-ngoại vi" của Trung Quốc với Bắc Kinh ở tâm điểm cùng nhiều vệ tinh quay xung quanh như mô thức chư hầu trong lịch sử.
Dưới góc nhìn trên, việc chính phủ Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá, bắt ngư dân, sử dụng tàu hải giám giữ nhiệm vụ "giám sát" được miêu tả như trong vị thế của một hoàng đế, xem dưới gầm trời này tất cả điều là tài sản của thiên tử và không ngần ngại sử dụng vũ lực quân sự nếu lợi ích bị xâm phạm. Nếu trở thành chính sách chủ đạo, "trật tự mới" của Bắc Kinh rõ ràng không những đe dọa nghiêm trọng nguyên tắc chủ quyền mà các quốc gia trong vùng xem như "tối thượng", mà còn góp phần hiện thực hóa dự đoán bi quan của trường phái duy thực xem tương lai của châu Á là quá khứ của châu Âu: là chiến tranh, đụng độ, xung đột vũ trang.
Theo NGUYỄN CHÍNH TÂM - Vietnamnet
|