VỌNG RA BIỂN
Gặp người lính 17 năm lăn lộn ở nhà giàn DK1
08:17 | 15/08/2011
"Có lần viết thư về cho vợ, tôi hỏi: Em và con có khoẻ không? Vợ tôi viết thư ra, trả lời: Em không được khoẻ, một mình mà nuôi 2 con thì làm sao mà khoẻ được. Chao ơi, nhận lời hờn trách ấy mà tôi nhảy lên vì vui mừng: Thế là tôi đã có đứa con thứ 2 rồi. Sao mà mình vô tâm đến thế".
Gặp người lính 17 năm lăn lộn ở nhà giàn DK1
Người con sinh ra và lớn lên ở vùng sông Giăng, Thanh Nho, Thanh Chương (Nghệ An) ấy mang tên một loài chim biển. Cuộc đời binh nghiệp đầy gian nan, vất vả của anh gắn chặt với biển cả dữ dằn. Anh là Trang Hải Âu, Thiếu tá, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1- Phúc Tần (nằm trong Cụm kinh tế khoa học dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Phải mấy lần bấm máy, đầu dây bên kia mới nhận được tín hiệu. Một giọng đàn ông chắc, khoẻ vang lên đáp lời tôi, nghe rõ cả tiếng ầm ào sóng biển. "Tôi là Trang Hải Âu đây".

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu như vậy, ở hai đầu dây, vậy mà tôi luôn có cảm giác thấy anh thật rõ, người lính hải quân ngực giơ ra chắn gió và dưới chân anh, những cột sóng cao đang vươn mình rồi tan biến. Trong giọng nói, giọng cười của anh, như đầy nắng, gió biển Đông.

17 năm gắn bó với biển trời tổ quốc, Thiếu tá Trang Hải Âu đã qua nhiều đảo, nhiều nhà giàn. Anh thấy mình đã may mắn, để luôn hoài nhớ dòng sông Giăng quê hương, nơi những sải bơi đầu tiên giúp anh biết yêu thêm sóng nước. Có mấy ai biết được, trong tâm hồn cậu bé sớm mồ côi cha, cậu bé mang tên một loài chim biển ấy mỗi chiều ngồi lặng ngắm dòng sông đã gửi khát khao của mình vào những ngọn sóng cuối chân trời.

17 năm ướt ròng với biển...

Những người lính canh giữ đảo hay nhà giàn đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, và ai cũng có "tinh thần thép". Trang Hải Âu nói thế để khẳng định với tôi rằng, không chỉ riêng anh mà những người lính ở ngoài này đều xác định tư tưởng rất rõ ràng: Việc gian khó này mình không nhận, thì người khác lại phải làm và quãng thời gian để học tập, làm quen là khá lâu, khá vất vả.

Vì vậy, 17 năm, anh vẫn vững vàng trước bao nhiêu sóng to, gió lớn. Ở giữa biển, nơi có mực nước sâu 50m, nhà giàn trông thật bé nhỏ, mong manh. Trong những trận cuồng phong, bão tố, thì nhà giàn càng mỏng manh hơn nữa.

Anh nhắc về đợt áp thấp nhiệt đới năm 1999, chứng kiến những cột sóng cao đến kinh người và gió lớn vặn xoắn cầu thang nhà giàn như vặn vỏ đỗ, cấp trên chỉ thị cho anh em nhà giàn huỷ tài liệu rồi lên đỉnh nhà giàn chờ tàu cứu hộ. Mọi người lúc này đứng trên đỉnh nhà giàn, ai cũng say sóng nhưng tuyệt nhiên không hề ai nao núng, bi quan.

Rồi anh nhắc với tôi về tấm gương hy sinh thầm lặng của đồng đội của mình, giọng đầy xúc động, tự hào. Đó là Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chính trị Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi nhà giàn bị đổ đã cùng đồng đội quăng quật trên biển với những đợt sóng to gió lớn nhiều giờ.

Anh đã nhường chiếc phao cứu sinh và bánh lương khô cuối cùng cho người đồng đội yếu, mệt nhất, chấp nhận hy sinh vào ngày 5-12-1990. Đó còn là hành động cao đẹp của liệt sỹ- đại uý Vũ Quang Chương- chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6 - Phúc Nguyên.

Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 (1999) anh đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời trạm xuống tàu về đất liền an toàn, còn mình và đảng viên Nguyễn Văn An ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng và rời nhà giàn sau cùng.

Bão và gió dữ đã cướp đi tính mạng của các anh, và đảng viên Nguyễn Văn An đã để lại đất liền một người con chưa kịp nhìn mặt bố. Đó còn là câu chuyện về liệt sỹ- chuẩn uý Lê Đức Hồng- với những nỗ lực đến cùng giữ thông tin liên lạc với đất liền. Khi nhà giàn bị đổ, anh đã gửi lời chào: " Vĩnh biệt đất liền", tình nguyện mãi mãi nằm lại cùng biển khơi...

Còn rất nhiều, nhiều nữa những cái tên mà Trang Hải Âu nhắc đến, như để thêm một lần nữa dặn lòng mình luôn kiên trung cùng đồng đội, xứng đáng với những người đã ngã xuống. Các anh là những chiến sỹ nêu gương sáng về chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trực chốt kiên cường và dũng cảm hy sinh để khẳng định với thế giới rằng, ở đây, vị trí này, toạ độ này, là chủ quyền của Việt Nam, thềm lục địa của Việt Nam, một phần máu thịt không ai xâm phạm được.

Ngoài nhiệm vụ giữ thềm lục địa, là "con mắt ngoài khơi xa" của Tổ quốc, ngọn hải đăng lặng lẽ cháy sáng giữa biển khơi ấy còn là chỗ dựa của ngư dân và các lực lượng hoạt động, làm ăn trên biển.

Không biết đã bao lần, Nhà giàn DK1/2 tiếp nhận, cấp cứu và cứu trợ ngư dân gặp nạn. Có ngư dân đắm tàu lênh đênh trên biển 4 ngày, 5 đêm, chân tay bị va đập rách nát đã được các anh cứu sống.

Gần đây nhất, các chiến sỹ nhà giàn đã giúp đỡ một ngư dân có hoàn cảnh éo le: Ông này lặn xuống biển ở độ sâu 20 m, khi ngoi lên thấy đau vì bị...tắc đường tiểu. Hôm đó, phải vận dụng mọi kiến thức và kinh nghiệm, các chiến sỹ biết cách dùng cái ống thông để "giải cứu" dòng...nước tiểu bị ứ chừng 2 lít, coi như cứu sống bà con trong tình thế oái oăm đó.

Nhiều ngư dân qua đây trú bão, thiếu nước, thiếu thức ăn, thậm chí bị tai nạn, ốm đau như trường hợp vừa nói... đều được các anh tận tình tiếp đón, chăm sóc.

"Sau này, tôi có nhắc anh em ghi lại một số trường hợp ngư dân bị tai nạn, ốm đau được Nhà giàn giúp đỡ. Đó là ngư dân Bùi Văn Bé, tàu QNG 9579 ngày 18.3.2010; ngư dân Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Sơn quê Long Hải, Phú Quý ngày 23.04.2010; ngư dân Đinh Quang Hiếu, tàu FY 905411 quê ở Phường 6, TP.Tuy Hòa- Phú Yên..."

Nhiều lúc một mình, dõi ra mênh mông thăm thẳm, Trang Hải Âu bỗng giật mình: Mới đó mà đã 17 năm mặn mòi với biển...

Không nguôi đất liền

"Ừ, sao mà nguôi được niềm mong ngóng, nơi ấy là người thân, là xóm mạc, là những đứa con lớn lên thiếu vắng bàn tay cha. Tôi nhớ, có lần viết thư về cho vợ, tôi hỏi: "Em và con có khoẻ không?". Vợ tôi viết thư ra, trả lời rằng: "Em không được khoẻ, một mình mà nuôi 2 con thì làm sao mà khoẻ được."

Chao ơi, nhận lời hờn trách ấy mà tôi nhảy lên vì vui mừng: Thế là tôi đã có đứa con thứ 2 rồi. Sao mà mình vô tâm đến thế. Nhưng ở ngoài này biền biệt thế, thông tin thì chậm so với đất liền những 2, 3 tháng... Khi tôi xin nghỉ phép về thăm nhà, lúc đó con gái tôi đã biết bò".

Trang Hải Âu trầm giọng, nhớ về chuyện cũ, nhưng rồi lại hào hứng: "Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi cách biệt với đất liền đâu. Chúng tôi ở tít ngoài khơi xa nhưng lại là nơi giành được nhiều tình cảm thân thương nhất của đất liền. Chúng tôi đã được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội, lãnh đạo các tỉnh, thành, ngành, đón nhận vô vàn tình cảm, tấm lòng của đồng bào, đồng chí, đồng đội...giúp chúng tôi ngày càng yên tâm bám trụ nơi này.

Chỉ gặp nhau một lần ở Nhà giàn nhưng tôi đã có thêm rất nhiều anh em, bè bạn. Những kỷ niệm ấy khiến những người lính dạn dày như chúng tôi bỗng trở nên mềm lòng. Tôi nhớ mãi lần được nhà báo Uông Ngọc Dậu, Đài Tiếng nói Việt Nam mời về giao lưu với thính giả cả nước; nhớ món quà Thủ đô là một gói quả sấu chua được nhà văn Phong Điệp, báo Văn nghệ trẻ và nhà báo Thanh Thủy, Đài Tiếng nói Việt Nam gửi tặng các con tôi; nhớ bữa cơm đậm đà tình anh em với nhà báo Lê Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại và câu chuyện với cán bộ cốt cán của Cục lần tôi được ra thăm Thủ đô...

Và có hai lần, vâng, ít nhất là hai lần nước mắt tôi đã rơi, ấy là lần chúng tôi được đón tiếp và được xem trực tiếp Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 biểu diễn. Toàn là đồng hương, hỏi han, trò chuyện không biết đến giờ biểu diễn. Rồi lặng nghe những lời, những tiếng thân quen của bài dân ca Nghệ-Tĩnh
 "Anh ra đi đá mềm chân cứng. Em ở nhà một dạ như đồng. Dù gió bấc mưa đông em một lòng đợi bạn..." (Một lòng đợi bạn).

Tôi còn nhớ người hát bài dân ca này là ca sỹ Bích Ngọc, quê Quỳnh Lưu mà tôi đã hỏi chuyện trước đó. Đêm văn nghệ đã vui lại càng...thương. Các ca sỹ Bích Ngọc, Bích Ngà, Xuân Huyền và các diễn viên Đoàn Nghệ thuật QK4 đã khiến cho ai cũng không nén được cảm xúc khi vừa hát vừa... khóc, trong đó cũng dành riêng tặng người chỉ huy Nhà giàn- một "anh hùng" rất thầm lặng trên thềm lục địa và là người đồng hương, là tôi.

Lúc ấy dường như tôi quên mất giọt nước mắt thầm lăn xuống nghẹn ngào. Hình ảnh quê hương, cha mẹ, vợ con ùa vào tâm trí để cho nước mắt tự trào ra. Mà không chỉ có tôi như thế. Ai cũng không cầm lòng nổi. Sóng gió lúc đó dường như cũng biết nên lên tiếng to hơn, dữ dằn hơn mọi lần...

Lần thứ hai khiến tôi không thể nào ngồi yên được là lần xem chương trình "Chúng tôi là chiến sỹ" của VTV3, tình cờ gặp lại một số đồng đội ở Trung đoàn 335 Quân khu 4, Đơn vị 2 lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nơi tôi từng công tác trước khi nhận nhiệm vụ ra với biển khơi này. Nơi ấy, tôi đã từng rèn luyện, phấn đấu, từng gắn bó với mảnh đất, con người chân chất, nghèo khó nhưng vô cùng kiên gan, bền chí."

Và trào dâng đất liền lúc sẻ chia cùng đồng đội từng bát canh rau, là lúc nắm tay nhau trong cơn cuồng nộ của biển, là bức thư đọc chung, là một miền quê trong sâu thẳm mỗi trái tim người lính. " Chúng tôi vững lòng vì chúng tôi biết có đất liền ở bên, là cả dân tộc ở bên mình." Vì vậy, dù có vất vả, gian khổ thế nào, thì các anh vẫn nguyện là một phần máu thịt của DK1 anh hùng, nguyện giữ sáng con mắt giữa khơi xa của Tổ quốc.

Vẫn trong ầm ào sóng và gió biển, giọng Thiếu tá Trang Hải Âu nghe như tha thiết hơn khi tôi hỏi anh muốn nhắn nhủ gì về đất liền. Anh muốn nhờ tôi chuyển lời cảm ơn tới Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã dành cho các anh những tình cảm sâu nặng, tiếp thêm cho những người lính nhà giàn ý chí, nghị lực bám biển kiên cường. Cảm ơn những đoàn cán bộ, phóng viên, đặc biệt là những cô gái dũng cảm ra được đến nhà giàn động viên tinh thần anh em chiến sỹ.

Anh ân hận là không kịp biết số điện thoại của một ai trong Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 đã đến với nhà giàn trong thời gian qua, đã làm cho các anh nhớ lại đến giờ vẫn...rưng rưng. Và anh muốn nhờ tôi, đưa lên báo những cái tên đồng đội, đồng hương: Lê Như Hiếu (Nam Đàn), Nguyễn Trung Dũng (Tường Sơn, Anh Sơn), Đinh Trọng Tấn (Quỳnh Nghĩa- Quỳnh Lưu), Đậu Đình Phú (Ngọc Sơn- Thanh Chương), Trần Minh Hồng (Bồng Khê- Con Cuông), Hoàng Viết Tân (Diễn Thịnh- Diễn Châu), Trần Hưng Thịnh (Thanh Mai- Thanh Chương), Trần Quốc Tiến (Trung Sơn- Đô Lương), Nguyễn Trọng Hoàng (Đà Sơn- Đô Lương)...với hy vọng sẽ có những người vợ, người mẹ, người cha qua trang báo sẽ được gặp chồng, gặp con mình vẫn đang vững
vàng canh giữ biển trời Tổ quốc.

Và đất liền "hãy tin tưởng ở chúng tôi". 17 năm lăn lộn với biển khơi, còn sự gắn bó nào hơn thế. "Và tôi, đến lượt tôi nhường bước cho các đồng đội đến sau tiếp tục làm nhiệm vụ ở các đảo và các nhà giàn. Nhưng thực lòng tôi chưa muốn chia tay đồng đội, bởi tôi đã vô cùng gắn bó với biển trời Tổ quốc, nơi đây đã là quê hương - đất nước của tôi, của mọi người dân Việt".


Theo
PHẠM THUỲ VINH - VIETnamnet























Các bài mới
Các bài đã đăng