VỌNG RA BIỂN
Một thời vác đá xây Trường Sa: Quân lệnh đêm 30 tết
14:01 | 24/08/2011
Từ bao đời, các thế hệ người Việt đã nối tiếp vun bồi công sức, góp từng viên đá, mồ hôi và cả máu để xây dựng nên một Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi.
Một thời vác đá xây Trường Sa: Quân lệnh đêm 30 tết
Làm móng xây nhà trên đảo Núi Le, Trường Sa năm 1988 - Ảnh tư liệu

Ngồi nói chuyện với chúng tôi ngay sau ngày xảy ra sự kiện tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp ở khu vực thềm lục địa VN, chính ủy đơn vị Công binh M31 hải quân, thượng tá Nguyễn Viết Nhất, khẳng định VN không bị bất ngờ trước tham vọng của nước ngoài về biển đảo.

Nhiệm vụ đặc biệt

Trong ký ức mình, ông Nhất còn nhớ như in đúng 21g30 tối 30 Tết Mậu Thìn (tức ngày 16-2-1988), đơn vị M31 nhận được lệnh khẩn của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân phải điều gấp một phân đội từ Quảng Ninh vào Cam Ranh để nhận nhiệm vụ đặc biệt: tiếp tục xây dựng công trình tại Trường Sa!

Lính công binh quanh năm ở công trình, ngày tết mới được về quê. Nhưng chỉ một tiếng sau khi nhận được lệnh, đơn vị M31 đã triệu tập hội nghị cán bộ cốt cán và ngay đêm giao thừa, tất cả lãnh đạo đơn vị đang ứng trực tỏa xuống các gia đình cán bộ ở khu vực đóng quân tiếng là chúc tết, nhưng chủ yếu phổ biến nhiệm vụ, triệu tập cán bộ lên đường. Sáng mồng một tết, xe M31 đến từng nhà đón cán bộ, chiến sĩ. Ngày 15-3, sau khi chuẩn bị xong phương tiện, vật tư, thiết kế, phân đội đầu tiên của đơn vị M31 hành quân thẳng tiến về Trường Sa.

                     Đoàn M31 hành quân đi xây đảo ở Trường Sa năm 1988 - Ảnh tư liệu

Ông Nhất kể: “Thời đó mình chưa phải là lãnh đạo đơn vị, trước khi lên đường ra Trường Sa mình gộp hết tiền mua hai nồi áp suất, một tặng vợ, một tặng gia đình nhà vợ”. Lúc ấy 28 tuổi, con vừa sinh, ông Nhất nhớ lại cảm giác kỳ lạ của mình:“Cũng xác định trước có thể hi sinh, món quà trên có thể là món quà ân nghĩa cuối cùng với người ở lại”. Nhưng để giữ không khí tết thanh bình, trước khi lên đường ông chỉ nói với vợ: “Anh đi công tác xa, cố gắng chăm con”...

Khởi hành

Đại tá Vũ Tiến Quỳnh, hiện là chỉ huy trưởng đơn vị Công binh hải quân M31, hóm hỉnh nhớ lại: “Hồi đó chúng tôi phải ngồi cỡ hai ngày đến một tuần trên cái “máng lợn” thì mới đến Trường Sa”. Ông Quỳnh giải thích: công binh thời đó hay ra đảo trên tàu há mồm LTU. Tàu này không có phòng, cả trung đoàn trưởng ra đảo cũng phải tự tìm chỗ trên boong mắc võng mà nằm. Nắng chói chang, sóng tạt, mưa ầm ầm cũng cứ ở boong chịu trận.

Sống giữa hai cái sườn tàu như máng lợn nên tàu LTU chết tên là “cái máng lợn”. Thượng tá Nhất cũng nhớ: “Tàu LTU thời đó chỉ bằng tàu cỡ 30-40 tấn ngày nay. Nó vừa cõng vật liệu, lại chở cán bộ chiến sĩ nên rất chật”.

Đại tá Vũ Tiến Quỳnh nhớ lại nhiệm vụ đầu tiên của M31 là xây nhà kiên cố ở đảo Đá Lớn. Công binh được lệnh xây nhà cấp 3 bằng gỗ, lợp mái tôn. Ra đảo ai cũng biết khó khăn, nhưng với nhiều người lính, gian khó không ai nghĩ lại ghê gớm đến thế. Thượng tá Nhất nói khó nhất là khâu truyền tải. Ngày đó không có cơ giới, tất cả làm bằng tay. Đá, cát, sắt thép bê từ thuyền xuống xuồng quá truân chuyên. Có khi chiến sĩ dưới xuồng cầm được đá rồi, nhưng gặp sóng dữ cả người lẫn đá văng xuống biển.

“Ngày đó chúng tôi có loại dây nilông không chìm, khi chất xong vật liệu xuống xuồng phải lần theo dây này kéo xuồng vào đảo”. Đoạn đường này có khi dài vài cây số vì vướng bãi san hô, thuyền không thể vào sâu được. Nắng cháy, rồi cả ngày chiến đấu với nước, bàn tay người lính bạc thếch. Những chiếc dây nilông ghì kéo với sóng to gió lớn làm bàn tay họ tước cả thịt da. Điều kỳ lạ là chỉ trong 12 ngày, công binh Hải quân M31 đã dựng xong nhà cấp 3 ở Đá Lớn, bàn giao cho chiến sĩ canh giữ, thêm một lần nữa khẳng định dứt khoát chủ quyền VN ở Trường Sa.

Căng thẳng nhất là thời điểm đổ bộ tái cắm mốc và xây nhà ở đảo Cô Lin và Len Đao năm 1989.

Để bắt đầu xây đảo, đơn vị M31 cử một tổ tiền trạm ra hai đảo. Tàu HQ 668 chở đoàn đi. Ngay khi vừa xuất phát, HQ 668 đã phải neo lại giàn khoan năm ngày vì sóng quá dữ. Dự kiến tàu sẽ đi một vòng, rồi từ đảo Sinh Tồn đổ bộ nhanh vào Cô Lin và Len Đao.

Nhưng do sóng to, tàu lại nhỏ, phương tiện cũ nên HQ 668 đã đi lạc vào đảo Chữ Thập. Đến 4g sáng cùng đêm đó, tàu lại lạc vào đảo Ga Ven. HQ 668 chuyển hướng, sáng sớm thì tới Nam Yết. Trong khi HQ 668 lênh đênh trên biển thì tàu chở vật liệu lại ở Sinh Tồn. Từ Nam Yết, HQ 668 đi vòng sang Cô Lin và Len Đao, đổ bộ để triển khai tiếp tục xây dựng các công trình.

Nhiều sáng kiến đã được đưa ra, như vận chuyển bêtông ngầm dưới nước, làm giàn giáo dã chiến... để đẩy nhanh tiến độ. Có chiến sĩ đã làm cả những thanh gỗ, phủ bạt lên, trông như pháo để uy hiếp, giảm ý chí tấn công của nước ngoài. Chỉ sau ba tháng, những chiến sĩ công binh đã tự hào nối tiếp cha ông, họ đã xây nên công trình trên hai đảo Cô Lin và Len Đao.

Theo CẦM VĂN KÌNH - NGUYÊN MINH - TTO















Các bài mới
Các bài đã đăng