Cách đây khoảng 20 năm, bằng con mắt chiến lược và tầm nhìn xa trông rộng, Đô đốc Giáp Văn Cương đã cho xây dựng hệ thống nhà giàn trên biển Đông. Bởi, theo ông, càng về sau vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển sẽ càng phức tạp, và, đến lúc đó, những chiếc nhà giàn này sẽ là các cột mốc chủ quyền của chúng ta. Vậy là 20 chiếc nhà giàn DK 1 - 2 mọc lên như những vọng gác của Việt Nam giữa biển khơi mênh mông. (Hiện còn 15 chiếc do 5 chiếc đã bị giông bão quật đổ).
DK là viết tắt của chữ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. DK 1 là những nhà giàn ở vòng ngoài, xa nhất, phía bên trong gần đất liền hơn là hệ thống DK 2. Đoàn chúng tôi sẽ đến thăm nhà giàn Phúc Tần thuộc hệ thống DK 1. Chiếc này năm 1993 đã đổ một lần làm hi sinh 3 chiến sĩ. Xung quanh có thể nhìn thấy 2 chiếc nữa phía xa xa. Còn một chiếc nữa thì xa quá, chúng tôi không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Nhận nhiệm vụ canh gác cho 4 chiếc nhà giàn này là một chiếc tầu chiến của Hải quân Việt Nam. Khi đoàn còn cách nhà giàn một đoạn thì chiếc tầu chiến kia đã chạy ra "đón" chúng tôi trước. Nó chạy ngược chiều bên mạn trái tầu HQ936. Toàn bộ thủy thủ và chiến sĩ trên tầu, trang phục chỉnh tề, đứng nghiêm trang trên boong hướng về HQ936, chào theo nghi thức nhà binh.
Thêm một lần nữa chúng tôi lại thấy ngưỡng mộ các chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong việc thực hiện các nghi thức quân đội một cách hết sức nghiêm túc. Cả đoàn chúng tôi mặc áo cờ đỏ sao vàng đứng trên boong tầu vẫy chào lại các anh tíu tít.
Tầu chúng tôi thả neo cách nhà giàn một đoạn. Tầu lớn nên không thể cập mạn sát nhà giàn, do sợ va chạm có thể làm đổ nhà giàn. Tuy nhiên, chúng tôi gặp may vì thời tiết đẹp, nên chỉ huy tầu cho phép cả đoàn có thể lên 4 chuyến xuồng để tới nhà giàn thăm các anh cán bộ chiến sĩ.
Đây là lần đầu được rời tầu trên biển, cả đoàn răm rắp thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc an toàn, như mặc áo phao, đi dép nhựa quai hậu, và phải đứng nghe hướng dẫn của các cán bộ tầu HQ936 về cách thức lên xuống nhà giàn và tầu. Bởi chỉ một sơ xảy cũng có thể làm chúng tôi ngã xuống nước, hoặc gặp những chấn thương nặng.
|
Nhà giàn Phúc Tần thuộc hệ thống DK 1. Ảnh: Trần Hùng |
Chuyến xuồng 1 chuyển lãnh đạo đoàn, phóng viên và quà đi trước. Tôi đi vào bằng chuyến xuồng thứ 2, còn đội văn công và các anh em khác vào chuyến thứ 3 thứ 4.
Sóng biển làm mạn xuồng cứ bập bềnh bập bềnh, chúng tôi đứng trên mạn tầu, lựa đúng thời điểm mạn xuồng đang bị đẩy lên thì nhanh chân bước xuống mạn xuồng, rồi nhảy xuống ngồi ngoan ngoãn trên ghế băng. Nếu bước lúc mạn xuồng đang hạ xuống thì sẽ bị hụt chân ngã, hoặc bị mạn xuồng đẩy lên trở lại kẹp vào chân. Chiếc ca nô máy có nhiệm vụ kéo xuồng lượn vòng vòng khá điêu luyện để nối các đoạn dây với xuồng rồi kéo đoàn chúng tôi vào gần nhà giàn.
Sóng biển ngay sát bên chúng tôi. Nước trong và đẹp, nhưng lộn cổ xuống thì chưa biết thế nào vì dòng biển chảy khá mạnh. Từ xa nhìn lên nhà giàn, các anh chiến sĩ trên nhà giàn đã đứng đợi sẵn, miệng cười tươi rói. Đáng ra các anh đã được tiếp đoàn cán bộ của 54 dân tộc đến thăm. Nhưng không may đúng hôm đó biển động, không thể hạ xuồng xuống biển được, nên anh em đành ngậm ngùi đứng nhìn nhau.
Chiếc nhà giàn như một chiếc tổ chim đứng trên 4 chiếc trụ sắt, phía bên trên diện tích chỉ có mấy chục mét vuông. Xuồng cập vào chân nhà giàn, sóng vỗ ì oạp. Những chiếc trụ nhà giàn bám đầy những con hà cạnh sắc lẹm cứ cọ qua cọ lại vào thành xuồng.
Từ mặt biển lên nhà giàn là một chiếc cầu thang dài khoảng 4 mét, và chúng tôi lại thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc lên xuống xuồng. Chúng tôi đứng 1 chân lên thành xuồng, chọn đúng thời điểm xuồng bị sóng nâng lên thì nhanh chóng chộp vào thang, rồi bước ngay chân lên. Những nụ cười và lời chào hỏi rộn rã phía trên như thể một sự hối thúc, khiến chúng tôi leo lên cầu thang nhoay nhoáy. Chỉ muốn lên thật nhanh để bắt tay các anh.
Các anh cũng nhận ra tôi là giáo sư Xoay nên bắt tay chặt lắm. Có anh quan tâm còn hỏi: "Giáo sư không ở nhà làm "Hỏi xoáy Đáp xoay" thì thứ Bẩy này tôi xem cái gì?" Các anh đâu có biết là trước khi đi tôi đã quay một mạch mấy số làm "lương khô". Phát vô tư, lo quái gì!
Tôi hăm hở chạy lên những bậc thang sắt dẫn lên những khu nhà phía trên. Chắc chỉ rộng khoảng mấy chục mét vuông mà thôi. Tôi sục từ phòng này sang phòng nọ để tìm xem mấy cây guitar quà tặng đâu: tôi phải lên dây đàn lại để còn chơi phục vụ các anh mà. Chạy qua phòng của chỉ huy, thấy anh Nam già đang ngồi ngó ngó nghiêng nghiêng chồng sách và chiếc mũ hải quân. Chắc lại định chụp ảnh đây, tôi thoáng nghĩ.
Lên dây đàn xong, tôi bước vào phòng họp. Câu chuyện giữa lãnh đạo đoàn và lãnh đạo nhà giàn cũng vừa mới bắt đầu. Sau phần chào đón đoàn của anh Trang Hải Âu - chỉ huy nhà giàn, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng có phần thân mật hơn.
Chia sẻ những khó khăn, anh Âu kể anh đã có mặt trên nhà giàn này 17 năm trời. Mỗi năm chỉ có mấy tháng trời yên biển lặng, còn đâu là bão là giông. Có những trận bão mạnh, nhà giàn rung lên bần bật. Thường thì bão to quá các anh sẽ phải xuống tầu. Nhưng một chiếc tầu phải lo cho cả 4 cái nhà giàn, chẳng may lại lúc đêm hôm thì mọi việc không hề đơn giản tí nào.
Mỗi một anh ở đây, ngoài là một cán bộ chiến sĩ nhà giàn, cũng có đầy đủ những trách nhiệm của người chồng, người cha, người con..., cũng như bao người đàn ông khác. Nhưng, với họ, thực hiện những trách nhiệm đó quả là vô cùng khó khăn. Có anh nghe tin mẹ mất mà không thể về chịu tang, mấy tháng sau mới có thể về được. Có anh thì vợ sinh con xong bị hậu sản mất, con thì nằm trong lồng kính mấy tháng trời, mà cũng không thể về được. Đêm nào cũng thắp hương cúng vong...
Nghe những câu chuyện đó, mấy cô gái trong đoàn chúng tôi đã bật khóc lúc nào không hay.
Cây đàn trên tay tôi như thể vô duyên trong cái không khí trầm lắng đó. Cả phòng cứ lặng đi.
Tôi đánh liều phá vỡ bầu không khí đó: "Anh em mình hát một bài đi ạ".
Lau vội những giọt nước mắt, chúng tôi cùng các anh vỗ tay hát vang: "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ơi, vì nhân dân quên mình...".
Anh Trang Hải Âu kể thêm những câu chuyện về những con tầu của ngư dân gặp nạn, lương thực hết mà dầu cũng hết, dạt vào gần nhà giàn. Gặp các anh mà mừng quýnh, quỳ sụp cả xuống mà khóc cảm ơn trời.
Các anh lại chia gạo, chia nước ngọt, chia dầu cho họ, rồi hỏi tầu còn gì ăn. Họ bảo chỉ còn cá. Thế là các anh lại chạy lên mấy cái hộp đất trồng rau vặt cho một ít đem cho.
Những thứ đơn giản như gạo, nước, rau... ở đất liền thì dễ kiếm, chứ giữa biển khơi thì đó đồng nghĩa với sự sống vô giá, nên được chắn chiu và sử dụng rất tiết kiệm. Có lẽ chính vì quý như vậy nên nó mới thường xuyên được các anh đem sẻ chia với đồng bào mình trong cơn bĩ cực.
Anh Âu tự hào nói: "Chúng tôi phải khẳng định rằng nhà giàn đã thắng lợi, vì càng ngày tôi thấy tầu cá của ngư dân mình ra đây đánh bắt càng nhiều. Chừng nào còn chúng tôi ở đây thì bà con cứ yên tâm mà ra đánh cá".
Một lời hứa chắc nịch của những người chấn giữ nơi đầu sóng ngọn gió đó đã khiến chúng tôi chợt cảm thấy mình sao mà nhỏ bé với những toan tính thường nhật.
Câu chuyện đến đó thì cũng là lúc đoàn nghệ thuật Quân khu 4 lên đến nhà giàn. Trong khi chị Bích Ngọc, với những bài dân ca ngọt ngào, đang đem cả quê hương nơi đất liền đến với nhà giàn, tôi tranh thủ đi loanh quanh thăm những vườn rau và hệ thống điện mặt trời, điện gió của các anh.
Từ trên cao nhìn xuống mặt biển xanh trong, và đặc biệt là rất nhiều cá. Dòng nước xoáy vào chân nhà giàn đã vô tình làm giầu ô xy cho vùng nước đó, nên cá tập trung lại bơi ngược dòng chảy. Nhìn từ trên cao chúng như một đám mạ mới cấy vậy.
Mấy anh em trong đoàn tranh thủ quăng dây câu xuống giật. Mấy chiến sĩ của nhà giàn đứng nhìn, mắt nheo nheo, còn miệng cứ tủm tỉm. Cứ chắc mẩm các anh lạ mắt với màn câu cá...
Đến khi tôi hỏi các anh không bắt cá dưới kia à, thì mới hay mấy con cá nhỏ đó thi thoảng các anh chỉ bắt lên băm nhỏ làm phân bón rau thôi. Còn khái niệm cá để ăn thì các anh phải câu toàn cá thu trên chục cân. Mới hôm qua các anh câu được một con to lắm, ăn chưa hết.
Anh em trong đoàn chỉ còn biết lắc đầu lè lưỡi.
Thông thường các đoàn đến nhà giàn chỉ được cử đại diện vào, nhưng tầu chúng tôi là tầu đầu tiên đưa được toàn bộ hơn 100 người vào nhà giàn. Cũng chính sự đông vui này mà chúng tôi cứ hết tốp nọ đến tốp kia quyến luyến mãi. Hoàng hôn ập xuống lúc nào không hay.
Hoàng hôn trên biển, ngoài đẹp và lãng mạn ra, thường kèm theo sóng to gió lớn. Những chiếc xuồng dưới chân nhà giàn vùng vằng như con ngựa bất kham, khiến việc về tầu khó khăn hơn rất nhiều.
Tôi về chuyến xuồng thứ 3, khi trời đã xâm xẩm tối. Đợi cho cả đoàn xuống hết được xuồng thì chiếc xuồng đã mấy chục lần va đập vào chân nhà giàn, có phen tưởng bị lật. Nói dại chứ lật xuồng giữa dòng chảy xiết khi nhá nhem tối này thì có giời mà vớt.
Những cơn sóng lúc này có khi cao cả mét. Chị em ai mà thần kinh yếu thì được khuyến cáo là leo thang không được nhìn xuống kẻo khiếp quá mà rơi xuống biển. Để giải quyết vấn đề run sợ dễ gây nguy hiểm khi lên xuống không dứt khoát của chị em, mấy anh lính bèn bế xốc luôn từng người một từ trên thang xuống xuồng. Chiếc ca nô ì ạch kéo chiếc xuống lách qua những cơn sóng cao để đưa chúng tôi về tầu.
Chuyến xuồng cuối cùng thực sự nguy hiểm. Chúng tôi đứng trên tầu HQ936 cứ dõi mắt về hướng chiếc xuồng. Trời tối rất nhanh và sóng biển dữ dội hơn rất nhiều.
Cá nhân tôi lại càng lo hơn, vì chuyến xuồng này có anh Nam già. Chả là trước khi đi, vợ anh ấy đã dặn dò tôi phải trông chừng anh ấy. Chị biết chồng chị tính nghịch ngợm và thích cảm giác mạnh.
Chiếc tầu quân sự trông coi nhà giàn này, dường như cũng nhận ra sự nguy hiểm của đêm đen đang đến, đã chạy lại và bật đèn pha soi cho chiếc xuồng này chạy về HQ 936.
Xuồng cuối cùng cũng cập mạn tầu. Anh chị em nhao nhao cả lên.
Đến lúc mọi người đã an vị trên tầu, thủy thủ đoàn mới thở phào bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên bọn anh liều đến vậy. Chứ thông thường chuyến xuồng như vừa rồi là bị cấm không được đi, vì nó quá bất trắc."
Thế mới biết đoàn chúng tôi đã may mắn thế nào.
Lễ tưởng niệm các anh chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình công tác tại nhà giàn diễn ra sau đó ít phút trên boong tầng 2. Khói hương nghi ngút và những lời tưởng niệm sự hy sinh của các anh được Đại tá Nguyễn Đăng Nghiêm kể lại, đôi lúc giọng anh nghẹn lại.
Có anh khi cơn bão ập đến không xuống tầu ở lại bảo vệ nhà giàn, nhà giàn bị sóng gió quật đổ, anh chỉ kịp gửi lời vĩnh biệt qua bộ đàm về đất liền. Có anh thì nhường cho chiến sĩ trẻ áo phao và thức ăn, còn mình thì mãi hòa vào sóng nước...
Chúng tôi đứng giữa biển trời nơi các anh ngã xuống, cảm thấy những cơn gió biển thổi nhè nhẹ như mang các anh về đâu đây. Chiếc HQ936 rúc lên 3 hồi còi vang vọng cả một vùng, thay chúng tôi gọi các anh.
Chúng tôi xếp hàng thắp hương lên chiếc vòng hoa, và mỗi người cầm một bông hoa để thả xuống biển. Thật kỳ lạ, chỉ ít phút trước biển dữ dội là vậy, thế mà giờ chợt lặng sóng và thật êm đềm. Chiếc vòng hoa tưởng niệm thả xuống trôi nhẹ dần vào khoảng biển tối đen phía xa tầu. Chúng tôi thả cả gạo, cả muối, rồi cả bia, nước ngọt và thuốc lá xuống biển cho các anh. Những tờ tiền, vàng mã cũng được thả xuống...
Chúng tôi chẳng ai nói với ai. Tất cả cứ đứng bên mạn tầu nhìn về khoảng biển tối đen phía trước. Biển thật khó hiểu! Lúc thì dữ dội điên cuồng, lúc thì lại bình yên đến lạ.
Cầu cho hương hồn các anh yên nghỉ giữa biển trời đất nước, quê hương!
Theo Đinh Tiến Dũng - Vietnamnet
|