Rời đảo Đá Lát, tầu HQ936 nhằm hướng Trường Sa Lớn thẳng tiến. Quá trưa một chút, đảo Trường Sa Lớn hiện ra trước mắt chúng tôi với những tán cây xanh mướt xung quanh đảo và những chiếc cánh quạt của hệ thống máy phát điện nhờ sức gió. Giữa một mầu xanh biếc của biển khơi, Trường Sa Lớn như một viên ngọc lục bảo với cuộc sống nhộn nhịp như bất kỳ một thị trấn nào đó trên bờ. Một chiếc trực thăng bất ngờ cất cánh sau một rặng cây trên đảo, và lượn vài vòng trên trời, lượn cả qua tầu chúng tôi như một chú chuồn chuồn ngô vui tính, trước khi lại quay về, và "biến mất" sau rặng cây. Chắc đây là nghi thức chào đón của cán bộ chiến sỹ trên đảo. Khác với mấy lần trước lên đảo bằng xuồng, Trường Sa Lớn có cầu cảng hẳn hoi nên cả đoàn cũng được dịp chứng kiến kỹ năng "ghép" tầu vào bến điêu luyện của thủy thủ đoàn. Tiếng loa chỉ huy của thuyền trưởng oang oang, và được các ê kíp thực hiện răm rắp và chuyên nghiệp. Chiếc tầu 2000 tấn được giảm tốc và từ từ cập mạn trái vào cầu cảng. Một chiếc dây cáp phía đuôi tầu được quăng lên bờ, và mấy chiến sỹ nhanh chóng buộc lại vào các trụ sắt. Theo quán tính và lực níu của chiếc dây này, chiếc tầu nhẹ nhàng cập vào cầu cảng, và các sợi dây khác được tung lên bờ để neo tầu lại. Trên cầu tầu, các chiến sỹ hải quân và lãnh đạo đảo đang đứng chờ với nụ cười rạng rỡ. Trên tầu, đoàn chúng tôi cũng dồn sang mạn trái đứng nhìn các anh, và tươi cười hân hoan không kém. Quá trình cập bến của tầu khoảng 5 phút nên cả hai bên cứ đứng nhìn nhau, mắt nói, miệng cười. Tất cả cùng ngóng chờ chiếc cầu thang bằng sắt dài được hạ xuống cầu cảng. Dù rất nóng lòng được xuống đảo ngay, nhưng chúng tôi vẫn phải sắp đội hình cẩn thận. (Đoàn công tác chứ đùa đâu.) Lãnh đạo đoàn đi xuống trước để lãnh đạo đảo đón chào, sau đó là đến lượt anh em trên tầu ùn ùn kéo xuống bắt tay chào hỏi. Anh em trên đảo cũng xăng xái nhảy xuống tầu khuân hộ đồ đạc lên bờ cho chúng t Tôi được giao nhiệm vụ vác cây đàn guitar lên bờ. Tuy nhiên, xuống đến cầu cảng thì các chiến sỹ nhận ra tôi là giáo sư Xoay, nên đành chuyển sang phần chụp ảnh cùng chiến sỹ. Chiếc đàn đành phải giao lại cho anh Ngọc VQ xách vào đảo hộ. Đến chiếc cầu nối vào cổng đảo, chúng tôi rất ngạc nhiên khi có 2 chiếc chậu thau nước sạch, xà phòng và khăn mặt để tại đó. Tôi vừa đứng lại rửa tay cẩn thận như các bé mẫu giáo, vừa tranh thủ hỏi một chú lính bên cạnh là vì sao đảo mình có cái quy định hay thế. Hoá ra, đây là một quy định bất thành văn của đảo khi đón khách quý. Hệt như ở nhà mình, bao giờ cũng dành những gì tốt đẹp, quý giá để tiếp khách. Ở đảo thì nước ngọt là quý nhất, nên đảo đón đoàn bằng 2 chậu nước ngọt. Hay thật, tôi bật cười, và lấy tay vục một vục nước nhỏ ấp vào mặt. Vả lại, mùa này trên đảo sẵn nước ngọt nên tôi cho phép mình cũng "tham lam" thêm một tí tình cảm của đảo chắc cũng chẳng sao. (Tầu HQ936 chở đi 1000 tần nước ngọt cấp cho đảo mà đảo nào cũng đầy bể nước rồi nên lại ì ạch chở về). Đoàn chiến sỹ và nhân dân trên đảo xếp hàng dài chào đón đoàn. Các cháu bé có lẽ cũng khá quen với việc có khách đến chơi nên khá dạn dĩ, và tự nhiên khi trò chuyện cùng chúng tôi. Băng qua sân bay, chúng tôi đến khu trung tâm của đảo, nơi đặt cột mốc chủ quyền Việt Nam. Cả đoàn có lẽ ai cũng cảm nhận được khoảnh khắc thiêng liêng đó, đứng ngắm hồi lâu, và, đương nhiên, không quên làm vài tấm ảnh kỷ niệm. Lãnh đạo đảo lại mời cả đoàn vào hội trường lớn để bắt đầu các thủ tục phát biểu chào mừng, trao quà, tặng hoa, chụp ảnh... Tôi cũng lững thững đi theo. Đang đi lại thấy mấy anh lính đảo đang ngồi nghỉ trong phòng. Thế là tạt ngang phi vào xin chén nước trà, kệ đoàn. Ngồi khề khà uống nước, chúng tôi vừa hỏi han tên tuổi, quê quán và giới thiệu công tác của nhau. Bỗng tôi ngó thấy có cái đàn guitar treo bên góc nhà. Hỏi ra mới biết đàn được đất liền tặng, nhưng chẳng ai biết chơi cả, vẫn mới nguyên. Chết thật, thế có phí của không chứ!. Tôi lấy cây đàn ra, chỉnh lại dây sau đó triệu tập cả phòng lại để dạy chơi đàn cấp tốc. Chúng tôi xé một chiếc hộp bánh bằng bìa các tông ra để ghi chép, tôi bắt đầu hướng dẫn cách so dây đàn thế nào rồi vẽ sơ đồ lại. Sau đó vẽ sơ đồ và ký hiệu của một vài hợp âm phổ biến. Sau phần "lý thuyết", tôi quyết định dạy luôn cách đệm hai bài hát, một bài cung trưởng, một bài cung thứ để cho anh em quen tay, quen tai và sẽ tự mò ra cách đệm các bài khác. Đó là cách tôi học đệm đàn hồi còn sinh viên. Hỏi anh em thích bài hát gì, anh em bảo bài nào cũng thích. Tôi lại hỏi ra đảo nhớ gì nhất, mấy anh em bảo nhớ mẹ và nhớ quê. Tôi quyết định dạy luôn cách đệm hai bài "Bèo dạt mây trôi" và "Huyền thoại mẹ". Anh em hào hứng lắm. Sau một hồi hí hoáy ghi chép và hướng dẫn cách đệm, anh em cũng bắt đầu thực hành, người khá nhất đã đệm được cả một đoạn đầu bài hát dù tiếng đàn vẫn "câm", hoặc rè do tay bấm chưa quen. Thấy có "hiệu quả" tức thì, anh em phấn khởi lắm. Hi vọng cái sự phấn khởi này sẽ cung cấp cảm hứng giúp anh em làm chủ cây đàn cho vui cửa vui nhà. Tạm biệt anh em, tôi nói bâng quơ: "Để hôm nào anh ra anh mang cho các chú mấy quyển Tự học guitar". Nhưng hôm nào là hôm nào nhể? Chắc là năm sau vậy. Tôi về lại trung tâm đảo. Lúc này cả đoàn đã rời hội trường và đang chuyển sang thăm chùa, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, và các hộ dân sinh sống trên đảo. Trường Sa Lớn cũng có đầy đủ các công trình dân dụng như một thị trấn trên bờ, nên có cách xa bờ cả trăm hải lý mà sao chúng tôi thấy vẫn gần gũi và quen thuộc lắm. Trong khi một số anh em lén trốn đi tắm, tôi lang thang ngắm nghía xung quanh. Mầu xanh của đảo được tạo nên bởi khá nhiều loại cây, và chủ yếu là cây bàng vuông với những quả to như vốc tay và hình dáng như một chiếc đèn lồng hình con thoi nho nhỏ. Những tán cây vừa như một tấm áo lính xanh mát khoác lên mình đảo, vừa khéo léo che đi những khí tài quân sự lấp ló đâu đó. Trên đảo, ngoài con người ra, còn có sự hiện diện của khá nhiều vật nuôi khác. Đám cún trên đảo, có vẻ như cũng quen với việc có người lạ đến chơi, tỏ ra khá thân thiện, dù nhìn mặt con nào cũng dữ dằn. Loanh quanh một hồi, tôi đã "điểm danh" và vuốt ve hết cả đám. Đúng là trên bờ, hay ngoài đảo, các chú cún cũng đều thích được vuốt ve và gãi cổ. Chú nào mắt cũng lim dim đung đưa cái đuôi ra chiều rất ưng bụng. Mấy anh em lính đảo còn tranh thủ cho các chú cún biểu diễn một số "kỹ năng" đã được huấn luyện như "bắt tay", nằm, ngồi, bò... Chú nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh và rất vui vẻ. Trước khi ra đảo, tôi được nghe rằng ngoài đảo có nuôi bò, và bò ở đây thiếu ăn đến mức phải ăn cả bìa cát tông. Đi loanh quanh thẩm tra mà không thấy gì, tôi chỉ phát hiện được một "cô" lợn xề to như con bê con đang lúi húi... gặm cỏ ở gần đường băng sân bay. Thú vị nhất có lẽ là đàn vịt. Thông thường trên bờ thì người chăn vịt đi sau đàn vịt và dùng sào dài điều khiển hướng đi cho chúng, nhưng ngoài đảo thì một chiến sỹ đi trước, cả đàn vịt tíu tít chạy theo sau đòi ăn rất ngộ nghĩnh. Cao hứng, tôi phi ra đường băng sút vài phát bóng với các chiến sỹ cho vui. Được lúc thì vã mồ hôi, sợ mệt tối không hát được, tôi lại tạt vào khu doanh trại của mấy anh em không quân. Đang ngồi tán chuyện tào lao trên giời dưới biển, bất ngờ, "Nhà Chung cư" Đào Tiến đi ngang qua, và nhờ tôi đệm đàn cho bài hát anh mới sáng tác gửi tặng lính đảo. Tập xong, tôi mới chợt nghĩ, đất liền luôn hướng về đảo xa, nhưng không biết đảo xa gửi tình cảm gì về đất liền nhỉ? Chắc là nhiều lắm. Tôi ngẫm lại những câu chuyện, những gương mặt lính đảo đã gặp mấy ngày qua, và, bất chợt, những tứ nhạc chạy qua trong đầu. Tôi lặng lẽ xách guitar ra một góc đảo vắng và bắt đầu viết vội một bài hát gửi tặng các anh. Khi hoàng hôn trên Trường Sa Lớn chuyển từ ánh vàng sang tím, thì cũng là lúc bài hát "Tình đảo xa" của tôi cũng đã viết xong. (Ban đầu tôi đặt là "Lời trái tim nơi đảo xa", sau thấy dài quá nên đổi lại.) Tuấn Côn Đảo từ đâu "dạt" về, và tôi tranh thủ hát luôn bài hát mới viết cho Tuấn thẩm định. Vẫn với cái giọng xứ Nghệ, lão họa sỹ gật gù: "Tau nghị là được, hay ấy chớ". Thế là tôi thấy tự tin hẳn lên. Xách đàn rủ lão ấy phăm phăm tiến vào trung tâm đảo. Trên đường đi, thấy anh em chiến sỹ ở trong khu doanh trại í ới gọi vào chơi. Chén trà đặc uống khi chiều tối nên đậm đà hơn hẳn, Tuấn Côn Đảo làm điếu thuốc lào và lim dim buông vội mấy câu đầy cảm thán gì đó, tôi chẳng kịp nghe. Chỉ thấy nói xong lão ngồi cười khanh khách một mình. Chắc say thuốc rồi. Hỏi han một hồi, Tuấn Côn Đảo tìm được 1 đồng hương ngày trước ở gần trường cấp 3 lão học, rồi lại tìm được một chú lính có vợ con đang sống ở Đà Nẵng giống lão. Có vẻ khoái trá lắm. Chúng tôi la cà ở đó đến khi loa của ban tổ chức gọi về ăn cơm. Thức ăn tươi trên đảo vô cùng quý. Có lẽ vì thế mà lính đảo chế biến cũng vô cùng cẩn thận. Ở nơi cách đất liền vài trăm cây số mà chúng tôi được ăn một bát tiết canh, ngon không thể tả được. Tiếp tới đương nhiên là các phần chúc rượu làm quen, bắt tay, lưu số điện thoại của nhau. Anh Nam già sau mấy hôm ngất ngây, hết say sóng đến say rượu, đã khôn lỏi chơi bài trốn không dự tiệc, và chạy xuống doanh trại ăn cơm với chiến sỹ. Vừa được tiếng thâm nhập thực tế, vừa tránh được mấy chục ly vodka khé cổ - cao tay thế còn gì. Ai dè các chiến sỹ cũng "găm" sẵn mấy chai rượu quê ở phòng. Thấy có khách quý xuống chơi, lập tức họ đem ra đãi khách, mỗi anh chúc một chén rồi ca hát tưng bừng. Thành thử lúc xong bữa, anh Nam cũng đi hình chữ chi, cũng nghêu ngao hát như ai. Sân khấu đã sẵn sàng cho phần giao lưu, nhưng bữa tiệc chiêu đãi thì có vẻ vẫn chưa muốn kết thúc. Anh em trong ban nhạc Dao Phay lặng lẽ ra chuẩn bị nhạc cụ cho đêm ca nhạc. Sẵn trong người đang có tí men lâng lâng, tôi thử đàn thử mic bằng cách ôm đàn hát luôn một serie mấy bài liền. Một công đôi việc, vừa thử âm thanh, vừa thay cho lời mời gọi. Y như rằng các chiến sỹ quanh đảo thấy có tiếng đàn tiếng hát, tưởng chương trình đã bắt đầu nên cũng lần lượt kéo về. Các bác đang "dô" ở bàn tiệc sân trong thấy tiếng đàn tiếng hát cũng hốt hoảng tưởng chương trình đã bắt đầu mà không đợi thủ trưởng nên cũng phải nhanh chóng "thu xếp" để ra dự. Đêm diễn không ngờ lại bắt đầu hết sức đúng giờ. Xác định là các bài về biển về đảo thì lính ta nghe nhiều rồi, chúng tôi quyết định chơi toàn các bài nhạc trẻ, tình yêu tươi mới, tiết tấu sôi động phục vụ chiến sỹ. Các chiến sỹ cũng chẳng chịu ngồi yên, ngay lập tức nhảy lên sân khấu thành lập nhóm nhảy phụ họa, mỗi anh một kiểu vô cùng đa dạng phong phú. Đang cơn hăng, chúng tôi làm liên khúc mấy bài liền để anh em chiến sỹ nhẩy đã đời thì thôi. NSƯT Xuân Huyền hôm đó là MC cứ ra giật giật, nháy nháy làm hiệu cho tôi mãi. Cuối cùng, tôi cũng nhận ra, và anh em chúng tôi mới tạm nghỉ để nhường sân khấu cho các tiết mục khác. Các ca khúc quê hương sâu lắng được các chị văn công QK4, và các chị em trong đoàn biểu diễn xen kẽ những phần sôi động ồn ào, khiến cho tất cả chúng tôi có mặt ở đó đều thấy cảm thấy mình như đang ngồi trên những miền quê yên ả thanh bình nào đó chứ chẳng phải nơi đảo xa đầu sóng ngọn gió này. Cao hứng, tôi phi lên "giật" micro, và hát tặng bài hát mới viết lúc chiều. Trơ mặt trên sân khấu bao năm, mà lúc đó tôi lại thấy hồi hộp quá, mất mấy câu đầu quên quên nhớ nhớ phải hát lại. Song khi cảm xúc đã nhập vào bài hát, tôi hát liền một lèo và có cảm giác như mình là một người lính đang gửi những nhớ thương của mình về với quê xa vậy. Thực ra bài hát của tôi cũng không có gì đặc sắc, nhưng chắc thấy tôi là "giáo sư" Xoay chuyên trả lời mà nay biết sáng tác ca khúc nên các chiến sỹ cũng ưu ái lắm. Hết bài, những tràng pháo tay rộn rã, một số chiến sỹ cao hứng lấy vội những cành cây gần đó đem lên tặng tôi thay hoa. Với tôi thì khoảnh khắc này chắc sẽ nhớ mãi, khoảnh khắc cầm đàn đứng bên cột mốc chủ quyền Việt Nam dưới bầu trời đêm trong veo đầy sao mà hát đi hát lại câu hát: "Biển trời này là của chúng ta", trong nhịp vỗ tay của anh em lính đảo. Tôi thấy mình may mắn quá. Ngẫm ra đời chơi nhạc, chắc dễ mấy ai có được phút giây này. Cuộc chơi của tuổi trẻ nên thời gian dành cho phần sâu lắng cũng vừa phải, sân khấu ngay sau đó lại rộn rã các tiết tấu sôi động. Các cô ca sỹ hát đi hát lại lạc cả giọng mà vẫn hát tiếp để được nhảy cùng các chiến sỹ. Ban nhạc cũng cao hứng quá, vứt hết nhạc cụ sang một bên, nhường phần đệm nhạc cho anh Hồng Kỳ để lao vào hát hò tưng bừng. Tất cả chúng tôi dường như chẳng ai còn quan tâm đến thời gian nữa. Anh Nam già, vốn được coi là "hạt nhân" văn nghệ bao năm nay ở FPT, mà lúc này đây lại chịu phận "lép" ở phía dưới, nên có vẻ khó chịu lắm. Cộng với chút "nhuệ khí" nhờ rượu quê trong bữa tối với các chiến sỹ, anh cũng lao lên sân khấu và giật micro hát liền một lúc 4 bài. Các ca sỹ và ban tổ chức đang mệt lử nên cũng chẳng hơi đâu mà ra hát tranh với anh, mặc kệ anh muốn hát gì thì hát. Đến lúc chính anh Nam cũng mệt và có nguy cơ đứt giọng ngay trên sân khấu thì, may thay, trời Trường Sa Lớn ào ào đổ mưa. Anh Nam vội vàng trả mic lại cho MC rồi phi vào một tán cây để ngồi thở. Thấy mưa to quá, sợ xảy ra chập điện hoặc nổ bóng đèn, Ban tổ chức vội vã tuyên bố kết thúc chương trình để còn lấy bạt che chắn và thu dọn đồ đạc. Đúng 5 phút sau, trời tạnh mưa, và sao lại giăng kín trời như chưa hề có trận mưa vừa rồi. Nhìn đồng hồ, cũng đúng 23h đêm. Kể ra mưa ở Trường Sa Lớn cũng tuân thủ kỷ luật giờ giấc phết, đến giờ ngủ là "giải tán" đám đông ngay. Sự "chuẩn xác" đó khiến tôi sinh nghi, trước lúc về tầu, tôi đi quanh sân khấu ngó xem vừa rồi là mưa thật, hay có đồng chí trực ban nào lấy máy bơm phun nước giải tán chương trình, nhưng mà chẳng thấy ai. Anh Nam cũng lững thững rời tán cây. Giọng khản đặc, nhưng vẫn cố khoe khoang rằng nếu không mưa anh sẽ hát mấy bài nữa...
|