VỌNG RA BIỂN
Tránh bão ở Trường Sa
10:55 | 28/09/2011
Trường Sa ngày hôm qua 26-9 biển động dữ dội. Những cột sóng cao quất mạnh vào đảo, đất trời mù mịt. Hàng chục tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương, thuyền câu mực của ngư dân tức tốc di chuyển vào khu vực lòng hồ đảo Đá Tây để tránh bão.
Tránh bão ở Trường Sa
Chiến sĩ đảo Đá Tây cố gắng neo thuyền tránh sóng bão lớn - Ảnh: Tấn Vũ
Bão biển dữ dội

5g sáng, đảo Đá Tây biển vẫn xanh ngắt nhưng chỉ vài giờ sau đất trời bỗng dưng mù mịt, mây đen vần vũ sà thấp kèm theo mưa to, gió giật liên hồi. Mặt biển dậy sóng. Hàng loạt tàu thuyền neo đậu cách đảo chỉ 1 hải lý nhưng chìm trong mù mịt. Mưa mỗi lúc một to, mặt biển tối sầm, tầm nhìn ngắn dần, khoảng 30 phút sau cách nhau chừng 10m không còn nhận dạng được mục tiêu.

Đảo trưởng đảo Đá Tây, trung úy Phùng Mạnh Dũng trực tiếp theo dõi qua rađa và dùng ICOM chỉ huy ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng luồng lạch tránh gió. Nhiều tàu thuyền ngư dân Phú Yên chạy đến buộc thẳng vào sau đuôi tàu Trường Sa 21 thuộc lữ đoàn 125 Quân chủng hải quân đang làm nhiệm vụ chở đá cho chương trình Góp đá xây Trường Sa đang thả neo trong hồ.

Với lực giãn nước trên 2.500 tấn, tàu Trường Sa 21 giờ đây vừa là phao nổi, vừa là bình phong che chắn cho năm chiếc tàu gỗ đánh cá ngừ của ngư dân cùng tránh gió. Những cột sóng quất qua, tàu vận tải ngàn tấn chao nghiêng, còn những chiếc tàu gỗ ngư dân giống như những chiếc lá bị nhấc tung trên mặt nước rồi nhấn xuống mặt biển. Các chiến sĩ cho biết nếu điểm tựa không chắc, sóng và gió có thể thổi tung những chiếc tàu cá lên đảo hoặc đánh chìm bất cứ lúc nào. Nhiều tàu thuyền khác thả neo tập thể cùng nhau kết thành bè để tránh sóng gió nhấn chìm.

Ngay bên dưới chân đảo Đá Tây, hàng chục công binh của khung xây dựng đảo thuộc trung đoàn 131 Quân chủng hải quân phải dầm mình trong mưa vật lộn cùng sóng gió để cột các xuồng vận chuyển vào nhau tránh sóng vùi. Gần nửa giờ vật lộn với sóng, năm xuồng vận tải nhỏ và bốn xuồng kéo được neo cột an toàn. Trên đảo, toàn bộ các ô cửa của nhà công vụ được đóng kín để tránh gió thốc vào tàn phá. Gió rít và những con sóng cao theo thủy triều đánh ập vào tầng hai của ngôi nhà trên đảo.

Đảo trưởng Phùng Mạnh Dũng, người nhiều năm làm nhiệm vụ ở Trường Sa, cho biết bão biển lúc nào cũng mạnh hơn và hung dữ hơn đất liền rất nhiều, đặc biệt là những con sóng gặp lúc thủy triều cao sức tàn phá rất khủng khiếp. Sáng qua, thủy triều cao nhất tại đảo Đá Tây là 1,7m, kết hợp với gió mạnh nên đã hình thành những con sóng to như vậy.

Ngôi nhà Đá Tây

Đại úy Hoàng Xuân Dũng, chính trị viên của đảo Đá Tây, cho biết ở đây ngư dân và hải quân đều gọi khu vực bãi cạn của đảo Đá Tây là hồ. Không giống như hồ nước của đất liền, hồ ở đây không có bờ mà chỉ là một bãi cạn hình thành từ miệng núi lửa và san hô nên mặt nước liền kề với mặt biển. Diện tích hồ khá rộng: dài 10km, rộng khoảng 7km và độ sâu rất lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu, kể cả tàu hàng ngàn tấn cũng có thể thả neo. Đặc biệt, do mặt hồ cạn nên sóng trong hồ lúc nào cũng thấp hơn mặt biển. Vì vậy ngư dân hay về đây khi có bão. “Hồ Đá Tây được ngư dân coi là khu vực trú gió bão tốt ở Trường Sa. Lúc nhiều nhất có đến hơn 60 tàu thuyền với hàng trăm ngư dân trú ngụ trong ao” - đại úy Dũng nói (các anh thường gọi đây là ao).

Sát nhà công vụ của hải quân là cả một khu dịch vụ hậu cần nghề cá dành cho ngư dân đánh bắt tại Trường Sa. Ngư dân có thể vào đây tránh bão, vừa tiếp dầu, lương thực với giá cả bằng đất liền. Nếu tàu hỏng hóc, tại đây có hẳn một đội ngũ nhân viên sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho ngư dân.

Trưa qua, ngay khi dông gió vừa dứt, thuyền trưởng tàu Trường Sa 21, đại úy Nguyễn Tiến Dũng đã cho chuyển một ít thực phẩm và nước ngọt ứng cứu cho các tàu của ngư dân Phú Yên đang trú sát tàu hải quân. Trong khi đó, hải quân cho thuyền cao tốc vượt sóng ra neo và cột toàn bộ những lồng cá của Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đang nuôi tại đây trước nguy cơ sóng đánh vỡ. Nhiều ngư dân dùng dây chuyển gửi cá tươi lên cho cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Vừa buộc xong chiếc thuyền tránh gió, ngư dân Đào Mạnh Tuấn (chủ tàu PY96931, trú bão trong hồ Đá Tây) bày tỏ: “Có hải quân trên đảo, ngư dân chúng tôi hết sức an tâm đánh bắt cá. Mưa gió bão bùng như thế này hoặc mình có đau ốm đều được hải quân tận tình giúp đỡ. Ngư dân chúng tôi coi Đá Tây - Trường Sa là nhà mình”.

Theo TẤN VŨ - TTO












Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển ru (21/09/2011)