VỌNG RA BIỂN
Lính Trung Quốc châm ngòi trận hải chiến Hoàng Sa 1974
09:55 | 14/11/2011

Khi lính Việt Nam Cộng hòa lên các đảo cắm cờ khẳng định chủ quyền, lính Trung Quốc đã nổ súng, bắn chết một thiếu úy và một trung sĩ, châm ngòi trận đấu pháo ác liệt, nhân chứng Trần Dục kể.

Quãng thời gian 40 năm sau trận hải chiến khiến cựu thượng sĩ Trần Dục (74 tuổi, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), quản trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) Việt Nam Cộng hòa, không còn nhớ rõ khuôn mặt đồng đội, nhưng ký ức về giây phút sinh tử bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vẫn hiển hiện.

Đưa đôi mắt nhăn nheo nhìn ra khoảng trống trước mặt, cựu binh già kể, ngày 16/1/1974, tàu HQ4 đang làm nhiệm vụ tuần tiễn dọc bờ biển từ Bình Định - Quảng Trị thì được lệnh ra Hoàng Sa. Khi nhận lệnh, giống hơn 160 binh sĩ trên tàu, ông không hay biết việc tàu chiến Trung Quốc đã đến sát đảo.

Hoangsa1-5294-1389950880.jpg

Ông Trần Dục với những kỷ niệm về Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông

Điều ông Dục “không biết” đó là động thái gây hấn của Trung Quốc vào ngày 15/1/1974, khi lên án chính quyền Việt Nam Cộng hòa “xâm lấn đất đai của Trung Quốc” và tuyên bố các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của họ. Cùng với động thái này là việc đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh…, bất chấp sự kịch liệt phản đối từ phía Việt Nam Cộng hòa.

Ghé bờ biển Đà Nẵng tiếp nhiên liệu, vũ khí và lương thực, HQ4 do hạm trưởng Vũ Hữu San chỉ huy vượt sóng ra Hoàng Sa. Lúc này, 6 tàu quân sự Trung Quốc đang chạy lòng vòng phía ngoài, trong đó có hai tàu chiến giả dạng dân sự.

Khu trục HQ4 nhanh chóng phối hợp với tuần dương hạm HQ16 có mặt ở Hoàng Sa từ trước để xua đuổi tàu chiến Trung Quốc. “Suốt đêm 17/1, anh em hầu như không ngủ mà thường xuyên di chuyển tàu quanh đảo, đề phòng đối phương gây hấn”, ông Dục nhớ lại.

hq41-4690-1389950880.jpg

Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) nơi ông Trần Dục từng trải qua chức vụ thượng sĩ - quản trưởng.

Ngày 18/1, phía Việt Nam Cộng hòa được tăng cường thêm hai tàu. Sĩ quan HQ4 bắc loa yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Hoàng Sa bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung (thông qua những binh sĩ người Việt gốc Hoa).

"Tàu Trung Quốc không chịu rút mà ngang ngược nói rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Trung tá San lệnh cho tàu chúng tôi tông thẳng vào tàu 407 của Trung Quốc chắn ngang phía trước, khiến tàu này bị bể buồng lái, chao đảo. Hai tàu của đối phương phải rút về đảo Duy Mộng và Quang Hòa", ông Dục tiếp lời.

Sáng 19/1, người nhái Việt Nam Cộng hòa cùng lính biệt hải nhận lệnh lên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật, Kim Tiền hạ cờ Trung Quốc, phá những ngôi mộ giả họ ngụy tạo trước đó để cắm cờ Việt Nam Cộng hòa. Đúng lúc này, ông Dục kể, mấy loạt đạn vang lên, hai binh sĩ gồm một thiếu úy và một trung sĩ, đổ gục xuống.

“Ngang nhiên chiếm đảo trái phép, họ còn nổ súng trước. Hơn 10h, pháo trên tàu của hai phía đồng loạt nã đạn vào nhau. Cách nhau chừng 100m nên cả hai bên đều trúng đạn”, ông Dục nói. Theo nhân chứng này, vũ khí phía Trung Quốc được trang bị tối tân hơn, trong khi các tàu của Việt Nam Cộng hòa chỉ có hai khẩu đại bác 76 ly, một đại bác 20 ly và tiểu liên M16.

HQ4 thủng lỗ chỗ. Binh lính vừa lo chiến đấu, vừa thay phiên nhau tát nước tránh chìm tàu, dùng nệm vá tạm những lỗ hổng trên thân để nước không tràn vào, lấy đà chống để tàu không mất thăng bằng. “Hỏa lực của chúng tôi hầu như không phát huy được tác dụng, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nói thật là hải quân lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực địa”, ông Dục nhận xét thêm.

15 phút giao tranh quyết liệt, HQ10 bốc cháy rồi chìm dần. Các tàu còn lại cũng trúng đạn, nhận lệnh tạm thời rút khi hơn 70 binh sĩ đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương nặng.

“Giáp mặt với tàu Trung Quốc ai cũng cầm chắc cái chết. Anh em muốn ở lại tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, song buộc phải tuân lệnh cấp trên. Cứ nghĩ lui ra vòng ngoài sẽ được chi viện quay lại phản công, nhưng sau đó Trung Quốc rầm rộ kéo tàu chiến đến, còn tàu chúng tôi được lệnh về lại Đà Nẵng”, ông Dục tỏ vẻ tiếc nuối.

Là lính công binh làm nhiệm vụ lấy mẫu đất từ Hoàng Sa về khảo sát, cựu binh Nguyễn Văn Cúc (62 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đứng trên đảo Hoàng Sa, lòng như lửa đốt, dõi theo chiến hạm Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc trong trận đấu. Tiếng đạn pháo chát chúa, khói bốc cao vào trưa 19/1/1974 khiến hơn 20 người ở đảo đứng ngồi không yên.

hoangsa2-1137-1389950880.jpg

Ông Nguyễn Văn Cúc hồi kể những câu chuyện về Hoàng Sa - nơi ông đã đặt chân đến ít nhất 3 lần. Ảnh:Nguyễn Đông

Khi những chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa rút khỏi khu vực đụng độ, lính Trung Quốc tràn lên chiếm đảo Hoàng Sa. Từng người lần lượt bị lính Trung Quốc uy hiếp, bắt đưa lên tàu về đảo Hải Nam. Theo lời ông, ngoài những sĩ quan bị biệt giam, quân y và lính công binh được sinh hoạt chung với nhau, ăn uống đầy đủ.

“Họ cũng không tra khảo gì, nhưng cố giải thích một điều phi lý rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Còn chúng tôi vẫn một mực khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà quần đảo thiêng này đã là địa danh ghi trong sử sách và là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam”, ông Cúc nhớ lại.

Khoảng một tháng sau trận hải chiến, những tù binh Việt Nam Cộng hòa được đưa về Bắc Kinh để trao trả cho chính quyền Sài Gòn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), binh sĩ chiến đấu ở Hoàng Sa hồi hương mưu sinh. 

Bây giờ, ông Dục, ông Cúc cũng như nhiều binh sĩ năm xưa không còn đủ sức để ra Hoàng Sa. “Nhưng chúng tôi luôn nung nấu hy vọng đến đời con, đời cháu mình sẽ được đặt chân lên hòn đảo mà đời cha ông đã chiếm giữ, khẳng định chủ quyền lãnh thổ”, ông Dục bồi hồi.

“Những người lính đã bỏ mạng trong trận hải chiến Hoàng Sa, dù rằng họ ở một chiến tuyến khác, nhưng khi ngã xuống đều trong tâm thế chiến đấu, hy sinh để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Họ cũng xứng đáng được ghi danh hoặc tưởng thưởng”, ông Dục nêu mong muốn.

Nguyễn Đông - VNEXPRESS

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển ru (21/09/2011)