Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Đàn Âm hồn - di sản văn hóa tâm linh đang bị xâm hại
15:42 | 09/07/2012

SHO - Là một trong ba công trình phục vụ tế lễ do nhà Nguyễn lập ra gồm: Đàn Nam Giao để tế Trời, Đàn Xã Tắc để tế Đất và Đàn Âm hồn để tế vong hồn những người hy sinh vì nước trong ngày Kinh đô thất thủ 23/5 Ất Dậu -1885. Quan trọng là vậy nhưng đến thời điểm này, Đàn Âm hồn vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận là di tích và đang bị xâm hại... 

Đàn Âm hồn - di sản văn hóa tâm linh đang bị xâm hại
Rêu phong bao phủ áng thờ trong đàn

Hoang phế đàn tế

Đến thăm Đàn Âm hồn trên đường Ông Ích Khiêm, men theo lối đi rộng chừng 4m, đập ngay vào mắt chúng tôi hình ảnh một bệ thờ được dây leo bao phủ. Tiếp chúng tôi, ông Ngô Văn Thứ - trú 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa vội khoe: “Tôi vừa dọn dẹp vệ sinh khuôn viên của Đàn; bởi còn ít ngày nữa là đến kỷ niệm 127 năm ngày Thất thủ Kinh đô rồi. Hằng năm, cứ đến dịp này, những bậc cao niên trong phường cùng đại diện Phổ Phước Lợi (Ban cúng tế) đều tổ chức cúng lễ tại đây”.

Tọa lạc tại 73 (24 số cũ) đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, Tp. Huế, Đàn Âm hồn, trên giấy tờ, có diện tích rộng khoảng 1.400 m2. Theo một số người dân sống lâu năm trong khu vực, trước đây Đàn nằm lệch về phía trái khuôn viên, khu đất bên phải dành để thủ từ (người trông coi Đàn) là gia đình ông Nguyễn Đậu ở. Sinh ra và lớn lên trong khuôn viên Đàn từ nhỏ, ông Nguyễn Yến - con trai ông Nguyễn Đậu kể lại: “ Gia đình tôi trông nom nơi này từ trước giải phóng (1975). Lúc trước, nơi đây có ba dãy đào tiên và nhiều cây vú sữa râm mát. Sau khi cha tôi mất, tôi đã cùng mẹ tiếp tục chăm lo việc thờ tự nơi đây. Vì vậy, diện mạo của Đàn cũng như cách thức bài trí trong miếu thờ tôi đều biết rõ. Đến năm 1982, gia đình buộc phải di dời theo chỉ đạo của UBND phường Thuận Hòa, nhường chỗ cho xưởng cưa xẻ gỗ hoạt động.”

Lối vào đàn Âm hồn


Cần sớm có giải pháp bảo vệ 

Với những giá trị đặc biệt gắn liền với sự kiện thất thủ kinh đô Huế (5/7/1885). Đàn Âm Hồn được xem như là một Đài liệt sĩ để tưởng niệm anh linh các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong vụ biến thất thủ Kinh đô. Sau ngày giải phóng, UBND Cách mạng Bình Trị Thiên cũng đã ra quyết định bảo vệ di tích này. Đến năm 2007 Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh đã được Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giao nhiệm vụ nghiên cứu, lập hồ sơ di tích Đàn Âm hồn, trình UBND tỉnh xem xét và đề nghị công nhận xếp hạng di tích, nhưng vì thiếu kinh phí thám sát khảo cổ học nên đến nay công tác này vẫn chưa hoàn thành, Đàn vẫn chưa được xếp hạng di tích.

Ngày 1/8/2007, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin Tp. Huế, Bảo tàng Huế, Phòng Quản lý Đô thị và UBND phường Thuận Hòa đã thống nhất khoanh vùng bảo vệ di tích này. Theo đó, toàn bộ khuôn viên của Đàn (kể cả diện tích đất rộng hơn 680m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ dân) là khu vực bảo vệ 1. Sau đó, ngày 22/10/2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình số 1606 đề nghị UBND tỉnh không cấp phép xây dựng trong khuôn viên di tích Đàn Âm hồn, thu hồi 3 thửa đất để trả lại nguyên trạng. Đồng thời, soát xét tính pháp lý đối với thủ tục mua bán đất tại đây. Thế nhưng, diễn biến gần đây nhất là vụ việc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngăn chặn một trường hợp triển khai xây dựng trong khuôn viên bảo vệ của Đàn Âm hồn. Sau khi phát hiện một hộ dân cố tình xây dựng trái phép, ngày 10/5/2012 UBND thành phố Huế đã ra quyết định 1747 thu hồi giấy phép xây dựng số 532; đồng thời giao UBND phường Thuận Hòa niêm yết quyết định này.

Lô đất nằm trong khuôn viên đàn Âm hồn vừa bị thu hồi giấy phép xây dựng trong một cuộc kiểm tra mới đây


Sự việc này cho thấy, trong quá trình quản lý vẫn còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền các cấp với ngành văn hóa - đơn vị dược giao nhiệm vụ quản lý các di tích lịch sử văn hóa. Để tránh những vụ việc tương tự xảy ra, theo ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh thì, khi cấp  giấy phép xây dựng ở những khu vực nhạy cảm (liên quan đến các di tích), cơ quan chức năng, đơn vị cấp phép phải tranh thủ ý kiến ngành văn hóa để có sự phối hợp, tránh sai sót, bởi mỗi khi đình chỉ công trình, người dân thường phải chịu thiệt thòi, tốn kém.

Là người sống cạnh Đàn trên 50 năm, ông Ngô Tuệ - 30 Đặng Trần Côn, phường Thuận Hòa bức xúc: “Đây là di tích đã có từ lâu đời, gắn liền với tập quán của người dân nơi đây qua nhiều thế hệ. Chúng tôi không thể làm ngơ khi chứng kiến cảnh Đàn bị xâm phạm, bởi  nếu không nói, tôi có tội với tiền nhân, với lịch sử. Không phải ngầu nhiên mà 20 năm qua nhiều người dân mất nhiều công sức để bảo vệ và chứng minh với cơ quan chức năng rằng: Phải ứng xử với di tích Đàn Âm hồn sao cho phải đạo”. Theo ông Tuệ, trước mắt ngành văn hóa cấn cắm nơi đây tấm bảng: Đây là di tích Đàn Âm hồn, cấm xâm phạm, mua bán (vì còn 2 sổ đỏ chưa được thu hồi). Để tránh những vụ việc tương tự, tỉnh cần rốt ráo thu hồi những sổ đỏ đã cấp, bởi còn sổ đỏ là còn mua bán, còn xây dựng, lấn chiếm. Về lâu dài, nên công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh; sau đó nên giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý; vì đơn vị này có khả năng khôi phục, sữa chữa. Hơn nữa, cùng với Đàn Xã Tắc, Quan Tượng Đài, Đàn Âm hồn nằm trong quần thể di tích Huế.

Quảng cảnh hoảng phế trong khu vực đàn Âm hồn


Do tầm vóc của di tích Đàn Âm hồn, hơn lúc nào hết tỉnh và thành phố cần có chủ trương khôi phục thích hợp. Đây là việc làm có ý nghĩa trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và quảng bá du lịch Huế. Thiết nghĩ, nên xây một đàn thờ trang nghiêm, đồng thời tái hiện lễ tế Âm Hồn 23/5 ở quy mô tỉnh/ thành phố; tránh để bà con đứng ra cúng lễ “tự phát” như hiện nay. Việc khôi phục Đàn Âm hồn và lễ tế hàng năm không chỉ là sự tôn trọng lễ nghi, đạo lý dân tộc và hợp lòng dân; mà còn là dịp nhắc nhở mọi người dân về một bài học lịch sử của quê hương. Làm được điều này, Đàn Âm hồn xứng tầm đài liệt sĩ chống ngoại xâm đầu tiên tại Việt Nam.


- Đàn Âm hồn tại đường Ông Ích Khiêm đã được Bộ Lễ lập nên dưới thời vua Thành Thái (1894) để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã tử vong trong sự kiện Thất thủ Kinh đô - 1885. Lễ tế Đàn Âm hồn lúc bấy giờ được xem như quốc lễ, quan Đề đốc kinh thành làm chủ tế. Nghi thức này kéo dài cho đến năm 1945, sau đó việc tế Đàn Âm Hồn được người dân ở đây duy trì qua việc hình thành Phổ Phước Lợi (Ban cúng tế tại đây).

- Hàng năm cứ vào dịp 23/5 Âm lịch, người dân Thành phố Huế, nhất là người dân của bốn phường Nội thành đều tổ chức các lễ cúng rất trang trọng ở các tuyến đường để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong sự kiện Kinh đô thất thủ. Các hoạt động này diễn ra tại các am, miếu, đình, chùa, chợ, ngã ba, ngã tư đường phố, miếu Âm hồn trong tác phường của thành phố Huế. Đây là một hoạt động mang tính tâm linh rất đặc biệt của người dân xứ Huế.

- Tháng 8/2006, Bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích và Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh xét công nhận 12 di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh trong đó có Đàn Âm hồn (Phường Thuận Hoà - Tp.Huế). Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến tận thời điểm này Đàn Âm hồn vẫn chưa được chính thức công nhận là di tích.

 

Quang Phong - Hoài Phong

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng