SHO - Chiều ngày 07/10, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức giới thiệu tác phẩm “Đi tìm ngọn núi thiêng” của nhà văn Nguyễn Văn Dũng.
Tham dự buối giới thiệu có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lý luận cùng các hòa thượng, tăng ni phật tử, phóng viên báo chí, sinh viên và những người yêu mến nghệ thuật xứ Huế.
Trong phần tham luận của mình, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhận định: “Với tác giả Nguyễn Văn Dũng, tôi nghĩ lãng du đã là một sự nghiệp. Bởi anh đi không phải để mà đi mà còn để chiêm nghiệm và trăn trở... Ngọn núi thiêng ở trong lòng ta. Đi tìm ngọn núi thiêng thực sự là cuộc lãng du của tâm thức và trí tuệ của một đạo sỹ.”
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương đọc tham luận |
Đi tìm ngọn núi thiêng được xem như một dòng hợp lưu của các nền văn hóa trên thế giới được tác giả cảm nhận qua lăng kính của một người lữ thứ mang trong mình tâm thức phương Đông. Trong mắt người đời thì Nguyễn Văn Dũng là một người lãng du. Một người luôn hút nhựa sống bằng đôi chân không ngừng dấn bước và bằng cả những giác quan luôn căng ra để đón nhận ngoại cảnh.
Từ Linh Sơn mây trắng đến Đi tìm ngọn núi thiêng người ta nhận ra rằng chiều sâu của chiêm nghiệm chính là ở chỗ con người phải được quẳng ném vào giữa dòng chảy của đời sống, phải dấn thân một cách thực sự mới có thể thấu cảm được linh hồn của những nơi ta đã đi qua. Cùng với lộ trình của Nguyễn Văn Dũng, chúng ta được lãng du ở châu Âu để cảm nhận được sự trẻ trung của Madrid, bí mật của lâu đài Konopiste... sẽ được thênh thang trên châu Mỹ để đắm mình trong mùa hoa anh đào trên đất Washington... sẽ được phiêu bồng ở châu Úc để lang thang trên sa mạc Australia, để nuối tiếc khi phải rời xa biển ngìn thu ở Sydney... để ngẩn ngơ ở châu Phi và cuối cùng tìm về với sự huyền nhiệm của châu Á.
Khán phòng chật kín người tham dự buổi giới thiệu sách |
Trong cách nhìn của nhà văn Trần Thùy Mai thì “Đi tìm ngọn núi thiêng ghi lại đường bay của những ý tưởng có cánh, xuất phát từ niềm đam mê khám phá thế giới và khả năng soi chiếu ngoại vật để tìm lại chính tâm hồn mình.”
Cũng tại buổi giới thiệu, các nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà phê bình lý luận Bửu Nam đã đọc tham luận của mình. Bên cạnh đó là các ý kiến thảo luận của sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, nhà thơ Mai Văn Hoan và các sinh viên đến từ trường Đại học khoa học Huế.
Đặc biệt, còn có sự giao lưu âm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Đình Niêm với những bản tình ca của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sỹ Nguyễn Đình Niêm biểu diễn những khúc Trịnh ca |
Kết thúc buổi giới thiệu nhà văn Nguyễn Văn Dũng đã gừi lời tri ân đến tất cả bạn đọc của mình, những người yêu mến văn chường của anh. Người đọc sẽ được chờ đợi để thêm một lần nữa dấn thân cùng anh ở những miền đất mới.
PV