Từ năm 1996 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản, tôn tạo cảnh quan hệ thống di tích do Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý đạt hơn 600 tỷ đồng. Trung tâm đang triển khai gói 800 tỷ để trùng tu di tích Cố đô Huế.
Số kinh phí trên 600 tỷ đó đã phục vụ trùng tu, phục hồi 132 công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, Cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang, Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình tại lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện tại lăng Tự Đức, Thiên Định Cung, Bi Đình tại lăng Khải Định, Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, các cổng Kinh Thành...
Xiển Võ từ được trùng tu
Điểm nổi bật là các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn. Các loại hình nghệ thuật Cung đình đã thực sự đóng vai trò trọng tâm và chủ lực trong các dịp Festival Văn hóa Huế.
Từ cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung có mục tiêu cho Thừa Thiên - Huế trùng tu di tích Cố đô Huế từ năm 2013 đến 2020, với tổng mức 800 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 100 tỷ đồng. Riêng năm 2013 do ngân sách khó khăn nên bố trí hỗ trợ 50 tỷ đồng; các năm sau tùy điều kiện ngân sách sẽ bố trí tăng thêm để đảm bảo tổng mức hỗ trợ như trên.
Như Hải