(SHO). Có trên 600 năm tuổi, Làng cổ Phước Tích chứa trong mình một tiềm năng lớn lao để phục vụ cho du lịch. Những năm gần đây, Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã quan tâm tạo điều kiện cho Phước Tích những cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ…
Lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống và phát triển chúng sao đem lại hiệu quả tốt nhất đang là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí của mình trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Những làng nghề này như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế của từng vùng miền.
Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch mang đầy triển vọng chính vì vậy, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đang chú trọng vào việc phát triển hình thức du lịch ngõ hầu này góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của địa phương. Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với chính sách quảng bá và phát triển du lịch ở nơi đây.
Một ngôi nhà rường ở Phước Tích
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km, Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nằm khép mình bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa, bốn mùa trong xanh. Lúc xưa làng có tên là xứ Cồn Dương. Ngôi làng cổ với hơn trăm năm tuổi này có 117 nóc nhà, còn gìn giữ nguyên vẹn 27 ngôi nhà rường tuyệt đẹp (trong đó có 12 nhà rường thuộc loại có giá trị đặc biệt (loại 1), 11 nhà có giá trị (loại 2) và 4 nhà ít giá trị (loại 3)) với 452 nhân khẩu. Điểm nổi bật của làng là không gian kiến trúc, bao gồm các ngôi nhà vườn truyền thống. Các ngôi nhà trong làng đều có vườn rộng được nối liền với nhau bằng các hàng chè tàu xanh mát. Bên cạnh đó, hệ thống các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu cổ, nhà thờ các họ tộc, các di tích văn hóa Chăm- pa, bến nước, sân đình... Tất cả tạo nên cảnh quan đặc trưng của làng quê Việt.
Hình thành cách đây 600 năm, Phước Tích có tiềm năng du lịch lớn cả về du lịch sinh thái lẫn văn hoá. Nhưng tiềm năng này mới được “để ý” từ những năm 2003, 2004. Thời điểm đó, Phước Tích vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng nào trong chiến lược phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Đến năm 2007, UBND huyện Phong Điền ban hành Quy chế tạm thời bảo tồn và phát triển làng di sản Phước Tích, xã Phong Hoà. Sự phát hiện chậm trễ khiến Phước Tích mất đi một vài nét cổ đặc trưng, nhiều nhà rường đã bị hư hại hoặc được dân sửa chữa không đúng quy cách, thậm chí có trường hợp bị mất mát, hay bán cả nhà.
Như nhà bà Lương Thị Hén, đây là nhà được coi là có nguy cơ xuống cấp nhất, nhiều đòn tay, rui, mè bị mối mọt phá hỏng, 6 tấm hoành phi cổ đã bị mất 2 tấm. Theo bà Hén, muốn sửa lại nhà cũng phải trên 100 triệu. Đó là số tiền cần thiết để bảo tồn nguyên vẹn giá trị của căn nhà.
Không chỉ bà Hén mà nhiều hộ khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Quần thể nhà bà Trương Thị Thú trước kia có 3 ngôi nhà cổ nhưng đã bị hư hẳn một ngôi, một ngôi nhà phải bán do kinh tế khó khăn, hiện chỉ còn một ngôi còn nguyên vẹn.
Năm 2003, làng đã có 6 ngôi nhà phải sửa chữa. Còn mới đây, gia đình bà Lương Thị Thỏ phải bỏ ra gần 150 triệu để sửa lại nhà. Và còn nhiều gia đình có ý định bán nhà cổ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Đặc biệt, làng cổ Phước Tích còn được biết đến với nghề gốm vốn đã trở thành thương hiệu của mảnh đất này. Từ thời phong kiến, gốm Phước Tích được chọn làm sản phẩm cống nạp cho triều đình nhà Nguyễn để “ngự thiện”. Tuy nhiên, qua thời gian, nghề gốm cùng những sản phẩm gốm ở Làng cổ dần rời vào quên lãng. Dưới tác động nhanh và mạnh của quá trình CNH – HĐH đất nước, sự thay đổi về bộ mặt kinh tế xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây phần nào đã ảnh hưởng đến nghề gốm truyền thống ở Phước Tích. Thực trạng cơ cấu gia đình và sự phát triển dân số tự nhiên ở Phước Tích hiện nay đang thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chính là do nhiều thành viên trong các hộ gia đình ở Phước Tích đã rời làng đi làm ăn, sinh sống ở nơi xa, chỉ dịp tết nhất mới về làng sum họp. Số người không lao động chiếm đến 80%, đa số là người già ở lại trông coi nhà cửa, vườn tược. Làng có 113/452 nhân khẩu là các cụ già trên 70 tuổi. Đây là con số rất đáng lưu ý ở Phước Tích.
Hiện tại nhiều người dân của làng đang sống nhờ tiền bạc con cháu gửi về. Chính điều này dẫn đến việc thiếu nguồn lao động trẻ tại địa phương. Mặt khác, với trang thiết bị kĩ thuật làm gốm còn thô sơ nên việc lưu giữ và phát triển nghề gốm còn gặp rất nhiều khó khăn. Sản phẩm gốm được làm ra chính bàn tay của các nghệ nhân thì vẫn đang loay hoay tìm hướng đầu ra cho sản phẩm. Bởi, sản phẩm gốm Phước Tích rất “mộc” - không tráng men, cũng chính cái “mộc” đó đã không phù hợp với xu thế hiện nay. Trong khi tất cả các làng gốm nổi tiếng ở Việt Nam như: Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội), Bồ Bát (Thanh Hóa)... bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm gốm bình dân thì họ cũng có những sản phẩm gốm độc đáo tạo nên thương hiệu của mình và hầu hết đều được tráng men.
Không thu hút được du khách với dòng sản phẩm gốm này, gốm Phước Tích thật sự bế tắc trong việc tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm. Từ đó dẫn đến việc lưu giữ và bảo tồn nghề gốm cũng như giải quyết được “công ăn việc làm” cho nhiều bạn trẻ ở nơi đây đã trở nên khó khăn hơn khi mà chẳng còn ai mặn mà với nghề này cho lắm. Không có thị trườn tiêu thụ và thiếu nguồn nhân lực đồng nghĩa với việc nghề gốm thất truyền và dần rơi vào quên lãng.
Các nghệ nhan Phước Tích trình diễn nghề gốm trong Festival Huế
Tuy nhiên, những năm qua, Làng cổ Phước Tích đã có nhiều bước phát triển mới. Trước khi Làng được Nhà nước công nhận là “ Di tích Quốc gia” thì đã có nhiều du khách, các nhà khoa học đến tham quan và nghiên cứu. Đồng thời, huyện Phong Điền cũng đã đầu tư một số hạng mục về hạ tầng du lịch và phục vụ dân sinh như: xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, đầu tư khôi phục nghề gốm truyền thống. Đặc biệt, Làng đã được UBND tỉnh cho phép tổ chức lễ hội “Phước Tích - Hương xưa làng cổ” trong Festival Huế để quảng bá hình ảnh về di sản văn hóa làng cổ…, điều trước đây chưa hề có.
Các tổ chức quốc tế như SNV (Hà Lan), Viện Di sản Bỉ, JICA (Nhật Bản)…đã triển các dự án về trùng tu di tích, phục hồi nghề gốm, đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về du lịch cho Làng… Gần đây, đại diện tổ chức Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đã đến khảo sát và hứa hẹn hỗ trợ dự án về phát triển nguồn rau sạch ở Phước Tích để phục vụ cho du lịch.
Việc phát triển du lịch ở Làng cổ Phước Tích rất đáng quan tâm nhưng phát triển làm sao để không gian, cảnh quan thiên nhiên xung quanh cùng những giá trị văn hóa truyền thống… của làng không bị phá vỡ mới là điều quan trọng. Với làng cổ Phước Tích, bảo tồn và phát triển không chỉ khai thác tiềm năng du lịch mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, duy trì dân số nông thôn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung trong vùng… Tức là chính quyền các cấp, các ngành nhất thiết phải giải quyết được bài toán khó. Đó là bảo tồn di sản của làng nghề đi đôi với lợi ích dân sinh. Hy vọng rằng, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức quốc tế sẽ tạo cho Phước Tích những cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ, đẩy mạnh việc phát triển du lịch ở nơi đây.
Lê thị Mộng Tuyền