Dù bây giờ ở Huế có nhiều nhà hàng đặc sản, nhưng những ai một lần được thưởng thức những món ăn dân dã, nhưng ngọt ngào dư vị đồng quê của làng Nam Phổ chắc chắn sẽ không thể nào quên.
Cách cầu Trường Tiền khoảng hơn 3km về phía biển Thuận An, làng Nam Phổ (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng có những vườn cau xanh tốt, trái cây ngon ngọt. "Ru em cho théc cho muồi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh/ chợ Dinh bán áo con trai/ Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim”. Cau Nam Phổ nổi tiếng từ xưa, nhưng nay người làng chỉ trồng để làm đẹp sân nhà, không còn là nguồn sinh kế nữa.
Cái tên Nam Phổ vẫn gắn liền với đặc sản truyền thống Huế: bánh canh và các loại bánh nậm, bánh ít, bánh bèo, bánh ướt, bánh lọc...Chiều chiều, trên đường Nguyễn Sinh Cung nối liền với Đập Đá và đường Lê Lợi (TP.Huế), từng tốp phụ nữ Nam Phổ, gồng gánh các thức bánh đặc sản lên thành phố Huế bán. Khách sành ăn thường đợi những gánh hàng rong ấy để thết đãi người thân, bạn bè phương xa...như một đặc sản không thể thiếu cho những người đến Huế.
Trong các đặc sản của Nam Phổ, món bánh canh là phổ biến nhất. Trẻ lên hai mẹ đã đút cho muỗng bánh canh chay (không cay). Người già, người ốm cũng chọn món ăn này cho dễ tiêu. Người dân lao động mua bánh canh, chan vào cơm nguội để ăn bữa chiều. Gần đây, theo trào lưu nhập cư, dân tứ xứ tại Huế bày bán nhiều món bánh canh như bánh canh cá lóc, bánh canh tôm cua, bánh canh thịt bò, trứng cút...nhưng vẫn không thể thay thế món bánh canh Nam Phổ vốn nức tiếng xưa nay.
Theo các mệ, đặc sản Nam Phổ ngon do "truyền thống” chỉ bán buổi chiều! Sáng sớm tinh mơ, họ đợi hàng thủy sản như tôm, cua từ đầm Chuồn, đầm Sam, phá Tam Giang lên để chọn thứ tươi nhất. Bao giờ cũng chỉ mua vừa đủ, chế biến thành nhân, nhụy bánh, bán hết trong buổi chiều, không khi nào để tới hôm sau. Chả thế mà, trải bao năm tháng, các món ăn do các bà, các chị ở Nam Phổ chế biến ngày càng nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực Huế.
Theo Vũ Hào