Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Tiếng lòng chân thành của một “nghệ sĩ hát rong”
09:04 | 12/03/2009
NGUYỄN KHÁC PHÊ (Đọc “Nửa vòng đất lạ buồn vui xứ người” của Bảo Cường)  Tôi tin là Bảo Cường không tự ái khi bị (hay “được”) gọi là “nghệ sĩ hát rong”.  Vì không dễ có được danh hiệu này. Người nghệ sĩ không hề bị trói buộc, chẳng hề ra giá “cát-sê”, gần gũi với nhiều tầng lớp công chúng ở mọi phương trời mới  được tặng danh hiệu dân dã mà đáng yêu  đó.
Tiếng lòng chân thành của một “nghệ sĩ hát rong”

Tôi từng được nghe Bảo Cường thổi sáo, ngâm thơ mấy chục năm trước, trong dịp thay mặt Tạp chí “Sông Hương” vào TP. Hồ Chí Minh dự họp “đồng hương”, nhưng đọc tập “Nửa vòng đất lạ buồn vui xứ người”, chợt thấy anh thật xứng đáng với danh hiệu “nghệ sĩ hát rong” đa tài, bền bỉ, trẻ mãi không già.  Cũng thật bất ngờ khi biết người nghệ sĩ tung hoành trên nhiều sàn diễn suốt từ Huế đến TP. Hồ Chí Minh, từ Pháp đến Mỹ và đã “sở hữu” vô kể là huy chương, bằng khen lại xuất thân từ rẻo đất nghèo heo hút - “chiến khu” Dương Hoà, từng là chú bé chăn trâu, từng phải vất vả kiếm sống trên những cánh rừng Bù Đăng, Bù Đốp… Thì ra nghị lực và ý chí của con người  thay đổi được cả số phận.

Bảo Cường đã “tự bạch” trong cuốn sách: “Không cầu kỳ hoa mỹ, nghĩ sao viết vậy…Đây là tấm lòng rất thật…” Nhưng “nghĩ sao viết vậy”, chân thật như Bảo Cường, không phải ai cũng làm được. Chúng ta từng biết không ít tên tuổi nghĩ một đằng, nói một nẻo, chỉ nói và viết những gì hợp thời và có lợi cho mình. Bảo Cường thì…huỵch toẹt, thẳng băng. Anh chẳng ngại ca ngợi nước Mỹ có những đô thị, công trình hiện đại nhất thế giới,  nhưng cũng không e dè khi buông lời phê phán: “…chương trình “Việt Nam tình ca” lại đi hát nhạc Mỹ Chắc hết người Việt, đi mời vũ đoàn Mỹ mặc áo dài nhảy tửng, đá chân kiểu võ Tàu…Không hiểu nhà tổ chức , đạo diễn muốn thể hiện cái gì? Còn T.H. thì miễn bàn. Nguyên một mảng bụng, rốn phơi bày giữa bàn dân thiên hạ…” Tôi e ngại thay cho anh, viết tắt tên ca sĩ, còn Bảo Cường thì viết rõ, mà không chỉ chê một người. Chẳng biết mấy người bị anh “chê” có nổi xung mà kiếm cớ trả đũa anh không... Nói vậy, nhưng tôi tin những nghệ sĩ chân chính đứng bên anh vì anh thành thực và không thiên vị - Bảo Cường cũng thẳng thắn phê phán những cảnh lố lăng, những chuyện  giả dối trong hoạt động văn nghệ ở quê nhà với quan niệm rất đúng đắn: “Con người sống phải có văn hoá, nhất là ca sĩ càng cần có văn hoá hơn, vì các bạn đang trình diễn trước hàng ngàn, vạn khán giả.”

Bảo Cường thành thực cả khi xót xa phải bỏ khoản tiền lớn đi tắc-xi, khi tỏ lòng tri ân những bạn bè đã “lì xì”, mua sách, đĩa CD giúp anh, nhưng đồng đô-la và miền đất hứa có người coi là “thiên đường” không quyến rũ được đứa con của vùng chiến khu Dương Hoà nghèo khó. “Những ngày ở Mỹ tôi càng hiểu thấm sâu hơn về hai chữ “quê hương”. Lúc này ước chi cùng vợ về quê mình ở Dương Hoà. Vợ chồng cùng mơ màng trên sông Hương…” Trong cuốn sách có thể gọi là “du ký về nước Mỹ”, nhưng tác giả đã dành khá nhiều trang nhắc lại những kỷ niệm ở Việt Nam - từ quê hương Dương Hoà đến những vùng đất miền Nam hào phóng đã đùm bọc anh trên mỗi bước trưởng thành, từ những trò đùa “quái quỷ” hồi thơ dại đến mối tình đầu tuổi thanh xuân... Có thể sẽ có độc giả “chê” tác giả đã sa đà với hoài niệm, thậm chí có lúc “lạc đề”, nhưng làm sao người nghệ sĩ ngăn được niềm cảm hứng đẹp đẽ và thiêng liêng dâng trào trên sàn diễn? Phải, cuốn sách của anh chính là “sàn diễn” luôn biến hoá của nghệ sĩ đa tài Bảo Cường; và có lẽ anh không muốn “độc diễn” nên đã trích cả những bài báo mà anh thích thú, nhưng bao trùm tất cả là tiếng lòng chân thành của một nghệ sĩ luôn đau đáu một niềm thương nhớ quê hương, nguồn cội, dù ở nơi xa nửa vòng trái đất, dù đang sống giữa chốn phồn hoa…

             N.K.P 

Các bài mới
Các bài đã đăng