Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Vua Khải Định với những bí quyết phong thủy thời Nguyễn
14:03 | 16/07/2014

Khải Định đã tìm được một thế đất dường như “sinh ra để làm nơi ngả lưng cho một linh hồn quyền quý”…

Vua Khải Định với những bí quyết phong thủy thời Nguyễn

Mặac dù đã sẵn sàng ­tiếp nhận phong cách kiến trúc mỹ thuật mới mẻ đến từ phương Tây nhưng vua Khải Định vẫn giữ gìn và tuân thủ truyền thống, ứng dụng dịch lý và phong thủy vào việc xây lăng cho mình, như các đời vua trước đã làm…

Điều đó thể hiện rất rõ qua việc vua Khải Định sai các thầy địa lý cùng các quan chuyên trách đương thời khảo sát kỹ lưỡng địa thế và đặc điểm sơn thủy ở nhiều nơi trong vùng Nam sông Hương (hữu ngạn). Và họ đã tìm được một thế đất nằm cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía tây nam, trên một sườn núi có độ dốc vừa phải dường như “sinh ra để làm nơi ngả lưng cho một linh hồn quyền quý”…

Thế núi Châu Chữ với lăng Khải Định (Ứng Lăng)

Núi có tên Châu Chữ mà theo Đại Nam nhất thống chí nằm về phía tây bắc của huyện Hương Thủy, có một con suối kề cận từ phía nam chảy về, đó là suối Châu Ê. Núi không cao lắm song nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, có dòng nước uốn mình qua chân núi, có các dãy đồi nhấp nhô xa xa dưới tầm nhìn và một rừng cây xanh bao bọc.

Như vậy, yếu tố nước (thủy) và núi (sơn) kết hợp cùng các chi tiết cát tường về mặt phong thủy khiến nhà vua hài lòng, chấp thuận và ra lệnh huy động hàng ngàn nhân công lên vùng núi Châu Chữ vào mùa thu năm 1920 để phát quang mở đường, làm lộ ra dưới ánh nắng một cuộc đất nằm nghiêng theo sườn núi, mà sau này lăng Khải Định tọa lạc ở đó với diện tích khoảng 111m bề dài và 49m bề ngang. Diện tích đó tuy nhỏ so với lăng của các vua tiền nhiệm song lại phải tốn thời gian xây dựng lâu nhất: liên tục trong 11 năm. Các lăng vua Nguyễn xây trước đó không kéo dài bằng như lăng Gia Long xây trong 6 năm, lăng Minh Mạng trong 4 năm và lăng Tự Đức 3 năm.

Đi từ hướng suối Châu Ê chảy trước mặt lăng vào núi Châu Chữ sẽ thấy lăng Khải Định hiện ra với các bậc cấp đầu tiên dẫn lên điện thờ (tả hữu tùng tự) và một sân chầu có đặt nhiều tượng quan văn võ và tượng ngựa voi (bái đình), nhà bia (bia đình) với trụ biểu rất cao thuộc dạng Stupa dựng hai bên. Tiếp đến là nhiều bậc cấp khác nối lên chỗ cao nhất (cung Thiên Định) có nơi đặt án thờ vua (điện Khải Thành) và nơi đặt thi hài vua (điện Chính Tâm) cùng Tả hữu trực phòng xây ở hai bên các điện trên. Từ dưới lên đến chỗ cao nhất của lăng có tất cả 127 bậc cấp với 5 tầng sân.

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao về nghệ thuật trang trí nội thất, tạo hình mỹ thuật tại công trình kiến trúc chính của lăng là cung Thiên Định. Ở đây, các nghệ sĩ ngày trước đã thể hiện qua các họa phẩm vẽ trên trần cũng như trên tường bằng những nét sinh động về cảnh trí thiên nhiên với hoa lá, chim muông, mai trúc, hạc rùa. Những bức họa chiếm hàng chục mét vuông có giá trị mỹ thuật cao.

Nghệ nhân thời ấy cũng đã sử dụng hàng vạn mẫu sành sứ và thủy tinh nhiều màu để đắp nổi hàng ngàn hình ảnh về cảnh vật trong cung đình lẫn ngoài dân gian Việt Nam, cùng những bức tranh tứ thời, bát bửu…

Điều đặc biệt khiến nhiều tác giả nhắc tới là lăng này có một pho tượng bằng đồng tạc hình vua Khải Định đang ngồi trên ngai vàng tạo tác tại Paris năm 1920 bởi hai người Pháp là P. Ducuing và F. Barbedienne. Tượng được chở về Việt Nam và được mạ vàng tại kinh đô Huế, đặt giữa cung Thiên Định (ở điện Chính Tâm).

Phía trên ngai vàng vua đang ngồi có che một bửu tán bằng xi măng “nặng cả nghìn cân” được gia công kỹ thuật khéo léo đến nỗi trông y hệt một chiếc lọng lớn bằng lụa gấm vậy. Sau lưng tượng có chạm hình “mặt trời lặn”, bên dưới ngai vàng là nơi đặt thi hài vua Khải Định – qua đời năm 1925 sau 9 năm ở ngôi, thọ 40 tuổi. Lúc ấy lăng xây đã 5 năm nhưng chưa xong và phải tốn thêm 6 năm nữa mới hoàn thành dưới thời vuaBảo Đại (vào 1931).

Nhìn tổng quát, lăng Khải Định có dạng như một lâu đài cổ của châu Âu được xây bằng nhiều vật liệu mới lúc ấy như ngói ardois, gạch vuông, cùng những hình ảnh lạ mắt đối với thời bấy giờ như chiếc đèn dầu hỏa, cột thu lôi, cửa sắt…. Qua đó cho thấy vua Khải Định muốn có những kiểu cách đa dạng trong bày trí mỹ thuật, trang trí lăng tẩm. Nhà vua đã “đặt làm đồ sứ phục vụ yến tiệc kiểu Pháp tại lò sứ Sèvres ngày 14.8.1922, toàn bộ gồm 694 món phủ men xanh thẩm giống men pháp lam Huế (Prussian blue) nổi bật hoa văn màu vàng rực rỡ” (Trần Đình Sơn).

Đến nay nhiều nhà sưu tập cổ vật vẫn nhắc đến đồ sứ ký kiểu có nền sứ men tím thẫm sang trọng thời đó. Trở lại với lăng Khải Định, điều đáng ghi nhận là các nghệ nhân Huế xưa đã kết hợp sáng tạo giữa chất liệu mới từ Pháp đưa sang với mỹ nghệ truyền thống Việt Nam trong các công trình của mình, họ dùng màu xanh sẫm “vẽ lên mặt xi măng láng làm cho các bức tường trông giống như xây bằng đá cẩm thạch” (Trần Ngọc Bảo).

Nhiều nhà nghiên cứu kết luận, lăng Khải Định là bằng chứng sống động về giai đoạn đầu của sự tiếp nhận kiến trúc Tây phương trên nền tảng của truyền thống tâm linh Đông phương vì “tất cả núi đồi khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều đã được dùng làm các yếu tố phong thủy gồm tiền án, hậu chẫm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ – tạo ra được cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ” (Phan Thuận An).

Bí quyết phong thủy trong việc chọn hướng dựng nhà và xây vưởn ở kinh thành Huế

Tính đến thời vua Khải Định, kinh thành Huế đã qua hơn 110 năm xây dựng. Cạnh các công trình kiến trúc thành quách, cung điện và lăng tẩm, thì hệ thống nhà vườn của Huế cũng đã thật sự hình thành trong thời gian ấy đủ để Huế xứng đáng với biệt danh “thành phố nhà vườn” mang đậm yếu tố phong thủy. Đó là điều khẳng định của nhiều tác giả – như GS.TS. Ngô Đức Thịnh và GS. Lê Văn Hảo chẳng hạn: “Kiểu kiến trúc khuôn viên nhà – vườn tạo nên kiểu thành phố vườn”. Hoặc GS. Trần Quốc Vượng gọi Huế là “một thành phố nhà vườn”.

Nhà vườn Huế khác với các đô thị khác trong nước bởi vẻ đẹp có phần huyền bí do các đặc điểm phong thủy tạo nên. Để bạn đọc rõ hơn về nét đặc biệt này dưới thời các vua Nguyễn, chúng tôi trích dẫn một vài nét chính trong tài liệu khá chi tiết của hai ông Vĩnh Cao và Phan Thanh Hải về “Phong thủy trong vườn Huế” giới thiệu trên Tạp chí Nghiên cứu và phát triển -Sở Khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế số xuân Bính Tuất 2005 dưới đây:

Việc đầu tiên trong các động thái quy hoạch phong thủy là phải xác định hướng cho một khu vườn: “Người Huế quan niệm, sơn hướng hay địa thế, là vị trí của cả cuộc đất mà trên đó sẽ dựng cơ nghiệp lâu dài nên nhất thiết phải xem sông ngòi, đường sá, để biết thủy tụ nơi nào, hướng gió lợi hại ra sao”. Sơn hướng gồm 24 phần và phải dùng thiên can, địa chi và bát quái để xác định. Các nhà phong thủy học lưu ý cần phải phối hợp với cửu cung để biết sự xoay chuyển của vận khí và phù hợp với bản mệnh của chủ nhà.

Tiếp theo là xác định vị trí của ngôi nhà, được nhắm tùy theo từng cách lý giải khác nhau. Như người thì chọn trạch chủ, người thì lấy từ trung tâm ngôi nhà tính ra theo cách hình học. Người lấy hiên nhà làm chính dựa vào câu “khai môn phóng thủy” trong khoa địa lý. Và có ngươi dựa vào mục tiêu của chủ nhân để “đưa nhà sang trái hay phải, lấn về trước hay lùi về sau – đây là phép tắc dựa vào địa thế và ngũ hành”. Nói chung người ta có xu hướng thích quay mặt nhà về hướng nam: “lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng nam”.

Giai đoạn thứ ba trong quy hoạch phong thủy là cần xác định những cấu trúc phụ xung quanh ngôi nhà như bình phong, non bộ, hồ nước mà các nhà chuyên môn cho rằng sẽ ngăn chặn những điều bất lợi có thể đến với chủ nhân cùng gia quyến: “Như bức bình phong, người thì quan niệm sử dụng để tránh lối đi thẳng vào nhà (nhất là nhà thờ vì như vậy không đúng lễ ngày xưa), người thì cho rằng tránh được trực xạ vào nhà, người thì bảo tránh dẫn hỏa vào nhà, người dùng ngũ hành lại nghĩ rằng đó là cách tạo một hành trung gian để tùy cơ mà điều tiết (như cần làm vượng hỏa lên thì làm bằng hàng cây – thuộc mộc – để kích hỏa lên; cần làm giảm bớt hỏa khí thì bình phong làm bằng đất đá – thuộc thổ – để khắc bớt hỏa )…

Các thầy địa lý còn hướng dẫn để chủ nhân xem xét nơi đào hoặc đặt hồ nước để “tụ thủy tích phúc” – mà nhiều người quan niệm phải đặt trước nhà làm nơi ngăn cản luồng “hỏa khí” nóng bức không tốt từ ngoài có thể xâm nhập vào nhà.

Một số các yếu tố phong thủy khác thường được chú ý, trong đó có việc đặt các tảng đá lớn, các hòn giả sơn, hoặc hòn non bộ sao cho hợp lý. Việc đặt các dạng đá như vậy là nhằm tạo sự cân bằng cho ngôi nhà mình sẽ ở “như nhà nặng về mặt đông thì cần có những non bộ hoặc đá tảng lớn ở mặt tây để tạo cân bằng”. Nhưng cũng có người cho mục đích đặt đá nhằm ngăn chặn những tương khắc tồn tại quanh nhà “để cản những vật bên ngoài như góc nhà người khác, trụ điện, cây to… bắn khí vào nhà”. Việc chọn đúng vị trí để đặt các cấu trúc nói trên còn có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến các phần của ngôi nhà, vì “tác động vào chúng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ nhân và các thành viên trong gia đình. Sách địa lý có câu: “Phá tiền đường hại gia trưởng”.

Mà đứng đầu phần đất ra vào tiền đường là chiếc cổng chính của vườn – có ảnh hưởng quan trọng nhất đến khu nhà vườn. Vì thế các thầy địa lý đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định vị trí cho chiếc cổng. Chẳng hạn cổng trổ theo cung hợp với mệnh của chủ nhân, như chủ hợp với cung Ly thì trổ cửa về hướng nam. Hoặc dựa vào ngũ hành để điều tiết vị trí dẫn khí vào nhà. Hoặc “phối hợp giữa môn (cổng) hoặc hộ (cửa) theo câu “Môn đăng hộ đối” – đây là quan điểm phổ biến nhất”. Nếu chủ nhân của ngôi nhà nào khó sửa được hướng cố định nhưng hướng nhìn ra sông, ra đường “cần sửa cửa để làm lệch hướng cổng- lại có thể chuyển cửa lên tầng gác nếu tầng dưới không sử dụng để sinh sống”.

Ngoài cổng chính, theo các nhà phong thủy cũng cần mở cổng hậu phía sau để “lấy khí từ mặt sau nhà hoặc để thủy khí có nơi thoát”. Mặt khác người ta quan niệm phần sau nhà là “biểu tượng cho con cháu (tử tôn) nên vị trí của cổng hậu cũng phải theo hướng phù hợp chủ nhân, hoặc phù hợp ngũ hành – trong dân gian vùng Huế cũng thường có quan niệm làm nhà cho có phần hậu”. Còn nhiều điều khác như chọn loại cây trồng, chọn cách kết cấu nhà và phương pháp đo đạc các bộ phận kiến trúc nữa liên quan đến bí quyết “phong thủy nhà vườn Huế” vốn có nền móng tạo tác dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn với mốc cuối cùng vào thời Khải Định và Bảo Đại sẽ viết rõ phần sau. 

Theo Một thế giới

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng