Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Những thắng cảnh ở Vinh Hiền: Túy Vân, Linh Thái, Tư Dung
13:36 | 10/10/2014

Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa, có một vị thần gánh đất để ngăn sông đắp núi. Một hôm vị thần đó đang gánh đất thì bỗng nhiên đòn gánh bị gãy làm hai, nên bây giờ đã để lại hai quả đất khổng lồ khoảng cách nhau hơn một km đó chính là núi Linh thái và núi Túy Vân ngày nay thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Những thắng cảnh ở Vinh Hiền: Túy Vân, Linh Thái, Tư Dung

Điều kỳ bí ở cửa biển Tư Dung

Cửa Tư Dung là một cửa biển của thiên nhiên ban tặng mà sức con người không thể tài nào phá nổi. Có thể nói rằng đây là một cánh cửa không thể thiếu cho hai ngọn núi Linh Thái Sơn và Tuý Vân Sơn, nó như lổ mũi để cho hai ngọn núi hít thở… Nhưng sau năm 1975, biết bao lần con người đã ra tay ngăn đập, thì chỉ trong chốc lát thiên nhiên lại mở toang cánh cửa ra có vẻ như giận dữ. Rất nhiều lần cửa biển này nó tự đóng lại hay tự mở ra, đó là ý muốn nhắc nhở rằng, việc làm này là ý trời đã định sẵng chứ con người không thay đổi được vận mệnh của trời biển, mà phải một mực tuân theo.

Thuận Thiên giã tội
Nghịch Thiên giã vong


Quả thật là một điều rất kỳ lạ mà con người không thể tài nào thấu hiểu được điều kỳ bí của cửa biển Tư Dung.


Tôi cứ ngỡ thành Hóa Châu xưa ban đầu là một Đô-Cảng-Thị bên cửa Sình. Cửa Sình làm ngã ba cho sông Hương gặp biển. Về sau có doi cát nổi trước cửa Sình giống như một con đập chắn sóng. Doi cát ngày càng cao, hất biển ra bên ngoài để vịnh Sình nằm lại. Tất cả nước của đông Trường Sơn qua sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương đều chảy vào đầm Thủy Tú hội với nước sông Truồi rồi ào ra cửaTư Hiền (1).

Phía đông-nam cửa Tư Hiền có mũi Chân Mây từ Hải Vân Sơn lao xuống như một cái mỏ hàn đẩy nước ra ngoài biển. Nước tức, xoáy lại làm vụng sâu.

Hàng ngàn năm với hàng ngàn mùa lũ nước chở đất cát về lấp dần một phần vịnh Cầu Hai để con người đến lập làng.

Lúc đầu Linh Thái Sơn và Thúy Vân Sơn còn là hai hòn đảo đứng giữa mênh mông sóng nước. Lâu ngày bởi sự lắng đọng của phù sa, chân đảo cũng được bồi đắp cao dần.

Doi cát nổi trước cửa Sình không ngừng vươn tới gặp Linh Thái Sơn và Thúy Vân Sơn, góp phần làm cho hai hòn đảo trở thành hai ngọn núi giữ thế định hướng cửa Tư Hiền.


            “Khéo ưa thay cảnh Tư Dung
            Cửa thâu bốn biển, nước thông trăm ngòi
” (2).


Vậy là từ cửa Sình thuyền bè muốn ra biển phải đi vòng khoảng trên ba mươi cây số xuống cửa Tư Hiền, nên đành nhường cảng biển cho Cảnh Dương – Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Hóa Châu trở thành đô thị làm lỵ sở cai quản nội hạt. Làng Sình bên cạnh Hóa Châu thành vẫn giữ nguyên làng tranh dân gian hàng hóa trong nhiều thế kỷ.

Đất cát dồn về triền miên, cửa Tư Hiền nông và hẹp dần. Mùa lũ nước từ đông Trường Sơn gộp với nước của Thất Thế Giới Sơn, Thương Sơn, Duệ Sơn, Động Truồi, Bạch Mã Sơn, Ngãi Lĩnh… tràn xuống. Gặp thủy triều xô ngược vào, cửa Tư Hiền nghẹn nước. Ba con sông (Hương, Bồ, Ô Lâu) quá tải đổ dồn nước vào Ngã Ba Sình. Tức nước vỡ bờ “Đập cát chắn sóng thiên tạo trước cửa Sình bị vỡ ra một quãng làm cửa Eo xả lũ. Cửa Eo tức cửa Thuận An ngày nay.

Thế là vịnh Sình trước thành Hóa Châu lại được mở cửa ra biển. Mở ra bất ngờ thì gọi là phá. Sức phá bởi nước của ba con sông nên mới có tên là phá Tam Giang.

Từ cửa Thuận An vào cửa Tư Hiền nguyên thủy là làn ranh ngoài khơi trong lộng đã lên cạn làm đường cho con người ngược xuôi, rồi làm thổ cư để làng xóm đứng lại, ghi tên những người khai canh, khai khẩn. Như thế hai ngọn núi Linh Thái Sơn và Tuý Vân Sơn cùng với cửa Tư Hiền nằm ở cuối con đường này. Ngày nay gọi là đường quốc lộ 49B, con đường này đã được rải nhựa khang trang, nó nối từ thành phố Huế qua Thuận An, và cứ đi dọc theo hết con đường biển nầy thì ta sẽ gặp hai ngọn núi Linh Thái Sơn và Tuý Vân Sơn cùng với cửa biển Tư Hiền ở cuối con đường.

Núi Rùa

Qui Sơn hay là Linh Thái Sơn đứng ở mút cuối con đường bộ này (nay được gọi là đường quốc lộ 49B), khởi thủy được nguời sở tại gọi là Độn Rùa bởi cái dáng na ná con rùa. Độn Rùa lại trở thành Qui Sơn khi bước vào sách vở của các nhà nho. Đến thời Minh Mạng năm 1837,  Nguyễn Thánh Tổ đã đổi Qui Sơn thành Linh Thái Sơn.


Lạ thay tạo hóa đúc hình
Đất bằng nổi một đỉnh xanh trước trời.
Xa trông chất ngất am mây,
Mái nam hạc diễu, mái tây rồng chầu”
 (3)

 

Núi Linh Thái, còn gọi là núi Rùa


Ngọn núi con rùa linh thiêng bao la này đứng bên trái cửa Tư Hiền như một người lính ngày đêm canh giữ để trời yên biển lặng cho quốc thái dân an.

Đất có núi có biển mới làm nên sơn thủy hữu tình. Núi được người vinh thăng mới lưu danh vạn thế.

Phía sau Linh Thái Sơn có Thúy Vân Sơn giữ vị trí trừ bị. Người xưa lấy Thúy Vân Sơn làm biểu tượng con chim phượng hoàng, thì có lẽ đâu đó phía bên kia cửa Tư Hiền còn long lân mới trọn bộ “tứ linh” (long, lân, quy, phụng) cùng trấn đầu cửa sóng.

Đứng tại Linh Thái Sơn nhìn qua tháp Điều Ngự trên Thúy Vân Sơn ta nhận ra ngay đỉnh núi Bạch Mã ẩn hiện trong những áng mây trắng làm thành bức tranh thủy mặc đặt giữa nền trời. Vịnh Cầu Hai là mặt thấu kính để lung linh núi, lung linh mây, lung linh cánh chim thần. Và, từ Linh Thái Sơn vọng ngắm một vùng non nước ta mới nhận ra thế nào là huyền viễn nơi mảnh đất sơn – hải giao duyên này.

Ngày xưa, người đi biển tìm Bạch Mã mà định hướng đường về, nhìn Linh Thái khi vào cửa Tư Hiền, dựa Cù Lao Chàm thì vào cửa Đại. Gắn bó một cung biển gần (Hội An – Huế) ngoài những ngọn núi ấy, còn có Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, mũi Chân Mây Đông, mũi Chân Mây Tây đã từng là nơi cho thuyền bè tránh bão.

Từ cửa Đại đi lên thành Trà Kiệu, từ cửa Tư Hiền thuyền vào Thành Lồi, như là những tuyến đường “huyết mạch” của mỗi tiểu vương quốc xưa.

Tôi nghĩ đến Amaravâti với tiểu quốc Phật giáo Đông Dương (Indrapura) khi nhìn lên Thúy Vân, Linh Thái những ngôi chùa. Núi Hải Vân (Ngãi Lĩnh) gây hiểm trở gian lao cho người đi bộ nhưng lại có nơi che chở (trừ Hang Dơi) người đi thuyền. Xứ Huế, xứ Quảng, Tư Hiền, Đại Chiêm nối với nhau ân tình bằng con đường nước vậy. Thuyền thả neo dưới chân Thúy Vân Sơn và Linh Thái Sơn một thời hẳn tấp nập lắm!

Trên đỉnh núi Linh Thái ngày xưa có một ngôi tháp Chăm kỳ vĩ. Những ngày nắng đẹp dáng tháp dựng giữa trời trong như một tượng đài uy nghi hùng tráng. Người ra biển, người vào sông hẹn, chào nhau dưới chân ngôi tháp này.


            “Dập dìu buồm xuống thuyền lên
            Cánh hồng lướt gió, khách tiên nghiêng hồ.
            …
            Đoái nhìn nọ tháp kia chùa.
            Trinh măng trên đỉnh lưng rùa khá khen
            Bửu đóng nên một hồ thiên
            Trăng thiền soi tỏ, rừng Thiền rạng thanh
”. (4)


Thế kỷ XIII chiến tranh chống Nguyên rồi sau đó Ô, Rí thành Thuận Hóa những công trường xây dựng đền tháp của các nghệ sĩ kiến trúc Chămpa dường như chuyển dần náo nức vào xứ Vijaya (Bình Định). Tháp Linh Thái có trước hoặc cùng thời với các đền tháp Đồng Dương? Và, nếu như thành Trà Kiệu (Duy Xuyên -Quảng Nam) làm điểm qui chiếu của thánh địa Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm thì Thành Lồi (Khu Túc) cũng là điểm qui chiếu của Vân Trạch Hòa (xã Phong Thu, huyện Phong Điền), Linh Thái Sơn. Tuổi của từng bộ ba ấy nên được xếp trong cùng thế hệ.

Người dân ở đây bảo rằng gần chân tháp có một giếng động sâu đáy thông ra biển. Cứ thả một quả bưởi xuống giếng thì ít lâu sau đã thấy nó nổi trôi trên mặt sóng. Không biết đã có ai làm việc đó chưa, nhưng vẫn cứ truyền ngôn… Trên đỉnh núi còn có một mặt bằng phẳng để làm sân bay cho máy bay trực thăng, và còn nhiều tang vật của thời Chămpa sót lại ở đây…

Người ta cứ băn khoăn đây là động tự nhiên hay giếng nhân tạo? Nếu đúng giếng đào thì người Chăm quả là “vua” của giếng khơi vậy! Và giếng lấy nước ở độ cao ấy đương nhiên đã được đào lúc núi còn là đảo giữa mênh mông sóng nước?…

Thời chúa Nguyễn Phúc Tần, núi có tên chữ là Quy Sơn, Linh Sơn hay Hãn Môn Sơn. Mùa hạ tháng tư năm Đinh Mùi (1667), một hôm chúa ngự giá ra chơi cửa biển Tư Dung, thấy Quy Sơn có thế núi đẹp và biết ở đây vốn có một ngọn tháp của Chiêm Thành nổi tiếng linh thiêng, nên chúa đã sai Thủ bạ Trần Đình Ân đốc suất quân lính dựng một ngôi chùa phía đằng sau tháp. Vì Nhiều thế kỷ nắng mưa nên tháp bị hư hại nặng.  Xây xong, chúa đặt tên chùa là Vinh Hoà và cho mở hội trên núi bảy ngày đêm. Quy Sơn cũng từng được chúa Nguyễn Phúc Tần đặt tên là Quy Cảnh sơn và lập trên núi một thiền viện gọi là Thiền Tĩnh thiền viện hay Quy Kính thiền viện. Chúa cũng đã nhiều lần cho mở đạo tràng  lớn, mời Thiền sư Hương Hải ở đảo Tiêm Bút La (tức cù lao Chàm ngày nay) thuộc hải phận Quảng Nam về thuyết pháp tại đây. Trong thời kỳ hỗn chiến Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn, chùa Hòa Vinh và Thiền Tĩnh viện  bị tàn phá, người địa phương như luyến nhớ một thời Chùa-Tháp uy linh, đã xây thế một ngôi am nhỏ để có nơi thờ tự.

Núi cao, biển vắng, hương khói chẳng mấy người lo nên chỉ còn gió, còn mây giữa rì rào sóng vỗ! Giá như tháp xưa còn đứng lại, giá như chùa Hòa Vinh và rừng cổ thụ còn nguyên thì Linh Thái Sơn hẳn là một địa chỉ nghỉ ngơi, du lịch lý tưởng.

Núi Túy Vân

Đứng phía sau Linh Thái Sơn hơn một cây số là Thúy Vân Sơn. Thúy Vân là một ngọn núi nhỏ gần cửa Tư Hiền, nổi lên giữa một hòn đảo xanh, hùng vĩ, ngày xưa có tên gọi là Mỹ Am Sơn. Núi có dáng dấp đẹp, trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đi qua đây, thấy phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bèn lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho dân địa phương. Trước ngày đại trùng kiến chùa Thiên Mụ, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã tu sửa am cũ thành một ngôi chùa (Nhâm Thân, 1692). Cuối thế kỷ XVIII chùa bị tàn phá hoàn toàn. Mỹ Am rơi vào cõi tịch liêu hoang phế. Đến năm Minh Mệnh thứ 6 (Giáp Thân, 1825) Nguyễn Thánh Tổ đã cho dựng lại một ngôi chùa mới rồi đặt tên là Thúy Hoa Tự. Núi mang tên Thúy Hoa từ đó. Năm Minh Mệnh thứ 17 (Ất Mùi, 1836) nhân lễ đại khánh mừng thọ Thánh mẫu Thuận Thiên Hoàng Thái hậu 70 tuổi, Nguyễn Thánh Tổ lại cho sửa sang chùa Thúy Hoa, xây Đại Từ các và tháp Điều Ngự, đồng thời cho khắc bia đá nói về chùa Thánh Duyên, dựng trên núi Thúy Hoa. Tên chùa và tên núi tách ra từ đó.

Ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu (11.2.1841),Nguyễn Phúc Miên Tông nhận tên mới là Nguyễn Phúc Tuyền, lên nối ngôi đặt niên hiệu: Thiệu Trị. Vì kiêng tên húy bà thân mẫu Hoàng Thái Hậu Hồ Thị Hoa, nên vị tân vương này đã đổi tên núi Thúy Hoa thành Thúy Vân.

Thúy Vân Sơn là núi mây xanh biếc để hợp với thúy ba (sóng biếc) làm nên cảnh đẹp thứ chín của đất Thần Kinh. Bài thơ “Vân Sơn thắng tích” được vua Thiệu Trị  khắc vào bia dựng  ở phía tả cổng chùa, bia cao 1m2, rộng 0.8m, dày 0,16m, bia ghi tháng 7 nhuận năm Thiệu Trị thứ 3 như sau:

Tích thúy toàn ngoan bất kế xuân
Dầu long ẩn phục liệt lân tuân
Huệ phong chung độ u lâm hưởng
Không cốc hương la pháp hải tân
Thụ luyến từ vân phù bích lạc
Kính xuyên tăng kịch tạp hồng trần
           Thánh duyên phổ tế hàm quy thiện

Phật tích tăng quan tự hữu nhân


 Về sau có người chếnh choáng nhìn mây bay đỉnh núi cứ ngỡ là mây say mới gọi Túy Vân Sơn.


 


Cảnh trên Núi Túy Vân


Tên núi là thế, cho dù Mỹ Am, Thúy Hoa Thúy Vân hay Độn Rùa, Qui Sơn, Linh Thái núi vẫn núi ấy nhưng dường như cũng có mạch chuyển Tháp - Am - Chùa.

Tháp Điều Ngự cho dù không uy nghi, kỳ vĩ như một tòa tháp Chăm xưa, cũng giữ được dấu ấn kỷ niệm một thời đã qua. Theo thời gian lặng lẻ trôi mọi sự có chút thay đổi nhưng với tháp Điều Ngự vẫn còn giữ nguyên dáng vẽ của ngày trước, tuy tàn tạ nhưng cái hồn của ngôi tháp thì vẫn còn phảng phất đâu đó trong không khí tỉnh mịch, với gió biển thổi rít xuyên qua những nhánh thông già hàng trăm tuổi trên đỉnh núi Túy Vân nằm dưới chân ngôi tháp. Ở đó bản giao hưởng giữa hiện tại và quá khứ được cất lên bất tận, tháp Điều Ngự nằm phía sau chánh điện, toa lạc trên một gò đất cao, tháp có lối kiến trúc đế hình vuông với diện tích khoảng 16 đến 18m2 gồm có 3 tầng, cao 3 (5) trượng 6 thước 9 tất, mỗi tầng đều có lan can, và 3 cửa vòm, tầng trên thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca mâu Ni Văn Phật và Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương, tầng giữa thờ Nhân Gian Điều Ngự Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn, tầng dưới thờ Địa Phủ Điều Ngự Minh Sát Sum Nghiêm Diêm La Chủ Tể.

Trên đỉnh tháp có trụ đồng trên nóc, lắp bánh xe pháp luân có đeo chuông nhỏ, gió thổi tiếng chuông đồng vang ra xa, rất hay ở chân núi, tíếng chuông cũng còn nghe thấy, nay thì bánh xe pháp luân rơi đâu mất lúc nào cũng không ai biết đến, điện thờ Phật quay mặt về hướng tây, Vua Minh Mạng đã cho dựng bia khác 4 bài thơ ở trong khuôn viên để làm kỹ niệm, trong đó có bài Đăng Điều Ngự tháp là hay nhất.

Nguy nga bảo tháp cứ sơn điên
Thập cấp nhi đăng khởi quyện yên
Tứ diện đài quan lâm đại địa
Tam tăng cao súc lập trung thiên
Vĩnh lưu Điều Ngự thiên thu tại
Thường chuyển Pháp Luân vạn cổ truyền
Nội điễn vi am thông Diệu Đế
Thiện tâm sung khuếch ngộ chân thuyên


Tháp Điều Ngự và những Cây Thông cổ thụ


Có thể cư dân sở tại thuở trước còn nghiêng về tư duy tôn giáo Ấn Độ mà tín ngưỡng Bà La Môn giáo, Ci Va giáo hay Phật giáo đồng hành với tượng, tháp. Tháp Điều Ngự vươn lên vị trí ấy phải chăng là cử chỉ hành xử văn hóa điều gì đã phôi pha cho gần xa, mới cũ đều có một điểm hẹn chung.

Từ Hiền cảng thị, người đến người đi đều an lòng với xứ sở biết tìm đạo mà thờ. Có điểm hướng thiện là có lương dân. Xóa đi tất cả, để mất đi tất cả thì chỉ còn lại rối ren. Tiếng chuông chùa đêm vắng vọng xa như mang thái hòa đi mọi ngả.

Tôi cứ nghĩ miên man về tên làng Đông An, Hiền Vân dưới chân núi Thúy bên chùa Thánh Duyên phải chăng cũng là ước mơ, sở nguyện. Dù không còn, rời khỏi Thúy Vân, Linh Thái tôi vẫn mang theo ý niệm những tiếng chuông chùa với bóng dáng xa xăm của một tòa tháp cổ.

Cửa biển Tư Dung– cửa biển chiến lược.



Cửa biển Tư Dung nay gọi là Cửa biển Tư Hiền


Nằm sát bên núi Linh Thái là cửa biển Tư Dung mà ngày nay gọi là Tư Hiền. Khi chưa có Thuận An, Tư Dung là cửa biển duy nhất và quan trọng của Thuận Hoá trong việc giao lưu chính trị, kinh tế với nước ngoài. Cửa Tư Dung, nơi có Quy sơn “trấn trị” từ xa xưa đã là điểm quan tâm của các vua chúa, kể từ thời Thuận Hoá còn thuộc về người Chiêm Thành. Chính các vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông sau những lần cất quân chinh phục Champa, đều đã thấy nơi đây là một địa thế chiến lược. Cho đến sau này, kể từ thế kỉ XIII, Quy sơn đã không ít lần chứng kiến cảnh quân Nguyên mượn cửa Tư Dung làm bàn đạp để tiến đánh Đại Việt; cũng như chứng kiến Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang giao hảo chính trị, kinh tế với người Chiêm Thành. Và một điều chắc chắn rằng, Quy sơn đã tận mắt chứng kiến cảnh Công chúa Huyền Trân về làm dâu đất Chiêm, một lễ vu quy có một không hai trong lịch sử dân tộc từng diễn ra qua cửa biển Tư Dung.

Đặc biệt, kể từ năm 1470, trong nhiều cuộc hành quân, vua Lê Thánh Tông đã xem Tư Dung là một cửa biển trọng yếu. Sách Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên Phủ, tập thượng, mục Quan Tấn còn ghi rõ: “Đầu niên hiệu Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ngang qua cửa biển Tư Dung, bùi ngùi than rằng: núi sông này hùng dũng lắm thay, đời sau chắc có kẻ anh hùng chiếm cứ chỗ này. Sau vua Thái Tổ (Nguyễn Hoàng) dựng cơ nghiệp ở miền Nam, vua Anh Tôn (Nguyễn Phúc Trăn) đóng đô ở Phú Xuân, lời nói ấy quả có ứng nghiệm“. Vua Quang Trung trong lần tiến quân ra Bắc giải phóng dân tộc dưới danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh, đã lấy cửa Tư Dung làm điểm xuất quân. Về sau nhà Tây Sơn cũng đã dùng nơi đây làm cứ địa tiến thủ. Đào Duy Từ, Lê Quý Đôn, vua Minh Mạng, vua Tự Đức… tất cả các vị này cũng đã từng khẳng định Tư Dung là cửa biển khải hoàn và tháo chạy trong thế chiến lược dưới nhiều triều đại khác nhau. Đặc biệt, chính Quy sơn là nơi chứng kiến sự tiến bộ của dân tộc ta qua việc vua Tự Đức, vào mùa thu năm Quý Dậu, 1873, đã cử sứ thần Bùi Viện lên tàu ra nước ngoài học tập nền văn minh khoa học kỹ thuật, đem về ứng dụng vào việc xây dựng, phát triển đất nước.



Đầm Cầu Hai thông ra cửa biển Tư Dung – góc nhìn từ núi Linh Thái


Dưới thời chống đế quốc Pháp và Mỹ, chính Tư Dung là cửa biển chiến lược mà Quy sơn là cứ địa tiến thủ rất quan trọng của quân đội nước ta. Ngoài ra, cùng với Bạch Mã và Thúy Vân, Quy sơn là vùng đất có nhiều dược thảo quý, trong đó Kim Giao là loại cây có khả năng giúp con người nhận biết được ác tính của độc dược, nên người xưa thường dùng nó làm đũa cho vua ăn.

Những di tích còn sót lại trên núi Linh Thái

Do trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm nên các di tích cũ đến nay đã hoàn toàn bị đổ nát, khiến ta rất khó có thể xác định được vị trí của lầu Vọng Hải, Thiền Tĩnh viện và chùa Trấn Hải, tức chùa Vinh Hòa cũ. Nằm xuôi theo triền núi là một đống gạch vụn có cây Bồ Đề mọc ở trên.



Trong đống đổ nát này, có một am đá bị chôn vùi sâu chừng hai mét. Trong am có tượng Phật kiết già bằng đá bị gãy phần thân trên, chỉ còn lại bán thân của phần dưới.


Nằm xuôi theo triền núi về hướng đông nam xuống thêm chừng 20 mét, tại đây có hai phiến đá nằm cách nhau không xa mấy, mỗi phiến chu vi chừng 0,5 mét. Phiến thứ nhất có hình bệ của một tòa sen và phiến kia là hình trái khế có 8 cạnh. Cả hai phiến đá này đều không thấy có khắc chữ gì. Phải chăng đây là hình chóp của một ngọn tháp có từ thời Champa?

Theo người dân địa phương, năm 2002, trong đống phế tích cũ trên núi Linh Thái vẫn còn sót lại nhiều pho tượng Phật và một tấm bia có khắc chữ Chàm bằng đá. Tiếc là tấm bia và các pho tượng Phật bằng đá ấy đến nay đã không còn.

Hiện nay tại chùa Hải Triều, cách núi Linh Thái về phía nam chừng 700 mét còn tôn trí một bức phù điêu có khắc chữ Chàm bằng đá. Phù điêu này do các Phật tử vớt lên từ hồ Tam Bạc nằm trong vùng núi Linh Thái và thỉnh về thờ tại đây.



Nằm dưới chân núi Linh Thái, ở ngã ba hướng đi từ đường làng ra biển, đến nay vẫn còn dựng một tấm bia đá, cao khoảng 0,5 mét. Lòng bia khắc ba chữ Hán "Linh Thái sơn". Bia do vua Minh Mạng sắc danh, lạc khoản đề "Minh Mạng thập thất niên", tức năm 1836, cùng niên đại với việc vua cho dựng chùa Thánh Duyên trên núi Thuý Vân.


........................
Chú thích:
(1) Cửa Tư Hiền thời Lý gọi là Ô Long, thời Trần đổi thành Tư Dung, thời Mạc kiêng húy Mạc Đăng Dung nên cải ra Tư Khách, thời Lê-Trịnh lấy lại tên Tư Dung, đến thời Nguyễn – Thiệu Trị đặt là Tư Hiền, dân gian có người vẫn gọi theo tên nôm là Cửa Ông hoặc cửa Biện.
(2) Đào Duy Từ, 1572 – 1634, Tư Dung vãn.
(3) Đào Duy Từ, Tư Dung vãn.
(4) Đào Duy từ, tư Dung vãn.
(5) Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép là Hòa Vinh, nhiều tài liệu về sau chép là Vinh Hòa, hay Vĩnh Hòa.
………………
Tài liệu tham khảo:
Trang web: lieuquanhue.vn
angelfire.com
travelingluck.com
Hueninohotel.com
Lukhach24h.com
Quanduc.com
Tapchisonghuong.com
Bài Linh Thái - Thúy Vân, tháp xưa dấu cũ của Mai Khắc Ứng,NguồnTCSH, 3.1999.

Thầy Gioakim Trần Đình Tạo sưu tầm.

 

Theo khamphahue.com

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng