Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Tam Giang giai thoại: Bắn hạ sóng dữ, cứu chúa 'hóa thần'
08:55 | 23/10/2015

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) không chỉ là hệ thủy vực nước lợ lớn nhất Đông Nam Á mà nơi đây còn có những câu chuyện đầy kỳ bí được ghi chép hoặc truyền miệng từ xa xưa.

Tam Giang giai thoại: Bắn hạ sóng dữ, cứu chúa 'hóa thần'
Lễ tế miếu Bà Tơ được tổ chức long trọng - Ảnh: Minh Ngọc
Tam Giang luôn là nỗi khiếp sợ của người xưa, gắn liền với câu ca dao nổi tiếng được lưu truyền: Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang...
Sách Ðại Nam nhất thống chí chép: “Phá Tam Giang ở địa phận hai huyện Phong Điền và Quảng Điền, trước gọi biển cạn (Hạt Hải), năm Minh Mệnh thứ 2 đổi tên như hiện nay, nam bắc dài 30 dặm, đông và tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu sông Lương Điền chảy xuống phá, về phía tây nam có dòng nước đổ vào một là cửa sông Tả, một là cửa sông Trung, một là cửa sông Hữu. Mỗi dòng đều chảy chừng 2, 3 dặm mà vào nên gọi là phá Tam Giang, lại chảy về phía đông nam 25 dặm, mà hợp với sông Hương để ra cửa Thuận An. Nước sông sâu rộng, thường có sóng gió bất trắc, thuyền đi nên đề phòng”.
Sóng Ông, sóng Bà, sóng Con
Sóng dữ trên phá từng là nỗi ám ảnh của nhiều cư dân vùng đầm phá. Chính vì thế, nhiều câu chuyện kỳ bí được lưu truyền lại cho đến ngày nay. Ông Trần Hải (44 tuổi, trú thôn 9, xã Điền Hòa, H.Phong Điền) kể: “Ngày xưa, không ít người bỏ mạng vì bị sóng nhấn chìm. Vùng này có 3 sóng dữ gồm sóng Ông, sóng Bà và sóng Con. Ngư dân trên phá sợ nhất là khi các sóng thần nổi giận. Nhưng giờ hết rồi, nghe nói có ông quan nào đó trị...”.
Vị quan “trị” sóng dữ Tam Giang là ông Nguyễn Khoa Đăng, Nội tán kiêm Án sát sứ, Tổng tri quân quốc trọng sự diên tường hầu thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725). Tương truyền, Nguyễn Khoa Đăng có tài xử kiện, đủ trí xét ngay gian, cho nên được người đời gọi là “Bao công”. Những chuyện như ông tìm ra được kẻ trộm dưa hấu, trộm dầu và trộm giấy... đến nay hãy còn truyền tụng. Chuyện trừ sóng dữ ở phá Tam Giang được lưu truyền lại rất ly kỳ rằng sóng dữ đã bị ông bắn hạ, sau khi bắn, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra trên mặt phá...
Theo sách Truyện kể dân gian Thừa Thiên-Huế do GS Tôn Thất Bình chủ biên, Nguyễn Khoa Đăng loan tin sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, ông đem súng hướng ra phá, ra lệnh bắn sóng... Nhưng thực ra, trước đó ông đã sai người đào mở rộng cửa phá, cho nên sóng dữ mới không còn. Vì thế, dân gian ngày nay vẫn còn câu ca: Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang/Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm. Công trị sóng dữ của Nguyễn Khoa Đăng đã được sách Ðại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Hồi đầu bản triều, nội tán Nguyễn Khoa Đăng đào đường kênh khác thông sông cái để giảm bớt thế nước, từ đấy sóng bớt dần, thuyền đi thuận lợi”.
Người đàn bà đánh cá “hóa thần”
Về H.Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) hỏi Bà Tơ hầu như ai cũng biết. Miếu Bà Tơ ngày nay còn ở làng Bác Vọng, xã Quảng Phú.
Theo ông Đặng Minh Phú, trưởng thôn Bác Vọng Đông, giai thoại xưa kể rằng trong một trận thủy chiến trên phá Tam Giang hơn 400 năm trước, chúa Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng bị truy đuổi. Quân lính đang ra sức chèo thuyền thì bị đứt quai chèo. Tình thế nguy cấp cận kề. May thay, ngư dân Trần Thị Tơ, người làng Bác Vọng, đang làm nghề cá trên phá đã nhanh chóng dâng mớ tơ (còn gọi là tay lưới) giúp quân chúa Nguyễn bện lại tay chèo. Nhờ đó, chúa cùng đoàn tùy tùng thoát hiểm.
Cảm kích ơn cứu mạng, chúa Nguyễn Hoàng ban cho bà một ân huệ. Trước sự chứng kiến của đông đảo bề tôi cùng dân chúng, chúa Nguyễn cho thả bã mía trên sông Bồ, phía trước làng Bác Vọng. Bã mía xuôi theo dòng đến đâu thì bà Tơ được quyền cai quản đến đó. Bã mía trôi theo dòng nước chảy, rồi dạt vào bờ và đó được xác định là nơi xa nhất trong giang phận, được quyền canh tác và khai phá của làng Bác Vọng. Không biết thực hư của câu chuyện ra sao, chỉ biết rằng cư dân làng Bác Vọng có quyền canh phá và khai thác ít nhất từ đầm Hà Lạc ở phía thượng nguồn phá Tam Giang (thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi) cho đến vùng “trộ bã mía” ở khu vực giữa phá Tam Giang (nay thuộc địa phận thôn Mai Dương, xã Quảng Phước). Tại miếu thờ Bà Tơ vẫn còn hai câu đối nói rõ về công lao của bà: Mặt nước hưởng nhờ ơn vũ lộ/Dây tơ cứu khỏi trận phong ba.
Về sau, khi Bà Tơ mất, chúa Nguyễn cho xây miếu thờ. Từ đó đến nay, người dân Quảng Điền xem bà như thần chuyên phù trợ vượt qua hiểm nguy mỗi khi có việc ra biển. Tưởng nhớ công lao của người đàn bà huyền thoại, cả trên sông Bồ lẫn phá Tam Giang, dân làng Bác Vọng vẫn tổ chức cúng tế thường niên vào dịp Minh niên nhằm ngày 11 và ngày 12 tháng giêng, và húy nhật nhằm ngày 18 tháng 5 âm lịch. Lễ tế miếu Bà Tơ đã được đưa vào chương trình của lễ hội Sóng nước Tam Giang.
Theo TNO
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng