Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Trường thanh niên tiền tuyến Huế và giới thiệu sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử
16:38 | 10/08/2018

Chiều ngày 10/8, Thư viện Tổng hợp Tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ban liên lạc trường thanh niên Tiền tuyến Huế tổ chức  Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Trường thanh niên tiền tuyến Huế và buổi giới thiệu sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử của tác giả Trần Bảo Vân. 

Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Trường thanh niên tiền tuyến Huế và giới thiệu sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử
Cuốn sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử của tác giả Trần Bảo Vân.

Trường Thanh niên tiền tuyến Huế gắn liền với tên tuổi hai nhà trí thức lớn, hai người đồng sáng lập trường là Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu. Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế khai giảng ngày 2/7/1945, đào tạo được một khóa học và chỉ kéo dài trong 2 tháng với 43 học viên và 4 giáo viên do ông Phan Tử Lăng làm hiệu trưởng. Ra đời và trưởng thành trong bão táp cách mạng, những học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đã sớm ý thức được tinh thần dân tộc, giác ngộ theo cách mạng. Họ đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi khởi giành chính quyền ở Huế và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày tháng lịch sử của Cách mạng tháng Tám mùa thu 1945”.

Đại tá Lâm Quang Minh – cựu học viên trường Thanh niên tiền tuyến Huế phát biểu tại lễ kỷ niệm


Lễ kỷ niệm 73 năm thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế là để tưởng nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và quê hương Thừa Thiên - Huế, nhớ về những người ưu tú của quê hương, đất nước và nhớ về ngôi trường có số phận kỳ lạ của 70 năm trước với tấm lòng tri ân sâu sắc.

Đại tá Lâm Quang Minh – cựu học viên trường Thanh niên tiền tuyến Huế trao tặng sách cho thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế


Dịp này, Thư viện tổng hợp Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử của tác giả Trần Bảo Vân. Cuốn sách dày 800 trang với hai phần Trước cách mạng và kháng chiến chống Pháp, đám cưới trong hầm De Castries do nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

Tác giả Cao Bảo Vân - con gái của tướng Cao Văn Khánh


Tác giả Cao Bảo Vân (sinh 1962) là con gái của tướng Cao Văn Khánh, bà là TS. dược khoa của Pháp, cựu Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Bà Bảo Vân đã dành 10 năm để đọc 452 tài liệu, sách tham khảo, hàng chục cuốn hồi ký tướng lĩnh dày năm, sáu trăm trang và nghe hàng trăm người của cả hai phía kể chuyện để viết lên cuốn sách về người cha của mình.

Trung tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN  là “vị tướng trí thức”, “con nhà giàu học giỏi” ở Huế. Trước năm 1945, ông dạy toán ở các Trường tư thục Phú Xuân, Lyce’um Việt Anh, Thuận Hóa Huế… cùng với các trí thức nổi tiếng Cao Xuân Huy, Thanh Tịnh, Hữu Ngọc… Tháng 8/1945, Cao Văn Khánh đã nổi tiếng ở Huế, thi Thành chung đậu nhì mà chán, trùm mền bỏ ăn 3 ngày, ra Hà Nội thi lấy hai bằng tú tài toàn phần và tú tài Tây, rồi vào học Luật khoa Đại học Đông Dương. Tướng Khánh từng là học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế năm 1945 thời Chính phủ Trần Trọng Kim.

Bà  Tôn Nữ Ngọc Toản - vợ của Tướng Cao Văn Khánh chia sẻ tại buổi giới thiệu sách


Tướng Cao Văn Khánh là một trong số ít vị tướng tham gia, chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng nhất mà cũng ác liệt nhất suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, là người được đại tướng Võ Nguyên Giáp tin cậy trao những trọng trách khó khăn nhất từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (giữ chức Khu trưởng Khu 5 với mặt trận ác liệt ở Nha Trang, An Khê…) cho đến các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ (chống Pháp) và Tây Nguyên, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972, rồi Tổng tiến công Xuân 1975 với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Vợ của ông là bà Tôn Nữ Ngọc Toản (khi ra Bắc đổi thành Nguyễn Thị Ngọc Toản), con quan đại thần triều Nguyễn, Thượng thư Tôn Thất Đàn. Đám cưới Cao Văn Khánh- Ngọc Toản được anh em bộ đội tổ chức ngay tại hầm De Castries ngay sau khi giặc Pháp đầu hàng.

Năm 1980, ông qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ cho biết ông đã bị di chứng chất dộc da cam sau nhiều năm chiến đấu trên các chiến trường miền Nam. Phần mộ của ông nằm trên đồi Bất Bạt lộng gió tại nghĩa trang Yên Kỳ, nơi ông đã từng chiến đấu.

Đọc cuốn sách "Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử" do Cao Bảo Vân viết về cha mình, người đọc sẽ có dịp hiểu thêm về sự đóng góp lớn lao của một bộ óc chiến lược, một trái tim yêu nước thiết tha, một bản lĩnh trí thức tầm cỡ trong tính cách một vị tướng trên chiến trường. 

 

Phương Anh 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng