Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 15 năm Nhã nhạc-Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới
07:45 | 08/09/2018

Chiều 7/9,  Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ gặp mặt kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993-2018), 15 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại (2003-2018).

 

Kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 15 năm Nhã nhạc-Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới

Vào ngày 11/12/1993 cách đây 25 năm, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. 10 năm sau, vào ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (đến năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây là 2 di sản vật thể và phi vật thể đầu tiên tại Việt Nam được ghi danh là Di sản thế giới.

Năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới và tiếp sau đó, 2 Di sản tư liệu khác của triều Nguyễn cũng đã được Uỷ ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận Di tư liệu đó là: Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), đến năm 2017 Châu bản triều Nguyễn cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Như vậy, Cố đô Huế đã có 5 di sản thế giới ở tất cả 3 loại hình: Di sản Văn hóa vật thể, Di sản Phi vật thể, Di sản Tư liệu và 3 trong số đó đều là các di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở 3 loại hình.

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình

Trong 25 năm qua, có khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn nhiều tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng như 10 nhạc khúc trong lễ Tế Giao, 9 nhạc khúc trong lễ Tế Miếu..nghiên cứu dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu, 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật, Một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn được phục hồi thành công như lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ Truyền lô - Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh tiến sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình, Văn hiến kinh kỳ…

 Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam” cho 10 cá nhân

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDT Huế chia sẻ: "Chặng đường 25 năm phục hưng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế thực sự là chặng đường khó khăn gian khổ với rất nhiều thử thách, nhưng cũng là chặng đường gắn liền vơi những thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo tồn di sản  văn hóa Huế. Trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, di sản văn hóa chắc chắn vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Cố đô Huế".

Cũng trong đợt này, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam” năm 2018 cho 10 cá nhân tại Huế có đóng góp xuất sắc vào việc xây dựng và phát triển sự nghiệp UNESCO của Việt Nam.

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng