Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Kỷ niệm 74 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế
21:59 | 18/09/2019

Tối 18/9, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã tổ chức chương trình nghệ thuật nhằm chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày thành lập tổ chức Liên hiệp Hội (18/9/1945 - 18/9/2019).

Kỷ niệm 74 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương phát biểu tại lễ kỷ niệm

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm đã gửi đến khán giả trích đoạn tuồng cung đình “Mạnh Lương bắt ngựa” và trích đoạn tuồng hài “Trò Trìa đi thi” do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dàn dựng, biểu diễn. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng đã gửi đến người xem các tiết mục múa hát, như: Vũ khúc cung đình “Lục triệt hoa mã đăng”, “Đất nước tình yêu”, “Đất nước bên bờ sóng”, “Nhịp cầu mong nhớ”...

Biểu diễn Vũ khúc cung đình “Lục triệt hoa mã đăng”


Tại đây, các văn nghệ sĩ đã ôn lại chặng đường 74 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế. Cách đây 74 năm, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Huế. Tối 18 -9 - 1945, hơn 50 văn nghệ sĩ Huế đã thống nhất thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên với ủy ban Chấp hành Lâm thời do Hoài Thanh làm Chủ tịch; nhà văn Thanh Tịnh làm Thư ký; bao gồm 4 ban: Văn học, Hội họa, Điêu khắc và Kiến Trúc, Âm nhạc và Ca kịch.

Trích đoạn “Mạnh Lương bắt ngựa”

 

Trích đoạn tuồng hài “Trò Trìa đi thi”


Sự ra đời của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay, hoạt động gắn kết với Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung bộ đặt tại Huế lúc ấy, đã mở đầu một thời kỳ mới của dòng chảy văn học nghệ thuật xứ Huế, đến nay dài trên 74 năm.

Từ đó đến nay, văn học nghệ thuật Huế đã để lại những dấu ấn khó phai qua các thời kỳ đầy cam go, chuyển mình đổi mới của văn học nghệ thuật trên vùng đất xứ Huế. Tổ chức Hội đã chuyển đổi tên gọi từ Hội Văn học Nghệ thuật (1990 - 2005) thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (2005 - 2010), Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (2010 đến nay). Đời sống văn học nghệ thuật trên vùng đất Thừa Thiên Huế ngày càng sôi động. Một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo đang ngày càng phát triển, đến nay đã có 670 hội viên có ở 8 hội chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Văn nghệ Dân gian, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Sân Khấu, Múa với nhiều tên tuổi đóng góp vào nền VHNT Việt Nam đương đại.

Ca khúc  “Đất nước tình yêu” 


Thừa Thiên Huế có nền văn học nghệ thuật trải dài 700 năm, có Hội Văn nghệ thành lập ngay sau khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào ngày 18/9/1945. Hội không chỉ ra đời sớm nhất nước mà còn ngay từ buổi đầu đã quy tụ những tên tuổi nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Nhiều thế hệ văn nghệ sỹ Huế đã làm nên vóc dáng của VHNT Huế đầy trí tuệ, nhân văn, mang tính tiên phong rõ nét, đóng góp lớn vào nền văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế, của nền VHNT nước nhà. 

Ca sĩ Phong Thủy trình bày ca khúc “Nhịp cầu mong nhớ”.


Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh: “Hoạt động VHNT Thừa Thiên Huế không có không khí ồn ào, văn nghệ sỹ Huế trầm lặng hơn bởi tính cách Huế, song đó là sự trầm lặng của những con người chịu khó quan sát và ấp ủ sự khai mở sáng tạo. Những tác phẩm của văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế đang thể hiện khát vọng vươn tới cái đẹp. So với nguồn “văn mạch dằng dặc không dứt” của 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, thì 74 năm vừa qua (1945-2018) chỉ là một khoảnh khắc, song khoảnh khắc đầy lịch sử ấy đang là căn nền cho những dự phóng mới của VHNT Thừa Thiên Huế. Trong bóng dáng thời gian đó, những yêu cầu lớn của văn học nghệ thuật đang đòi hỏi văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế phải không ngừng nỗ lực nhiều hơn”.

 

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng