Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Công bố thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai,
15:26 | 05/06/2020

Sáng ngày 05 tháng 06 năm 2020, hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5/6) với chủ đề cho năm 2020 là “Hành động vì thiên nhiên”, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền.

Công bố thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai,
Ảnh minh họa (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai bao gồm 02 phân vùng: Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 05 huyện, thị xã: Phong Điền; Quảng Điền, Phú Vang; Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Tổng diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai là 2.071,5 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè – Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai bao gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha. Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích là 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai nhằm bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di trú; phục hồi và phát triển phân vùng Ô Lâu trở thành “sân chim” tiêu biểu của khu vực và toàn quốc; bảo vệ và phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế đặc trưng cho đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng tại địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước; phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; cộng đồng địa phương được tham gia quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các giá trị của khu bảo tồn; hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và bảo tồn.

Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Phong trào ngày chủ Nhật xanh đã giúp làm sạch đầm phá. Sau lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh sẽ xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh Trằm chim vùng cửa sông ô Lâu và quy hoạch đa dạng sinh học khu vực này, dự kiến ban hành vào cuối tháng 12/2020 và tổ chức trồng thêm 72 ha rừng mặn trong đó phục hồi khoảng 20 ha vùng trảng cỏ, sình lầy làm các sân chim, nơi kiếm ăn cho các loài chim nước.

 

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng