Thi thể nạn nhân đầu tiên trong số 17 công nhân gặp nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 đã được lực lượng chức năng đưa ra khỏi hiện trường bằng đường sông.
Tìm thấy thi thể đầu tiên
Liên quan đến vụ việc sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 tại Thừa Thiên Huế, nguồn tin của PV Báo TN&MT đang có mặt tại hiện trường thì công an cùng lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể đầu tiên trong số những người mất tích, không liên lạc được (gồm 17 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người của đoàn cứu hộ).
Thi thể vừa tìm thấy là anh Nghĩa (quê Thanh Hóa) - nhân viên lái máy cẩu tháp của nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Thi thể được phát hiện tại một vũng nước, bùn lầy do sạt lở vùi xuống, đang trong quá trình phân hủy.
Nạn nhân đầu tiên được tìm thấy |
Phải rất vất vả, hàng chục cán bộ chiến sĩ mới vớt được thi thể lên khỏi vị trí, vệ sinh sạch sẽ sau đó đưa lên chiếc võng, sử dụng cây gỗ rồi buộc chặt để khiêng vượt đồi núi, khe suối đưa xuống thuyền để chuyển vào bờ…
Thi thể nạn nhân trong chiều 14/10 được đưa về bệnh viện đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà) để cơ quan pháp y thực hiện các thủ tục theo quy định.
Cứu được 19 người
Đoàn công tác cứu hộ cứu nạn do ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu và Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an trong ngày 14/10 đã vượt đường rừng, di chuyển bằng canô, ghe thuyền từ lòng hồ thủy điện Hương Điền đến khu vực các nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4.
Đoàn đã gặp được 19 người (gồm 2 chuyên gia người Ấn Độ và 17 người Việt Nam (trong đó có một phụ nữ). Mọi người vẫn an toàn, không ai bị thương. Tuy nhiên, lương thực thực phẩm, nước sạch cũng vừa hết, đoàn đã tiếp ứng kịp thời.
Sau khi sơ cấp cứu, tiếp tế thức ăn, nước uống, 19 người được đưa lên ca nô đưa ra. Hiện họ đã được đưa lên bờ, di chuyển về bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Theo lời kể của những người này, ngay trong đêm phát hiện ra những nguy hiểm tại công trình, họ đã cùng nhau cắt rừng khỏi thủy điện Rào Trăng 3, đi bộ khoảng 10km băng qua thủy điện Rào Trăng 4. Trong số này có 2 chuyên gia người Ấn Độ mới đến làm việc từ 1-2 tháng.
Công tác tìm kiếm những người mất tích còn lại vẫn đang được chính quyền, lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các lực lượng Quân khu 4, Tỉnh đội, Bộ đội Biên phòng, các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao.
Được biết, nhiều nạn nhân bị vùi lấp trong đống đất đá rất lớn hoặc bị đẩy ra xa xuống vực, xuống hồ nước…
Theo ghi nhận của PV, khu vực đường vào thủy điện hiện tại tập trung đông đảo người dân, trong đó nhiều người thân của các nạn nhân cũng có mặt trông ngóng với hi vọng những công nhân và cán bộ chiến sĩ sống sót trở về.
Người dân và người thân các nạn nhân mong ngóng tình hình |
Trước đó vào ngày 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được một cuộc điện thoại của người dân gọi thông báo tại thủy điện Rào Trăng 3 đang gặp sự cố sạt lở, nhiều công nhân bị vùi lấp, mắc kẹt. Người báo tin trên phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng để gọi điện báo. Ngay sau khi nhận tin, lãnh đạo tỉnh đã gọi lại cho người cung cấp tin nhưng không liên lạc được.
Trong chiều 12/10, đoàn công tác 21 người do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu cùng chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên đường vào rừng xác minh, ứng cứu. Lúc 23h, đoàn tiếp cận báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km. Tuy nhiên do thời tiết xấu, trời tối và địa hình sạt lở nên việc tiếp cận khó có thể diễn ra tiếp tục; đoàn quyết định vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.
Đến khoảng gần 1h sáng hôm sau, sạt lở và lũ bất ngờ quét qua khu vực này khiến đoàn công tác gặp nạn, hiện 8 người đã về, còn 13 người mất tích.
Ba hướng cứu hộ, cứu nạn đã được cơ quan chức năng tiếp cận. Hướng thứ nhất sẽ tiếp tục thông tuyến đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3. Hướng thứ hai theo đường thủy do lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai sẽ sử dụng xuồng và ca nô vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền để vận chuyển hàng hóa tiếp ứng cho công nhân đang bị cô lập ở Thủy điện Rào Trăng 4 và triển khai đưa những người mắc kẹt tại đây ra ngoài. Hướng thứ ba là sử dụng trực thăng...
Đến thời điểm này, còn 29 người đang mất tích và công tác tìm kiếm hết sức khẩn trương.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường