Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao
08:13 | 13/11/2020

Chiều ngày 12/11,  Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức chương trình giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phát hành.

Giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao

Tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” gồm 32 bài thơ, trong đó có những bài thơ đã in trên một số báo và tạp chí cùng nhiều bài thơ chưa được công bố do gia đình lưu giữ. Toàn bộ những bài thơ trong tập thơ đều do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên UV Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Ông là người tuyển chọn 32 bài thơ trong tập thơ " bài thơ của người yêu nước mình" của nhà thơ Trần Vàng Sao


Trong lời tựa tập thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Thơ Trần Vàng Sao chính là cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào… Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, giận dữ ông, giày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông… và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông”.

Đông đảo văn nghệ sĩ Huế đến dự


Tại buổi ra mắt tập thơ, Nhà văn Phạm Phú Phong chia sẻ: “ Thơ Trần Vàng Sao thể hiện một quan niệm về đất nước và nhân dân đã đi qua một cuộc chiến tranh với tất cả sự dữ dội, tàn khốc, trần trụi đến mức tàn nhẫn, với bao nhiêu người đã chôn vùi sự sống và tuổi thanh xuân của mình trong đó, nhưng không phải để bi quan, hư vô đến vô nghĩa mà luôn có cái nhìn ấm áp ở tương lai. Đặc điểm nổi bật trong cấu trúc thơ anh là vào cuối bài thường dùng những câu đồng cảm “vật ngã tương giao” với thiên nhiên, với thời tiết để soi rọi niềm tin vào sức sống của con người”.

Nhà văn - Dịch giả Bửu Ý chia sẻ về bản thảo của nhà thơ Trẩn Vàng Sao tặng cho Dịch giả vào năm 1992, còn rất nhiều bài thơ chưa được xuất bản.


Nói về thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao, nhà văn Mai văn Hoan cho rằng: “ Trần Vàng Sao yêu nước theo cách riêng của mình, yêu quê hương theo cách riêng của mình, yêu mẹ, yêu chị, yêu đồng chí, đồng đội cũng theo cách riêng của mình. Trong những tháng năm đất nước chia cắt, ngoài khát vọng thống nhất, ông còn có khát vọng hòa hợp dân tộc”.

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê chia sẻ  kỷ niệm với nhà thơ Trần Vàng Sao


Nhà văn Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Trần Vàng Sao, ‘Bài thơ của một người yêu nước mình’ một bút danh quốc kỳ và một tấm lòng yêu nước. Chừng ấy đã nói đủ, song chưa nói hết về một nhà thơ, một con người tại thế 76 năm. Ông đã mang mấy tiếng đó như cây thập gái đi qua những khổ nạn đời mình trả giá cho sự tin yêu và thành thực. Ngọn cờ còn bay, nhưng thơ còn lại và tấm lòng thì mãi mãi”.

Nhà văn Mai Văn Hoan tại buổi giới thiệu thơ 


Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 mất năm 2018. Ông lớn lên và sinh trưởng tại Huế. Đầu những năm 60, đi theo tiếng gọi đấu tranh phong trào của sinh viên học sinh Huế, ông tham gia phong trào với nhiệt huyết yêu nước nồng nàn, cuộn trào trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ông trực tiếp  biểu tình, rải truyền đơn, vận động anh chị em sinh viên học sinh đấu tranh, rồi tham gia viết bài cho tập san Nhận Thức của phong trào. Năm 1965 bị lộ nên thoát li lên rừng, công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Ở chiến khu, con người văn nghệ Trần Vàng Sao vẫn cháy, vẫn sáng. Ông làm thơ nhiều, viết bài cho đài truyền thanh, cho báo Cờ Giải Phóng. Đặc biệt, ông còn soạn Cương lĩnh diễn ca để cổ vũ anh e

Anh Nguyễn Đông Xuyên, con trai của nhà thơ Trần Vàng Sao xúc động, cảm ơn sự yêu mến của văn nghệ sĩ dành cho cha mình


Những năm tháng đó đã để lại cho ông một “gia tài” thi ca nho nhỏ. Trần Vàng Sao từng được người đọc biết đến với Bài thơ của một người yêu nước mình sáng tác tháng 12 năm 1967 và được chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX.

Năm 1970, ông bị thương được ra miền Bắc an dưỡng. Sau 1975, ông lần lượt làm cán bộ ở Vỹ Dạ - Huế, Phòng Văn hóa TP Huế, nghỉ hưu sớm từ 1984 đến nay. Cũng năm đó, ông còn nổi tiếng với bài thơ Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình. Ông mất ngày 9/5/2018.

 

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng