Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Kỷ niệm 200 năm ngày băng hà của vua Gia Long (1820 - 2020)
15:18 | 01/02/2021

Ngày 31/01, tại Thế Tổ Miếu - Đại nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày băng hà của vua Gia Long (1820 - 2020) và khai mạc trưng bày về Hoàng đế Gia Long.

Kỷ niệm 200 năm ngày băng hà của vua Gia Long (1820 - 2020)

Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phước Ánh (hay còn gọi là Nguyễn Ánh), còn có húy là Chủng hay Noãn, là con trai thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phước Luân với bà Nguyễn Thị Hoàn, và là cháu nội của Chúa Nguyễn Phước Khoát. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (ngày 08 tháng 02 năm 1762), mất ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (ngày 03 tháng 02 năm 1820). Thọ 58 tuổi, miếu hiệu Thế tổ Cao Hoàng đế, an táng ở Thiên Thụ lăng.

Vua Gia Long đã trải qua gần 25 năm kiên cường đấu tranh, vượt qua nhiều gian lao, hiểm nghèo, cuối cùng thống nhất hoàn toàn đất nước, lập nên triều đại mới, đặt quốc hiệu nước ta là Việt Nam (1804). Là người mở đầu cho vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã ổn định, phục hồi nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước sau thời gian dài chiến tranh, loạn lạc; thiết lập địa bạ và sổ bộ trong toàn quốc; thống nhất đo lường; đúc đồng tiền mới; khơi đào sông ngòi, chăm lo đê điều và phát triển nông nghiệp; giảm nhẹ sưu thuế cho người dân; xây dựng hệ thống giao thông thủy bộ trong cả nước; xây dựng bộ Quốc triều hình luật và ban hành luật lệ mới; dựng lại Văn Miếu và Quốc Học đường, phát triển giáo dục, tổ chức thi cử để kén chọn người tài; xây dựng bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở,...

Dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Gia Long tại Thế tổ Miếu


Nhà vua cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng quân đội hùng mạnh, củng cố, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với nhiều đảo, quần đảo ở Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó là chính sách ngoại giao khôn khéo với Trung Quốc, Xiêm La và các nước trong khu vực, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có vị thế hùng cường  có vị thế ở Đông Nam Á.

Kỷ niệm 200 năm ngày băng hà của vua Gia Long là việc làm hết sức có ý nghĩa, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; là dịp để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc xây dựng và đã để lại cho mảnh đất này những di sản văn hoá đồ sộ, cả về vật thể và phi vật thể để mang những giá trị nổi bật toàn cầu.

Chiều cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai mạc trưng bày về Hoàng đế Gia Long tại điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 3 Lê Trực).

Tham quan không gian trưng bày


Không gian trưng bày về hoàng đế Gia Long tại điện Long An đã giới thiệu với công chúng tổng quan về thân thế, sự nghiệp và những công lao, đóng góp của vị vua đầu triều Nguyễn với công cuộc kiến thiết, bảo vệ đất nước thông qua một số cổ vật và một số hình ảnh tài liệu châu bản, mộc bản có liên quan. Bên cạnh đó, một phần không gian trưng bày giới thiệu về những giá trị cảnh quan sinh thái ở khu lăng tẩm của Hoàng đế và thành viên Hoàng gia.

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng