Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023
21:19 | 21/04/2023

Chiều ngày 21.4, tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế (Quốc Tử Giám Huế), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023.

 Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023
Đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023

Tham dự chương trình, có đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng -  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bà Trịnh Thị Thủy -Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía tỉnhthừa Thiên Huế, có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ Khai mạc Ngày sách Việt Nam


Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Cách đây hơn 02 thế kỷ, Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hoá thế giới từng khẳng định: “Sách vở đầy bốn vách/Có mấy cũng không vừa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò sách cũng đã nhấn mạnh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”. Lời khẳng định này đã phần nào đúc kết được truyền thống hiếu học, trọng sách của dân tộc ta..".

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng -  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc ngày sách

Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của sách và đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng, ngày 24 tháng 02 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Năm 2021, trước yêu cầu mới, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg đưa ngày này thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các thư viện và những doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng nhiệt huyết đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, làm cho xuất bản có bước phát triển nhanh, làm cho văn hóa đọc có sự khôi phục đáng ghi nhận. Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là: “phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.” 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại lễ khai mạc


Phó Thủ tướng cho rằng: “Các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức hôm nay và trong những ngày tới tại Thành phố Huế cũng như khắp mọi miền Tổ quốc thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống: tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách”.

Phó Thủ tướng cũng đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa;  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: xây dựng văn hóa, khuyến học...; tiếp tục tạo môi trườngthuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Đại biểu tham quan triển lãm sách " Huế xưa và nay"


Phát biểu tại buổi lễ,  đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy và nhân rộng việc phát triển văn hóa đọc, đó chính là xây dựng, hình thành và phát triển thói quen, nhu cầu, phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, như  tổ chức Tuần lễ đọc sách miễn phí, nói chuyện chuyên đề: “Sách và cuộc sống”, “Chúng em với di sản văn hóa Huế”, “Cuốn sách của tôi”... Những mô hình “Tủ sách cho bạn và cho tôi”, “Tủ sách tại lớp” đã huy động tối đa các đầu sách hay, ý nghĩa từ các nguồn xã hội hóa và các học sinh, giáo viên cùng xây dựng thư viện trường học.

 Bộ TT&TT hợp tác với 8 cơ quan báo chí thực hiên chương trình truyền thông khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng 


UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế nhằm tạo nên một thương hiệu sách mang đậm dấu ấn Huế góp phần thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách. Đến nay, Tủ sách Huế đã hình thành được 09 xuất bản phẩm, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ xuất bản được 50 ấn phẩm mới và hợp tác gắn logo Tủ sách Huế với hàng trăm sách xuất bản khác trên toàn quốc sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế, giới thiệu đến độc giả, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa về văn hóa của vùng đất Cố đô; đồng thời, sẽ trở thành cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực..., phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển giao 770 ấn phẩm "Tủ sách Huế" đến các điểm thư viện trên toàn tỉnh


Nhân dịp khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II, Bộ TT&TT đã công bố chương trình truyền thông khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị chức năng của Bộ với 8 cơ quan báo chí.Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng 3.000 cuốn sách cho huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm khuyến khích và thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương.

 

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển giao 770 ấn phẩm "Tủ sách Huế" đến các điểm thư viện trên toàn tỉnh góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa Huế; khích lệ văn hóa đọc, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách.

Sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được diễn ra, trong đó UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm, hội sách; tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và nền tảng hỗ trợ xuất bản, phát hành”; giới thiệu tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế; giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả, nhà nghiên cứu với độc giả; tọa đàm về các chủ đề lịch sử, văn hóa, xã hội …

 

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng