Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023
17:34 | 22/07/2023

Sáng ngày 22/7, Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 đã diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam…

Về phía tỉnh có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu;  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu được lựa chọn từ cơ sở, trong đó có 12 đại biểu là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 8 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH); 48 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND), anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến; hơn 100 thương binh, trong đó có 25 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 31 bệnh binh, 64 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác. Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 25 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Hà Nhì, Hrê, Khmer, Mường, Nùng, Paco, Tà Riêng, Tày, Thái, Xê Đăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu chào mừng hội nghị


Phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thể hiện sự tôn vinh, tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người con ưu tú đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc; khơi dậy niềm tự hào, phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, đồng hành với lịch sử của dân tộc, Thừa Thiên Huế là địa bàn trung kiên, anh dũng, kiên cường trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Toàn tỉnh, có 82 tập thể được phong Anh hùng LLVTND, 66 tập thể trên địa bàn tỉnh được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, gần 89.000 người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.473 Bà mẹ VNAH, 50 Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 457 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 19.000 nghìn liệt sĩ được công nhận, ghi danh; có trên 13.000 thương binh, bệnh binh, hơn 15.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có trên 4.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được giải quyết hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước...

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, công tác chăm sóc và thực hiện chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, đời sống gia đình.

Tấm gương sáng cho thế hệ mai sau

Tại báo cáo Tuyên dương người có công với cách mạng, Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng điểm qua những tấm gương sáng. Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  cảm phục trước hình ảnh người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Cách, đến từ huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - người chưa bao giờ có đủ thời gian hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng thân yêu của mình; biết ơn Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hữu Tài, 83 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Sài Gòn; trân trọng chào đón Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai, người dân tộc Paco, mang trên mình thương tật, ông là một trong những đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong AHLLVTND (vào năm 1965)…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc tổ chức hội nghị này thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân cả nước, tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng - những người đã đóng góp công lao to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ đời đời ghi nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà và kỷ vật chiến tranh cho các cán bộ đi B


Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 715/QĐ-CTN ngày 19/6/2023 về việc tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1/7/2023. Theo đó, đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, tương ứng mức tăng 26,54%.

Nhìn lại quá khứ, dòng chảy thời gian đã gắn kết các chặng đường lịch sử dân tộc ta với những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ. Hội nghị đã được nghe Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài chia sẻ về quá trình tham gia chiến đấu, những kỷ niệm trong thời chiến và lời nhắn nhủ cho thế hệ trẻ hôm nay; cùng với đó là câu chuyện đầy cảm động của thương binh 4/4 Lê Minh Phúc và Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Long.

Chăm lo chu đáo những người có công với trách nhiệm lớn lao, nghĩa tình sâu nặng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương tinh thần mạnh mẽ, nghị lực sắt đá, ý chí mãnh liệt nỗ lực vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng mà 300 đại biểu có mặt tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong suốt các chặng đường cách mạng của Đảng, của dân tộc, nhất là trong những năm tháng cam go, khốc liệt của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ biên cương của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; với khát vọng, niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; lớp lớp những người con ưu tú đất nước đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì thực hiện nhiệm vụ, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị


Thủ tướng trân trọng gửi tới các lão thành cách mạng, các Mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng, lòng tri ân sâu sắc và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của mình.

Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và được cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và bệnh binh.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, cần trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta. Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như: Xây “Nhà tình nghĩa”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng...; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta.

Tại hội nghị


Các cấp chính quyền cơ sở tạo điều kiện thuận lợi, nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vị trí, vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng, cho xã hội và cho đất nước chúng ta.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sâu sắc trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm “dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ làm theo, noi gương”.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tặng quà và kỷ vật chiến tranh cho các cán bộ đi B. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao quà cho các đại biểu đại diện cho những người có công với cách mạng và Mẹ Việt nam Anh hùng.

 

 

 

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng