Sáng ngày 18/2 (tức 9 tháng giêng năm Giáp Thìn), tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân đã khai mạc lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”.
Đến dự Lễ hội có Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Ông Hoàng Khánh Hùng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bà Nguyễn Thị Ái Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Ông Nguyễn Nam Tiến - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh. Lễ hội thu hút sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân, và du khách dâng hương vãn cảnh.
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tại đền thờ vua Trần Nhân Tông |
Lễ hội được tổ chức đúng ngày giỗ thứ 684 năm của Công chúa Huyền Trân, nhằm tưởng nhớ công lao mở mang bờ cõi của công chúa Huyền Trân đối với sơn hà xã tắc, người con gái yêu thương và và xinh đẹp của vua Trần Nhân Tông đã hy sinh tình yêu và hạnh phúc riêng của mình vì sự nghiệp lớn để đem về cho Đại Việt một vùng đất Châu Ô, Châu Lý vuông ngàn dặm.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh trống khai hội |
Lễ hội với nhiều hoạt động như Đại lễ cầu nguyện "Quốc thái dân an"; nghi lễ dâng hương tại điện Huyền Trân công chúa, dâng hương tại đền thờ vua Trần Nhân Tông. Sau nghi thức đánh trống khai hội, người dân và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước. Các hoạt động văn hóa, thể thao như Bài chòi, biểu diễn võ cổ truyền, đẩy gậy, trình diễn thư pháp… được tổ chức tạo không khí vui tươi đầu năm.
Lễ hội đền Huyền Trân nhằm quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Huế và thu hút du khách đến Huế. Đây là lễ hội mang tinh chất dân gian của xứ Huế, nằm trong chuổi các lễ hội đầu năm tại thành phố Huế, được tổ chức, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước.
Đây là lễ hội mang ý nghĩa tri ân người đã có công lao mở đất, mở nước nhờ đó chúng ta mới có vùng đất vùng đất Thừa Thiên Huế tươi đẹp ngày hôm nay. Các hoạt động được tổ chức năm nay thì rất là đa dạng, chúng tôi kết hợp nhiều hoạt động, loại hình văn hóa truyền thống như ca Huế, bài chòi, các trải nghiệm trò chơi dân gian truyền thống, các loại hình như triển lãm, trình diễn trang phục áo dài. Các loại hình văn hóa khá phong phú để bà con nhân dân, du khách có cơ hội trải nghiệm hiểu biết thêm về vùng đất Thừa Thiên Huế về văn hóa đặc biệt của xứ Huế.
Nguyên Phương
Ảnh (tổng hợp)