Trong khuôn khổ chương trình “Giáo dục Di sản” và dự án “Bảo tồn, trùng tu và phục chế ảo, tích hợp đào tạo kỹ thuật tại Điện Phụng Tiên”, trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức GEKE đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục di sản thu hút đông đảo trẻ em.
Chương trình “Giáo dục di sản” với hai hình thức chính “Tô màu di sản” và “trí nhớ nghệ thuật Huế” diễn ra tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế và miễn phí toàn bộ đối với trẻ em. Các em cũng được tham gia vào một số trò chơi thú vị, nhằm tìm hiểu về nghệ thuật Huế với họa tiết truyền thống Việt Nam của triều Nguyễn. Các em cũng được giảng giải về kỹ thuật vẽ truyền thống, tìm hiểu về kỹ thuật tô màu và cách sử dụng, hay khám phá những họa tiết độc đáo lưu dấu thời gian tại bình phong và cổng chính của điện.
Tại chương trình lần này, các em còn được lựa chọn tranh họa tiết in trước trên giấy vẽ A3 và thực hành trải nghiệm di sản thông qua hoạt động tô màu nước với cọ vẽ chuyên nghiệp tại văn phòng dự án trong khu vực Điện Phụng Tiên.
Người tham gia trò chơi luyện trí nhớ "Hue The Memory Game" để tìm hiểu về ý nghĩa của các họa tiết. Qua hình thức này, người chơi sẽ cùng nhau nghiên cứu, tìm kiếm các họa tiết được sử dụng tại công trình Điện Phụng Tiên.
Chương trình giáo dục di sản 2024 nhằm mục đích nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Huế, giúp trẻ luyện tập các kỹ năng tập trung truyền cảm hứng và phát huy khả năng nghệ thuật, sức sáng tạo của trẻ thông qua hoạt động khám phá có tính tương tác và vui thú về nghệ thuật Triều Nguyễn.
Một trong số các mục đích của hoạt động lần này là tạo ra không gian vui chơi, khám phá tích cực, tạm tránh xa các thiết bị điện tử. Đây là một chương trình có ý nghĩa, mang lại sự hiểu biết, lưu giữ những nét đẹp văn hóa thông qua những họa tiết nghệ thuật truyền thống của triều Nguyễn.
Băng Khuê