Sáng 19/12, UBND tỉnh phối hợp Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg tổ chức Lễ khởi động 2 Dự án “Tài chính cho khả năng chống chịu - Thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu và tài chính toàn diện tại tỉnh Thừa Thiên Huế để cải thiện khả năng chống chịu của các nông hộ, đặc biệt là phụ nữ”- VIE/039 và Dự án “Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế” - VIE301 do Chính phủ Luxembourg và Quỹ Khí hậu xanh đồng tài trợ.
Dự án VIE/039 có tổng mức tài trợ 2 triệu Euro trong thời gian 2 năm; Dự án VIE/301 có tổng mức tài trợ 10 triệu đô la Mỹ trong thời gian 5 năm. Mục tiêu của 2 dự án này là nâng cao khả năng phục hồi kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu của nông hộ, đặc biệt chú trọng đến đối tượng là phụ nữ; cải thiện hệ thống cảnh báo giúp người dân và chính quyền phòng chống tốt hơn các hiểm họa về khi hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu; phục hồi 400ha rừng ven biển để bảo vệ hệ sinh thái và triển khai các chuỗi giá trị bền vững… Bên cạnh đó, dự án VIE/301 không chỉ hướng đến việc tăng khả năng thích ứng, giảm thiểu mức dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu mà còn kỳ vọng đưa Huế trở thành một mô hình về thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Phát biểu chào mừng tại lễ khởi động, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đánh giá cao những thành quả các dự án mà Nhân dân và Chính phủ Luxembourg đã tài trợ và thực hiện trên địa bàn tỉnh trong 17 năm qua. Trong khuôn khổ hai dự án VIE039 và VIE301 Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ dự án phối hợp chặc chẽ với Cơ quan phát triển Luxembourg trên cơ sở các bài học kinh nghiệm rút ra từ các dự án trước đây, tiếp tục cập nhật các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố Huế giai đoạn 2026-2031, các sáng kiến, mô hình phát triển trên thế giới và ý kiến từ cộng đồng người dân để triển khai nhân rộng các mô hình thành công.
Xây dựng các dự án, chuổi giá trị sản phẩm mới theo hướng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, tăng cường ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh chuỗi giá trị hàng hóa với ưu tiên cao nhất là hướng đến chủ thể thật sự của dự án là hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thị trường, các công cụ tài chính, phát triển các chuỗi giá trị có tiềm năng trên địa bàn tỉnh hiện còn đang phát triển nhỏ lẻ trong nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị di sản, văn hóa và hình thành ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh mong muốn có sự đồng hành của Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg, các tổ chức quốc tế trong quá trình triển khai dự án cũng như hỗ trợ công tác thu hút, vận động nguồn vốn tài trợ để triển khai các dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực như quản lý Lâm nghiệp bền vững; thích ứng dựa trên hệ sinh thái tập trung vào phá Tam Giang và các vùng ven biển; thu hút tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu từ khu vực tư nhân; các chương trình xây dựng năng lực và vận động chính sách, hoàn thiện các khung pháp lý/thể chế, quy hoạch và hạ tầng.
Nguyên An