Mở đầu Chuyên đề LỤT, lời thưa “ Cùng bạn đọc” của Người Sông Hương đã ôn lại kỷ niệm “ Cách đây đúng 10 năm, thảm hoạ Đại hồng thuỷ tháng 11- 1999 đã gần như san phẳng vùng đất Thừa thiên Huế. 385 người chết và mất tích, 94 người bị thương, 20.015 ngôi nhà bị đổ vỡ và cuốn trôi, 1.207 phòng học bị sập, đàn gia súc, gia cầm chết sạch với con số triệu con, hoa màu vườn tược tan hoang, thậm chi nhiều làng mạc gần như xoá sổ... Tang thương ngất trời ngày ấy...”. Ghi chép “ Đi qua vùng lũ” của nhóm Cộng tác viên Sông Hương phản ảnh sức tàn phá dữ dội của cơn bão Ketsana trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2009 vừa qua tại Thừa Thiên Huế, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 10 năm cơn lũ lịch sử năm 1999, xoá tan bao công sức, tiền của Nhà nước và nhân dân gây dựng trong những năm qua. Bài viết “ Thầy và trò và cơn đại hồng thuỷ” của tác giả Lê Vĩnh Thái, ghi lại những ký ức về những ngày đưa học sinh lên đồi tránh lũ. Bài viết “ Những đoản khúc từ đỉnh lũ” của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc viết về giấc mơ khủng khiếp của những người còn sống sót qua đại hồng thuỷ và những giọt nước mắt của đồng bào khắp cả nước khi xem truyền hình về cơn lụt tang thương ấy, nhưng “ có một điều cần phải nói, là trên dòng sông này sau đại hồng thuỷ ấy, có một dòng sông chảy không chết là tình người và sự hồi sinh”. Trong Chuyên đề còn có nhiều bài viết đặc săc về lũ lụt năm 1999: “ Trời hành cơn lụt mỗi năm” của tác giả Trần Kiêm Đoàn; “ Lụt Huế” của tác giả Lê Huỳnh Lâm; Tuỳ bút “ Huế trong mùa nước nổi...” của tác giả Trần Hạ Tháp; “ 10 năm thương lắm Huế ơi” của tác giả Trần Hữu Lục; “ Về quê mùa bão lụt” của tác giả Nguyễn Đặng Mừng; “ Sống còn trong cơn đại hồng thuỷ” của tác giả Hoàng Thị Như Huy; “ Thơ văn và lũ lut” của tác giả Đặng Tiến; truyện ngắn “ Oan gia ngõ hẹp” của tác giả Trần Thuỳ Mai... Trang thơ trong chuyên mục với nhiều bài thơ của các tác giả: Nguyên Quân, Võ Văn Hoa, Khaly Chàm, Khả Lôi Nguyễn Việt Vương, Lê Huy Hạnh, Hồ Đắc Thiếu Anh và ca khúc “ Bão” của tác giả Nguyễn Thành Nhân phổ thơ Nguyễn Trung Bình. |