Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Những nét mới đáng ghi nhận qua nửa chặng đường Giải thưởng VHNT Cố đô lần IV (2009)
09:32 | 04/12/2009
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô là một giải thưởng có uy tín của tỉnh Thừa Thiên Huế, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.
Những nét mới đáng ghi nhận qua nửa chặng đường Giải thưởng VHNT Cố đô lần IV (2009)
Hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu

Tại giải lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 218 tác phẩm, chùm tác phẩm của 102 tác giả. Nhân dịp vòng sơ khảo vừa mới kết thúc, PV tạp chí Sông Hương dã có cuộc trao đổi nhanh với hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu- chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, Phó ban tổ chức Giải thưởng Cố đô.

PV: Xin ông cho biết Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô năm nay có gì khác không so với 3 lần tổ chức trước đây?

Hs Đặng Mậu Tựu: Giải Cố đô lần thứ IV này có rất nhiều điểm mới so với những lần tổ chức trước đây. Trước đây, việc thành lập Hội đồng sơ khảo và chung khảo được Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định ngay trước khi bước vào xét giải còn lần này thì sau khi xét sơ khảo xong tỉnh mới ra quyết định thành lập Hội đồng chung khảo. Các thành viên Hội đồng sơ khảo không phải do thường trực Hội Liên hiệp giới thiệu như những lần chấm giải trước đây mà do chính Ban chấp hành các hội chuyên ngành giới thiệu lên. Hội đồng sơ khảo lần này cũng không chỉ còn bó gọn chỉ có người địa phương, mà có sự tham gia của đa số thành viên đến từ những địa phương khác. Chủ tịch hội đồng sơ khảo của mỗi chuyên ngành chỉ được bầu khi bắt đầu vào chấm giải và các chủ tịch Hội đồng sơ khảo cũng là thành viên của Hội đồng chung khảo.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng thành viên của Hội đồng sơ khảo nên chỉ để là người địa phương, vì nếu là người ngoại tỉnh thì làm sao hiểu hết được Huế, văn hoá Huế cũng như những tâm tư, tình cảm của các tác giả gởi gắm trong tác phẩm?

Hs Đặng Mậu Tựu: Ban tổ chức chúng tôi cũng đã có nghe vài ý kiến về vấn đề này, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, nhất là sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Hoà- Phó Chủ tịch UNND tỉnh, đồng thời là Trưởng ban tổ chức Giải- là làm sao để nâng cao hơn tầm vóc của giải Cố đô lần này để xứng đáng hơn với một vùng đất thấm đẫm văn hoá, và để tránh tình trạng “thơ ca hò vè” về chuyện “vừa thi vừa chấm” như ở một giải Cố đô đã tổ chức trước đây nên chúng tôi chỉ thành lập Hội đồng sơ khảo khi đã “đóng” thời gian nhận tác phẩm và mời thành viên Hội đồng sơ khảo là những người ngoài địa phương, nhưng đều là những chuyên gia đầu ngành rất có uy tín trong và ngoài nước. Hơn nữa, họ cũng không phải là những người xa lạ gì với Huế. Chúng tôi có thể kể đến những cái tên như: Giáo sư Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nghệ sĩ nhân dân Lê Huy Quang, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ…

PV: Thưa ông, các thành viên Hội đồng sơ khảo có đánh giá có những đánh giá như thế nào về giải Cố đô lần này? Và khi nào thì chúng ta có thể biết được những người đứng trên bục nhận giải?

Hs Đặng Mậu Tựu: Qua vòng sơ khảo(từ 10/10 đến 08/11/2009), các thành viên Hội đồng sơ khảo đều có những nhận xét tốt về các tác phẩm tham dự giải như: chất lượng của nhiều tác phẩm rất khá… Việc có nhiều tác phẩm được lọt vào chung khảo và các tác phẩm bị loại có chất lượng không chênh lệch nhau nhiều thật sự là một điều đáng tiếc. Công tác tổ chức năm nay cũng tỏ ra chuyên nghiệp hơn, chu đáo hơn. Còn về thời gian chấm chung khảo và trao thưởng, cơ quan thường trực của giải đã đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh là trong tháng 12/2009 này, thế nhưng hiện vẫn còn chờ…

PV: xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

PV


Các bài mới
Các bài đã đăng