Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Rộn rã ngày Thơ Việt Nam tại Huế
15:47 | 01/03/2010
Tối ngày 28/2 (Rằm tháng Giêng), tại sân Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế đã diễn ra đêm thơ Nguyên Tiêu với chủ đề “ Cố đô Huế hướng về Thăng Long- Hà Nội ngàn năm”.
Rộn rã ngày Thơ Việt Nam tại Huế

Dưới ánh trăng rằm trong không gian thơ mộng, cổ kính của Đại Nội Huế, đêm thơ được mở đầu với bài thơ “ Nguyên Tiêu” (Rằm tháng giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu qua giọng ngâm của nghệ sỹ Bạch Hạc. Bài thơ đã đi vào lịch sử như một dấu son trong thơ ca cách mạng thời kháng chiến chống Pháp. Chính vì ảnh hưởng lớn của bài thơ bất hủ đó nên những năm gần đây Tết Nguyên tiêu của nước ta đã mang thêm một ý nghĩa mới- “Ngày Thơ Việt Nam”.


Chương trình thơ được tiếp nối với gần 20 tiết mục mang chủ đề Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế trong hành trình mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam, Bắc Nam non sông liền mội dải và "Hà Nội - Huế - Sài Gòn, là cây một cội là con một nhà!", về tình yêu quê hương đất nước, mùa xuân trong thi ca.... Các bài thơ “ Nhớ Bắc” của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, “ Thượng Nguyên tiêu ngoạn nguyệt “ (Ngắm trăng đêm rằm tháng Giêng) của vua Thành Thái, thơ trên Điện Thái Hòa của các vị vua triều Nguyễn, bản “ Tứ Đại Cảnh” của vua Tự Đức được gửi đến công chúng yêu thơ qua sự thể hiện của các nghệ sỹ thuộc Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế.


Tại đây, công chúng yêu thơ đã giao lưu, thưởng thức những bài thơ, những tình cảm của các nhà thơ xứ Huế: Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Nhất Lâm, Đõ Văn Khoái... viết về Thăng Long- Hà Nội ngàn năm, và thơ của nhà thơ trẻ Hoàng Nguyệt Xứ, Lê Vĩnh Thái lấy cảm hứng từ cuộc hôn nhân- mở mang bờ cõi về phương nam của Công Chúa Huyền Trân. Trong đêm thơ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đến từ Hà Nội cũng đã lên đọc thơ và giao lưu với công chúng. Ngoài những tiết mục thơ, các ca khúc phổ thơ cũng được các ca sỹ trình bày xen kẻ như: “ Mùa xuân nho nhỏ”, “ Ru Tây Nguyên”, “ Huế và em”, “ Chia tay Hà Nội”, Khúc hát ba dòng sông”...


Qua hơn nửa chương trình của đêm thơ, trên nền trời Huế bắt đầu có những giọt mưa, nhưng không vì thế, khán giả, những người yêu thơ vẫn ngồi chật kín trước sân Điện thái Hòa để nghe thơ đến phút cuối cùng. Thơ đã đưa mọi người gần nhau hơn, đến với những khoảnh khắc bất tận của quê hương đất nước, của mùa xuân trong thi ca, niềm tin về một ngày mai và sự trường tồn của thi ca.


Đêm thơ đã thành công ngoài mong đợi, mọi người ra về nhưng trong lòng vẫn còn day dứt, tiếc nuối... và mong đến đêm thơ Nguyên Tiêu năm sau. 
 

Một số hình ảnh tại đêm thơ Nguyên Tiêu


PV





Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế vào Xuân (10/02/2010)