Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Long trọng kỷ niệm 140 năm ngày mất của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm
14:40 | 14/05/2010
Chiều ngày 13/5, tại Phủ Tùng Thiện Vương, số 91 Phan Đình Phùng, Huế, Hội đồng gia tộc Phủ Tùng Thiện Vương phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày mất của một nhà thơ tài hoa Tùng Thiện Vương - Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1870-2010). 
Long trọng kỷ niệm 140 năm ngày mất của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm
Nhà thơ tài hoa Tùng Thiện Vương - Nguyễn Phúc Miên Thẩm

Trong tối cùng ngày, tại đây cũng đã diễn ra đêm thơ Tùng Thiện Vương, với sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và đông đảo bà con họ tộc, những người mến mộ thơ ông. Mọi người đã được nghe lại những bài thơ nổi tiếng của ông qua giọng ngâm của các nghệ sĩ và những bài thơ do các nhà thơ hiện tại viết về ông.

Tùng Thiện Vương sinh ngày 24 tháng 10 năm Kỷ Mão (11 tháng 12 năm 1819) tại cung Thanh Hòa trong cấm thành Huế. Đến năm 1832, khi đã có Đế hệ thi, ông được cải tên là Miên Thẩm. Thơ của ông dù viết theo thể loại nào (hành, dao, thán, từ…), dù mang nội dung cảm hoài, ngôn chí hay thù tạc... tất cả đều có văn pháp giản dị, ý tứ thâm sâu, chữ nghĩa chọn lọc, đều mang tính hiện thực cao (rất gần với thơ Đỗ Phủ thời nhà Đường), chứa đựng tinh thần yêu nước, thương dân, hết lòng vì bè bạn. Có thể kể đến một bài như: Phù lưu tiền hành, Mại trúc dao, Kim hộ thán, Bộ hổ từ…

Nghệ sỹ Bảo Cường đang ngâm thơ của
nhà thơ tài hoa Tùng Thiện Vương- Nguyễn Phúc Miên Thẩm


Bên cạnh những nỗi đau chung, nơi tâm tư ông còn trĩu nỗi đau riêng. Theo sử sách ghi, sau đám tang vua Thiệu Trị (1847), hai người cháu ruột của ông là Hồng Bảo và Hồng Nhậm cùng tranh giành ngôi vua, mở màn cho một bi kịch chốn vương triều. Cuối cùng, Hồng Bảo bị hạ ngục vì tội liên hệ với "bên ngoài", để rồi phải tự tìm cái chết thân còn mang xiềng xích. Thảm cảnh đã được ông khéo gửi gấm trong một bài thơ khá dài: Quỷ khốc hành.

Năm 1866, cuộc biến động ở Khiêm Lăng (loạn Chày vôi thời Tự Đức) do chính con rể đầu của ông là Đoàn Hữu Trưng chủ xướng, một lần nữa khiến vết thương lòng nhức nhói cho đến cuối đời (Vận, Tuế án độc tọa khiển muộn…).

Tuy sau này vua Tự Đức xét ông vô can, nhưng chính nỗi đau mới này cùng với lo toan dân tình, nạn nước; tất cả khiến lòng ông thêm chán ngán cảnh điện ngọc, cung son đã khiến tinh thần ông thêm suy sụp nơi cơ thể vốn gầy gò, lắm bệnh...Ông viết:

Lờ mờ học Đạo nửa đời người
Trúc dép, đường đi mới rõ mười
Thiên Mụ, Thánh Duyên trăng với sóng
Bóng rừng, hương nước, có còn ai?
(Tuyệt Bút Từ, 1870)

Ông sống trong một giai đoạn lịch sử hết sức rối ren: nội bộ triều đình lủng củng, rạn nứt, loạn lạc khắp nơi, thiên tai gây mất mùa nhiều năm cùng nạn ngoại bang xâm lấn nhưng theo quy chế nhà Nguyễn, các ông hoàng không được đi thi, ít được tham gia chính sự nên khó xác định được tài năng thật sự của ông trong các lĩnh vực khác (kinh tế, chính trị, quân sự...).

Tùng Thiện Vương nổi tiếng về thơ, do đó đương thời có câu truyền tụng: "Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường". Và cùng với hai em là Tuy Lý Vương, Tương An Quận Vương, cũng được người đời xưng tụng là "Tam Đường".

Sinh thời, ông là một ông hoàng có nhiều uy tín bởi đạo đức cao, tri thức rộng. Ông đến với mọi người đều bằng tấm lòng chân thực, khiêm tốn, phóng khoáng; không hề phân biệt địa vị, tuổi tác hay sang hèn. Nhờ vậy Tùng Vân xã (còn được gọi là Mặc Vân thi xã) mà ông là "Tao đàn nguyên súy" tập họp được nhiều danh sĩ, trong đó có Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát... Về văn nghiệp, ông là một nhà thơ chữ Hán bậc thầy, được các danh sĩ đương thời, kể cả vua Tự Đức, nhờ duyệt thơ và được một số nhà thơ Trung Quốc đánh giá cao, trong đó có Tiến sĩ Lao Sùng Quang.

Cho đến nay, với 14 bộ sách lớn của đời ông bao gồm các lĩnh vực triết học, lịch sử, âm nhạc, văn chương... chứng minh ông xứng đáng là một nhà lao động trứ thuật hăng say. Và sự nghiệp của ông có thể nói là sự nghiệp của một nhà bách khoa, sự nghiệp của nhà văn hóa Việt Nam thế kỷ 19. Trong sự hạn chế nhiều mặt của người nghiên cứu hiện nay, chưa ai có thể trong một thời gian qui định đã có thể trình bày đầy đủ, tường tận về mọi mặt đóng góp cho lịch sử văn hóa dân tộc của Miên Thẩm. Chỉ nói riêng sự nghiệp văn chương và cũng chỉ giới hạn trong một tác phẩm đồ sộ của ông là Thương Sơn thi tập, Miên Thẩm cũng đã ở vào hàng các nhà thơ chữ Hán tiêu biểu trong hoàng tộc Nguyễn vào thế kỷ XIX.

Dưới đây là một số hình ảnh tại đêm thơ

Họa sỹ Đặng Mậu Tựu Phát biểu khai mạc đêm thơ

Nhà thơ Hải Trung- người thực hiện kịch bản và dàn dựng chương trình

Nhà thơ Mai Văn Hoan đang đọc bài thơ của mình
viết về Tùng Thiện Vương - Nguyễn Phúc Miên Thẩm

 

Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, đông đảo bà con họ tộc
và những người yêu thơ đang ngồi nghe thơ của ông



PV

Các bài mới
Các bài đã đăng