Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Lễ tưởng niệm và cầu siêu tại di tích lịch sử văn hóa Chín Hầm
14:21 | 27/07/2010
Sáng ngày 27/7, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm và cầu siêu bạt độ anh linh cho các anh hùng liệt sỹ, nhân sỹ trí thức, học sinh sinh viên và đồng bào các giới đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước tại di tích lịch sử văn hóa Chín Hầm, phường An Tây, thành phố Huế.
Lễ tưởng niệm và cầu siêu tại di tích lịch sử văn hóa Chín Hầm
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Khu di tích

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Giàng Seo Phử, UV TƯ Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc; Hồ Xuân Mãn, UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các phường, xã trên địa bàn thành phố Huế...

Khu vực Chín Hầm nguyên là kho cất giấu vũ khí của thực dân Pháp được xây dựng vào năm 1941, cách trung tâm thành phố Huế 6 km về phía Tây Nam. Dưới chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, tên lãnh chúa tàn ác Ngô Đình Cẩn- em ruột của Ngô Đình Diệm đã cải tạo, sửa sang lại những căn hầm này vào năm 1956 và biến nó trở thành nhà tù “địa ngục trần gian” của chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Đây là nơi chúng đã giam cầm, tra tấn, đày đoạ và thủ tiêu những chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhân sỹ trí thức, các thương gia, sinh viên, học sinh, tăng ni, Phật tử, đồng bào yêu nước đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Tại Lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Cao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế đã phát biểu: "Lễ tưởng niệm và cầu siêu được tổ chức tại khu vực Chín Hầm không chỉ làm ấm lòng gia đình của những người đã khuất, mà còn đáp ứng được phần nào nguyện vọng của đông đảo nhân dân, của cả dân tộc đã phải trải qua bao đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Sự kiện này cũng là dịp giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, về truyền thống bất khuất của dân tộc ta, hiểu thêm giá trị vô giá của độc lập và tự do của đất nước...”

Sau Lễ tưởng niệm tại quảng trường tượng đài bất khuất Khu di tích lịch sử Chín Hầm là Lễ cầu siêu do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày (27-28/7) tại Nhà tưởng niệm Khu di tích lịch sử Chín Hầm.

PV








Các bài mới
Các bài đã đăng