Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Ngày thơ Viếng mộ thi nhân
14:35 | 16/02/2011
Trong khuôn khổ các chương trình hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX, sáng ngày 16/02, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã tổ chức chuyến đi viếng mộ các văn nghệ sĩ đã khuất.
Ngày thơ Viếng mộ thi nhân
Dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường Quốc Học Huế

Nếu như ở những năm trước, việc đi viếng mộ các văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế là tấm lòng của các văn nghệ sĩ hiện tại hướng về cố nhân, thì từ năm 2010 đến nay hoạt động đó đã được đưa vào chính thức trong chương trình ngày Thơ Việt Nam.

Nếu như trước tết Nguyên Đán Huế chìm trong những cơn mưa nghi ngút và cái lạnh buốt giá bao nhiêu thì từ sau tết đến giờ, Huế lại chìm trong cái nắng ngọt ngào lung linh bầy nhiêu. Và ở ngày đi viếng mộ này cũng vậy. Trong cái nắng ấm áp mùa xuân, đoàn 25 người viếng mộ thi nhân của Huế do họa sỹ Đặng Mậu Tựu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế dẫn đầu cùng với nhiều nhà văn nhà thơ của Huế như Nhất Lâm, Hồng Nhu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Nguyễn Thiền Nghi...đã làm một cuộc hành trình về lại cội nguồn trong tâm thức.


Nơi chúng tôi đến đầu tiên là trường THPT Quốc Học Huế, nơi có đặt bức tượng toàn thân của Nguyễn Tất Thành, người sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Đây là ngôi trường gắn bó một thời đi học của Người, và cũng là ngôi trường mà rất nhiều danh nhân, nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã từng học. Rời nơi đây, chúng tôi lại ngược lên hướng Nam Giao để đến với Khu lưu niệm Phan Bội Châu. Phan Bội Châu là nhà yêu nước, nhà tư tưởng, đồng thời là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa gắn với hình ảnh Ông già Bến Ngự đã trở thành nơi lui tới quen thuộc của nhiều người Huế và khách thăm Huế.


Gần Khu lưu niệm là Nghĩa trang Phan Bội Châu. Nghĩa trang Phan Bội Châu được xây dựng năm 1934 ở đường Thanh Hải rộng gần 6 ngàn m2, là nơi an nghỉ cuối cùng của những người cùng chí hướng với cụ Phan. Chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diễu là người đầu tiên được an táng tại đây. Ngoài ra còn 21 ngôi mộ của những người có công với nước như: liệt sĩ Lê Tự Nhiên, nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), mạc sĩ Nguyễn Huy Nhu, Tam lang tịch Nguyễn Văn Soạn, nữ sử Đạm Phương…


Đầu xuân, khu nghĩa trang càng rợp mát bởi bóng của những hàng cây. Nó cũng như tâm hồn của những nhà thơ khi trở về với cát bụi, muốn được yên tĩnh, suy tư cùng xứ Huế.Các nhà thơ nhà văn trẻ đi trong chuyến này hôm nay cũng có dịp hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của các văn nghệ sĩ từ những nhà văn nhà thơ tiền bối đi trong đoàn. Hơn cả những gì trong sách vở, các em đã được hiểu thêm về sự bình dị lẫn nỗi niềm sâu xa hay cái sâu thẳm trong đời của những người đã khuất, và tất nhiên, là cả những niềm thơ lặng lẽ.


Rời nghĩa trang Phan Bội Châu, chúng tôi đến với khu vực đồi Từ Hiếu, nơi được chọn làm chốn an nghỉ của một số nhà thơ, nhà văn và chí sĩ yêu nước như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Vĩnh Mai, Trần Thúc Nhẫn, Trần Cao Vân... Tùng Thiện Vương là con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, và là em vua Thiệu Trị đồng thời là một thi nhân Việt Nam thời nhà Nguyễn. Nhắc đến ông, ít ai mà không nhớ một câu xưa: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”. Thơ Tùng Thiện vương hàm súc, ngụ ý sâu xa mà vẫn tươi tắn, trong ngâm vịnh có nặng tình với đất nước và những người cùng khổ. Ông cũng có một số bài thơ về mùa xuân tuyệt hay, trong đó có thể kể đến như bài "Liễu”: Năm ngoái xuân tàn, oanh biệt bay/ Dung nhan tiều tụy, chỉ trăng hay/ Đêm qua gió rộn, xuân đâu thế/ Sầu mới dâng lên ngút nét mày.


Thắp nén hương cho những cố nhân, chúng tôi bỗng thấy lòng gần gũi và ấm áp lạ thường. Giữa một khu đồi bát ngát bóng thông, trời xanh lãng đãng và những tia nắng xuân nhẹ êm, những cơn gió thổi nhẹ vào lòng người nỗi bâng khuâng khó tả. Bóng dáng tiền nhân như hiện về… Nhà văn Hồng Nhu tuy đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, tóc bạc trắng, nét mặt bừng sáng và phiêu du như đang hào hứng nói chuyện với ai đó khi băng qua những triền đồi, lăng mộ, những cỏ cây rậm rạp thắp những nén hương tưởng nhớ người đi trước.


Điểm tiếp theo dừng lại của đoàn Viếng mộ thi nhân là khu vực nghĩa trang thành phố, nơi yên nghỉ của các nhà thơ Hải Bằng, Thanh Tịnh, Thái Ngọc San, Nguyễn Văn Phương và Xuân Hoàng. Nhà thơ Hải Bằng đi vào cõi vĩnh hằng đã hơn 10 năm rồi, nhưng độc giả yêu thơ miền Trung, nhất là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vẫn không ai quên “người nô bộc tận tụy” của thơ ca. Nhiều bài thơ của ông đến nay vẫn được nhiều người thuộc lòng. Mộ của thi sĩ Nguyễn Văn Phương (còn có tên gọi khác là Phương xích lô, theo nghề nghiệp của anh) thì hơi đặc biệt, vì ngoài phần mộ còn có một tấm bia đã khắc bài thơ “Thiên thu ca” của anh, bài thơ mà nhiều người đã nhận thấy “nó như là một lời dự báo cho số phận của mình”. Nguyễn Văn Phương có nhiều bài thơ hay về Huế, nhưng anh tâm đắc nhất vẫn là “Bảy màu mưa Huế”, trong đó có những câu được nhiều người Huế nhớ mãi: “Anh đưa em về ngang qua Đại Nội/ Con đường tình yêu chạy dọc Hoàng Thành/ Những đám rêu xưa thình lình tỉnh giấc/ Tắm hồn mình trong những giọt Mưa xanh…”


Xuân Hoàng có lẽ là người yểu mệnh nhất trong các nhà thơ, nhà văn xứ Huế đã yên nghỉ. Năm 2006, anh ra đi ở tuổi 40, khi đang chín muồi đam mê, sáng tạo văn chương; khi vừa mới nguyện tự bỏ việc “làm báo vặt” để toàn tâm, toàn ý cho văn chương (dù khốn khó). Xuân Hoàng viết cả thơ, truyện ngắn và tiểu luận, nhưng thành công đáng kể nhất là tùy bút. Xuân Hoàng tính tình nhún nhường và ưa nghĩ ngợi. Vậy nên, đọc tùy bút của Hoàng cứ như là đang nghe anh rủ rỉ cởi mở những điều tâm sự tận đáy lòng về cuộc đời này. Đôi khi, những câu văn của anh khẽ khàng đến run rẩy "Nhớ khu vườn cũ nhà em ngày Tết nở đầy hoa mai. Con bướm vàng ngày cũ khát khao màu hoa nở lụa là trong nắng. Để trong ký ức tôi từng cánh mỏng hoa rơi nhè nhẹ xuống cội lòng"...


Vậy mà Xuân Hoàng lại ra đi đột ngột và nhẹ nhàng (nhưng không biết đã thanh thản với trần gian chưa) trong một ngày mưa Huế sụt sùi, khắc lại câu thơ trên bia mộ và lòng người yêu mến anh: Anh đi để lại bên thềm vắng/ Một đóa vô thường em hái không? Không chỉ là ngày Thơ, chủ nhật hoặc có người quen về thăm Huế, bạn bè lại xách lên mộ Hoàng chai rượu trắng và rủ rỉ cùng anh, người đã hóa “vô thường”. Thôi thì anh Hoàng ạ, cuộc đời vẫn vậy, mọi niềm vui, nỗi buồn, kể cả sự khắc khoải và thao thức của chúng ta rồi cũng sẽ hóa “vô thường”.


Nơi cuối cùng mà đoàn viếng mộ đến chính là ở một ngọn đồi nhỏ nằm ở khu vực phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Nơi đó có một ngôi mộ đôi rất mới, là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ Phùng Quán và vợ là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm. Hài cốt vợ chồng nhà thơ Phùng Quán vừa được cải táng từ Hà Nội đem vào từ đầu năm 2011. Lăng mộ này đã được xây dựng cũng từ số tiền quyên góp của bạn bè vợ chồng nhà thơ cũng như của anh em văn nghệ sĩ trên toàn quốc. Vậy là nhà thơ đã có một bến đỗ bình yên trong vòng tay bè bạn ở ngay tại quê nhà yêu dấu.
 

Vẫn còn một số ngôi mộ của các nhà văn nhà thơ chúng tôi vẫn chưa thể đi đến được khi chương trình bị bó buộc bởi thời gian. Thôi thì đành hẹn một dịp khác. Phút giây như cứ đang trôi đi vùn vụt, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người, điều đáng nói, đáng để nhớ vẫn là những câu thơ và lẽ sống thi nhân của những thi nhân không trôi đi theo thời gian.


Ngày Thơ Việt Nam, Viếng mộ thi nhân với chúng tôi là một ngày rất thực sự có ý nghĩa. Ngoài tỏ lòng tri ân và mến mộ với người đi trước, chúng tôi – nhất là các bạn trẻ - còn biết được thêm nhiều điều về lẽ sống, về thơ ca và thấy thêm một lần được vun đắp tâm hồn để trưởng thành hơn và biết quan tâm hơn. Đây cũng là dịp để giáo dục, khơi dậy truyền thống thơ ca cho thế hệ trẻ trên mảnh đất thơ ca này.


PV








Các bài mới
Các bài đã đăng