Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Đêm thơ” Đồng vọng thi ca”- tái hiện trò chơi Thả thơ
10:54 | 18/02/2011
Nhân ngày thơ Việt Nam lần thứ IX, tối ngày 17/2 (Rằm tháng Giêng năm Tân Mão), tại lầu Tứ Phương Vô Sự - Đại Nội, Huế, đã diễn ra chương trình Thơ Nguyên Tiêu với chủ đề Đồng vọng thi ca.
Đêm thơ” Đồng vọng thi ca”- tái hiện trò chơi Thả thơ

Đồng vọng thi ca là chủ đề của đêm thơ gồm các bài thơ chữ Hán và các bài thơ chữ Quốc ngữ qua các giai đoạn từ Trung đại đến cận đại và hiện đại, được Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức.

Họa sỹ Đặng Mậu tựu- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế
phát biểu khai mạc đêm thơ "Đồng vọng thi ca"


Đêm thơ Nguyên Tiêu năm nay có thêm phần mới, đó là việc tái hiện trò chơi Thả thơ. Thả thơ hay còn gọi là đánh thơ, vốn là một thú chơi tao nhã của giới nho sỹ, quý tộc ngày xưa ở Kinh đô Huế. Đây là thú chơi với tính chất phô diễn kiến thức, trí tuệ, đòi hỏi “người cầm cái” phải hội đủ kiến thức và tài thi phú mới mong thắng cuộc; người tham gia cũng phải hội đủ kiến thức và tài văn chương mới mong không bị thua cuộc.

Nghệ sỹ Bạch Hạc ngâm bài thơ "Nguyên Tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Mở đầu chương trình thơ Đồng vọng thi ca là bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm tháng giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua giọng ngâm của nghệ sỹ Bạch Hạc. Cách đây dúng 60 năm, vào Tết Nguyên Tiêu 1948, sau khi dự hội nghị của Trung ương, Bác Hồ trở về nơi nghỉ, thanh thản ngắm trăng và Bác đã cảm tác rồi ngâm luôn bài thơ Nguyên Tiêu bằng chữ Hán: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Bài thơ đã nói lên cảm xúc và niềm vui dạt dào trước đêm Nguyên tiêu lịch sử. Đây là bài thơ duy nhất của Bác về đêm Nguyên tiêu và cũng là áng thơ tuyệt tác về Trăng mà Bác đã sáng tác bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt.

Tái hiện trò chơi thả thơ ở Huế xưa


Chương trình thơ được tiếp tục với các bài thơ: Thượng Nguyên tịch ngoạn nguyệt (Ngắm trăng đêm rằm Tháng Giêng) của vua Thành Thái; Hương Giang hiểu phiêm (Buổi sáng qua sông Hương) của vua Thiệu Trị; Tết của mẹ tôi của thi sỹ đồng quê Nguyễn Bính; Đây thôn Vỹ Dạ của thi sỹ Hàn Mặc Tử; Trong đôi mắt Huế của thi sỹ Đông Hồ; Bài ca quê hương của nhà thơ Tố Hữu; Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; Thưa mẹ trái tim của nhà thơ Trần Quang Long được thể hiện qua giọng ngâm của các nghệ sỹ: Bạch Hạc, Kim Liên, Phong Thủy, Thu Hằng, Phi Tuấn;... và giao lưu thơ với các nhà thơ Huế: Hồng Nhu, Lâm Thị Mỹ Dạ... Cùng lúc tại sân khấu phụ diễn ra trò chơi thả thơ, khi bài thơ vừa được ngâm xong là lúc trò chơi thả thơ được đưa ra đáp án và trò chơi được tiếp tục với đề thơ mới.

Nhà thơ, nhà thư pháp Hải Trung- người có công trong việc khôi phục lại các trò chơi  cung đình xưa

Đêm thơ được khép lại với ca khúc Mùa xuân nho nhỏ của nhạc sỹ Trần Hoàn phổ thơ của nhà thơ Thanh Hải. Đêm thơ đã khép lại, những giọt mưa xuân vẫn rơi trên nền trời Huế, nhưng không vì thế, khán giả, những người yêu thơ vẫn ngồi chật kín trước lầu Tứ Phương Vô Sự để nghe, thưởng thức thơ đến phút cuối cùng. Đêm thơ Đồng vọng thi ca đã đưa mọi người gần nhau hơn, đến với những khoảnh khắc bất tận của quê hương đất nước, của mùa xuân trong thi ca, niềm tin về một ngày mai và sự trường tồn của thi ca. 
 

Dưới đây là một số hình ảnh tại
Đêm thơ Nguyên tiêu Đồng vọng thi ca


PV








Các bài mới
Các bài đã đăng