Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Hội thảo “Giá trị văn học Thừa Thiên Huế - Những định hướng bảo tồn”
07:48 | 19/09/2011
SHO - Nhằm hướng đến xây dựng Bảo tàng (Nhà lưu niệm) Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế theo kế hoạch của Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, sáng ngày 17/9, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị văn học Thừa Thiên Huế - Những định hướng bảo tồn”, diễn ra tại 26 Lê Lợi, Huế.
Hội thảo “Giá trị văn học Thừa Thiên Huế - Những định hướng bảo tồn”

Hội thảo đã phác thảo mang tính xây dựng những định hướng chung trong việc góp phần đánh giá, gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn học ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay, đồng thời sẽ tạo nên những cơ sở cho việc định hướng nội dung trưng bày của Bảo tàng (Nhà lưu niệm) Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong tương lai, gồm các nội dung: 1. Đánh giá đúng đắn về các giá trị văn học ở Thừa Thiên Huế theo diễn trình lịch sử; 2. Thảo luận về phương án xây dựng thiết chế “Nhà lưu niệm Văn nghệ sĩ” hay “Bảo tàng Văn học Nghệ thuật”; 3. Kế hoạch xây dựng hệ thống tư liệu, sưu tầm hiện vật và kế hoạch lập đề án cho việc xây dựng thiết chế này; 4. Sau Hội thảo, Ban tổ chức cần tập trung xây dựng khuyến nghị để trình các cấp xem xét, có cơ sở cho kế hoạch lâu dài.



Nhà thơ Phạm Nguyên Tường - Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phát biểu đề dẫn Hội thảo

Qua hơn 10 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trình bày về văn hóa - văn học Thừa Thiên Huế qua diễn trình lịch sử 700 năm (từ 1306) bắt đầu từ Thuận Hóa đến Phú Xuân để trở thành Kinh đô của cả nước (từ 1788-1801 dưới triều Tây Sơn, từ 1802-1945 dưới triều Nguyễn), rồi Thừa Thiên Huế sau này, văn hóa Huế đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng văn hóa của cả dân tộc. Trong đó, văn học là một thành tựu đáng kể góp phần hình thành nên những đặc trưng văn hóa giàu bản sắc của của vùng đất thi ca.



Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại Hội thảo:  “Việc nghiên cứu có hệ thống về văn học Thừa Thiên - Huế, gắn với việc lưu niệm, giữ gìn hình ảnh hiện vật các văn nghệ sĩ Huế là điều đáng trông đợi”

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu đã dựng lại diễn trình văn học ở Thừa Thiên Huế qua các giai đoạn gắn liền với lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân qua miêu thuật và đánh giá về “Thành tựu của thời kỳ văn học cổ điển ở Thừa Thiên Huế”. Quan tâm đến tính toàn diện về diện mạo văn học một vùng đất, tuy chỉ xác định là “Bước đầu tìm hiểu văn học Thừa Thiên Huế” nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm xuất phát từ những đặc điểm lịch sử của Thừa Thiên Huế để chỉ ra những đặc điểm làm nên vẻ riêng có của văn học vùng đất.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương với tham luận Những nét nổi bật của văn học Thừa Thiên Huế

Bên cạnh, nhiều tham luận cũng đã phân tích những giá trị văn học Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ đồng thời đóng góp nhiều ý kiến quan trọng xung quanh việc hoạch định ý tưởng, nội dung cho phần trưng bày văn học trong tổng thể Bảo tàng (Nhà lưu niệm) Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế. Ở mảng đề tài này có các tham luận Một số ý kiến đóng góp về nội dung trưng bày di sản văn học xứ Huế của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa; Những định hướng và giải pháp thực hiện Nhà lưu niệm Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân; Một công trình không chỉ có ý nghĩa với Huế của nhà văn Nguyễn Khắc Phê; Ý kiến nhỏ về một dự án lớn của nhà thơ Hồ Thế Hà; Phát biểu về xây dựng Nhà lưu niệm Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế của nhà văn Tô Nhuận Vỹ; Cái chúng ta cần là sự thích nghi của nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch; Những nét nổi bật của văn học Thừa Thiên Huế của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc; Văn học Thừa Thiên Huế, giá trị và di sản vật chất của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh; Nội dung trưng bày Phần văn học tại Nhà lưu niệm Văn nghệ sĩ nhìn từ việc phân tích đánh giá nguồn hiện vật và khả năng sưu tầm của nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung.



Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trình bày tham luận tại Hội thảo

Cùng đó, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã thảo luận về phương án xây dựng thiết chế “Nhà lưu niệm Văn nghệ sĩ” hay “Bảo tàng Văn học Nghệ thuật”. Theo nhà văn - dịch giả Bửu Ý thì không nên xây dựng nhà lưu niệm văn nghệ sĩ vì nhà lưu niệm chỉ dành riêng cho một cá nhân, nhưng ở đây lại là một tập thể. Vì vậy, theo ông nên xây dựng bảo tàng văn nghệ sĩ là thích hợp nhất, đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo.
 

 Với tinh thần khoa học và sự nghiêm túc, các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu đã nêu bật nhiều nội dung quan trọng về diện mạo văn học Thừa Thiên Huế và đóng góp nhiều ý kiến cho việc xây dựng Bảo tàng văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế. Hy vọng, trong một tương lai gần, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng Bảo tàng Văn nghệ sĩ - chắc chắn đây sẽ là một điểm nhấn trong hành trình đến Cố đô Huế với công chúng yêu văn học, du khách và những người yêu mến vùng đất thi ca này.
 
PV



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng