Tham dự Hội thảo có 13 bài tham luận của các nhạc sĩ Huế, các nhà nghiên cứu âm nhạc Huế xoay quanh các vấn đề tổng kết thành quả, năng lực sáng tác của các nhạc sĩ Hội Âm nhạc trong thời gian qua về số lượng, đề tài, phong các tác phẩm; những quan điểm về âm nhạc truyền thống, những giá trị thẩm mỹ của âm nhạc, chất lượng các sáng tác trẻ hiện nay cũng như những định hướng cho âm nhạc Huế trong thế kỉ XXI.
Sau khi nghe báo cáo đề dẫn “Ca khúc của Nhạc sĩ Huế với đời sống âm nhạc hiện nay” của nhạc sĩ Vĩnh Phúc, tham luận của các nhạc sĩ Trần Đức đã dẫn dắt Hội thảo vào chương trình thảo luận các vấn đề “Ca khúc nhạc sĩ Huế hiện nay và những điều còn trăn trở”. Tham luận phác thảo một chặng đường dài của ca khúc Huế từ những năm đầu thế kỉ đến nay. Theo tác giả đánh giá “các tác phẩm về Huế đã làm rung động hàng triệu trái tim, đã làm thổn thức bao nỗi nhớ, luyến tiếc bao cuộc tình và đắm say bao niềm vui khát vọng”.
Trong tham luận “Để ca khúc của Nhạc sĩ Huế có chỗ Đứng trong lòng khán giả” của Nhạc sĩ Hà Mai Hương đã đưa ra những quan điểm về nội hàm khái niệm Nhạc sĩ Huế, về ca khúc được đánh giá là ca khúc hay. Cuối cùng tác giả nhấn mạnh về “trách nhiệm các nhạc sĩ Huế” làm sao để tác phẩm của mình đứng vững trong lòng khán giả hâm mộ. Các tham luận “Dòng nhạc Huế với các nhạc sĩ Huế hôm nay” của nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức; “Đôi điều suy nghĩ về âm nhạc trong giai đoạn hiện nay” của Nhạc sĩ Nguyễn Việt đề cập đến những trăn trở của âm nhạc Huế trong xu thế phát triển mới, đồng thời nêu lên những trăn trở về một nền âm nhạc Huế trong tương lai.
Đến với Hội thảo, trong vai trò của một người nhạc sĩ cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc, Nhạc sĩ Phan Thuận Thảo với “Những yếu tố của âm nhạc truyền thống góp phần tạo nên tính chất Huế trong ca khúc của nhạc sĩ Huế hiện nay” mang đến cái nhìn “hoài cổ” về giá trị âm nhạc Huế với nhận định “âm nhạc truyền thống là mạch nguồn sáng tạo cho nhiều tác phẩm hiện đại.” Cuối Hội thảo,Nhạc sĩ Lê Phùng đề cập sự quan tâm đến thế hệ trẻ khi trình bày tham luận “Để cho những tài năng trẻ về âm nhạc trên lĩnh vực ca hát ở Huế có điều kiện phát triển, thăng hoa”, liên quan đến các hoạt động của những tài năng ca hát, biểu diễn của Huế từ các giọng ca nhạc trẻ đến giọng ca kịch truyền thống. Tác giả đề xuất ý kiến cho các nhà quản lí, tổ chức để các hoạt động biểu diễn của tài năng trẻ được coi trọng và quan tâm hơn nữa.
Hột thảo diễn ra trong không khí khoa học nghiêm túc, những trao đổi cởi mở thân tình đã đưa ra nhiều vấn đề cần thiết đối với sự phát triển của nền âm nhạc Huế. Hy vọng sau Hội thảo với tài năng và trách nhiệm của mình, các nhạc sĩ Huế sẽ tạo nên những thành tựu mới cho âm nhạc lâu tỉnh nhà trong thời đại mới. PV |