Tiếp đó, bạn đọc sẽ được đến với những con người đã vượt qua bao gian nan, bao chướng ngại vật để chứng thực cho cuộc đời biết rằng, con người Việt Nam cũng hoàn toàn đủ năng lực, trình độ để biến cải rác thành sản phẩm có ích qua bài bút ký “Rác đã hóa thân” của Hữu Thu – Bảo Hân.
“Hồn rừng” của Hoàng Tùng sẽ đưa người đọc vào chốn u mê của sự đan xen giữa những điều có thực và những chi tiết mang tính chất huyễn ảo trong một không gian mang đậm màu sắc nguyên thủy của núi rừng.“Cuộc tìm kiếm” của Trần Hương Giang lại là một truyện ngắn thành công trong việc gọi tên những cảm xác ẩn mình trong chiều sâu thế giới tâm hồn của những con người luôn biết tìm về với những gì ý nghĩa nhất. “Cõi người ta” của Mai Khắc Ứng là những trang ghi chép về những điều có thật trong cuộc sống, thành công của bài viết là tác giả đã đưa ra được một sự đối sánh của văn hóa ứng xử của “Cõi người ta” với những hạn chế trong văn hóa ứng xử của nước nhà để từ đó dấy lên những trăn trở cho người đọc, nếu không muốn nói là chúng ta sẽ tự nhìn lại mình để vươn tới một cuộc sống đẹp hơn. Tiếp đó bạn đọc sẽ được chìm vào một khoảng không gian Huế xưa được lưu giữ trong “Ký ức tím” của Phan Thị Thu Quỳnh và “Nhớ mưa xứ Huế” của Văn Nguyên. Bên cạnh một bức tranh đa dạng về văn xuôi, thơ Sông Hương kỳ này là sự góp mặt của những tên tuổi không còn xa lạ với đọc giả. Lê Huỳnh Lâm đi về với những “Cảm nghiệm thi ca” và “Câu chuyện của chúng ta” đầy màu sắc triết lý với những biểu tượng đa nghĩa. Trần Hoàng Phố với những khát khao mang tính bản nguyên trong tâm hồn của một thi nhân khát khao bấu víu vào từng khoảnh khắc của cuộc sống qua “Những nhịp sóng biếc xanh vĩnh cữu.” Thi nhân thì muôn đời vẫn thế, vẫn luôn khát sống, khát yêu, vẫn luôn trăn trờ và hoài nghi về sự tồn tại của mình. Những điều đó được minh chứng trong các thi phẩm của Trần Hữu Dũng, Đào Duy Anh, Nguyễn Thánh Ngã, Khaly Chàm, Nguyễn Loan… Bạn đọc còn được gặp lại những hình ảnh tưởng như đã ngủ yên trong tiềm thức của người Việt qua các thi phẩm trong phần Dự thi thơ lục bát. “Cái cò, rơm rạ, bùn nâu”, “Chiếu đời” của Phan Thành Minh, “Yêu em từ thuở ca dao” của Nguyễn Trọng Văn và “Này em” (hưởng ứng cuộc thi thơ lục bát) của Văn Công Hùng, tất cả dệt nên sự đa dạng về hình tượng, phong cách trong cuộc thi thơ lục bát đã và đang diễn ra. Từ trước đến nay Sông Hương đã quảng diễn bạn đọc một khối lượng tác giả, tác phẩm đồ sộ thuộc văn học nước ngoài. Không ngoại lệ, kỳ này chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một số bài viết về văn học nước ngoài. Thái Kim Lan với “R. M. Rilke và thơ hài cú”, Trần Thiện Đạo với “Alexis Jenni, Binh pháp của nước Pháp”, và đặc biệt là “Các tác giả Nobel văn học bàn về thời gian của Anders Cullhed” qua sự chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Tiến Văn. Những tác giả, tác phẩm mới có giá trị về nội dung và tư tưởng luôn được Sông Hương và các cộng tác viên chú ý giới thiệu qua chuyên mục Tác giả - Tác phẩm & dư luận. Kỳ này bạn đọc sẽ đến với những kiến giải về bút pháp trong tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên qua bài viết “Khi văn chương là thế giới ngụy tạo” của Viễn Phương. Tiếp đó là sự minh chứng những giá trị cần được chú ý trong hồi kỳ “Rễ bèo chân sóng” của Vũ Bão qua những suy ngẫm nghiêm xác của Nguyễn Khắc Phê và sự định chân giá trị cho tập thơ “Máy bay đang bay và những bài thơ khác” của Nguyễn Hoa qua cách nhìn của Bùi Văn Kha. Trong mục Nghiên cứu & Bình luận bạn đọc sẽ được tiếp xúc với những phân tích, kiến giải một cách chính xác và nhiệt tâm để gọi đúng tên những giá trị ẩn chứa trong các tác phẩm văn học. Đỗ Ngọc Yên sẽ đưa bạn đọc đến với những gam màu trần trụi của hiện thực chiến tranh qua bài viết “Hiện thực chiến tranh trong Vùng Lõm của Nguyễn Quang Hà”. Bên cạnh đó là những câu chữ đầy mê dụ của Nguyễn Quang Huy khi nhà nghiên cứu trẻ này tự xác lập cho mình một hướng đi đầy triển vọng, đó là sự truy tìm cổ mẫu trong văn chương đương đại, cụ thể với bài viết “Những mộng tưởng Thoạt Kỳ Thủy”. “Đọc Xa Hà Nội, Đồng cảm với Nhất Lâm” lại là những câu chữ đi sâu tìm kiếm những giá trị trong nội dung của tác phẩm này của Ngô Minh.
Là một tạp chí sống trên mảnh đất thần kinh, Sông Hương luôn khát vọng tìm đến và giới thiệu cho bạn đọc gần xa những nét đẹp có trong văn hóa Huế qua mục Huế - Dòng chảy văn hóa. Cụ thể số báo này bạn đọc sẽ được gặp lại những hình ảnh của một làng xưa nay đã có sự đổi khác trong bài viết “Phú Bài làng xưa” của Bùi Kim Chi. Ở mục Góc nhìn Sông Hương sẽ là những tìm tòi một hướng đi cho ngành du lịch Huế với bài viết “Sông Hương và du lịch sông nước” của Lê Văn Lân.
Sông Hương xin trân trọng giới thiệu. PV |